Nhà tù sơn màu "hường phấn" để giúp tù nhân bớt hung hãn, người trong cuộc chỉ thấy nhục nhã vì buồng giam quá "bánh bèo"
Màu hồng cánh sen được sử dụng rộng rãi ở các nhà tù Thụy Sĩ dù hiệu quả tâm lý của nó vẫn không ngừng gây tranh cãi.
Màu hồng mộng mơ vẫn luôn là sắc màu yêu thích của đông đảo chị em phụ nữ. Tại Thụy Sĩ, chính phủ còn yêu cầu sơn màu hồng cho một số nhà tù, nghe có vẻ sai sai nhưng nó lại dựa trên nghiên cứu khoa học và tâm lý hẳn hoi. Theo đó, người ta tin rằng khi nhìn ngắm màu hồng mỗi ngày sẽ làm cho tù nhân bớt đi bản tính hung hãn và dễ hướng thiện hơn.
Các nhà khoa học tin rằng màu sắc có ảnh hưởng rất lớn đến tâm trạng của con người. Đơn cử như màu đỏ giúp kích thích vị giác trong khi màu xanh lại thường không được sử dụng trong các hàng quán ăn uống. Theo quan niệm của mọi người, màu hồng đại diện cho cảm xúc, hạnh phúc, phảng phất nét nữ tính và yếu đuối. Đây là lý do vì sao nó gây ra tranh cãi giữa các nhà tâm lý, rằng màu hồng sẽ giúp con người bình tĩnh hơn nhưng nếu sử dụng trong nhà tù thì lại khiến người ta cảm thấy bị thao túng và nhục nhã.
Người đầu tiên nảy ra ý tưởng sơn nhà tù màu hồng là nhà nghiên cứu Alexander Schauss. Vào cuối những năm 1970, ông đã tiến hành một loạt nghiên cứu để chứng minh màu sắc ảnh hưởng đến hành vi con người. Một trong những thử nghiệm gây tranh cãi của ông là để các đối tượng nam giới dang rộng 2 tay ra nhìn thẳng vào tấm poster màu hồng. Kết quả thí nghiệm cho thấy những người này dễ dàng hạ tay của mình xuống hơn trong khi đổi sang tấm poster màu xanh, lực cánh tay họ vẫn được giữ nguyên.
2 sĩ quan hải quân Gene Baker và Ron Miller rất ấn tượng với nghiên cứu của Alexander nên tiến hành "nhuộm hồng" nhà tù ở căn cứ của mình và nhận ra sự thay đổi lớn trong hành vi của tù nhân, tất nhiên là theo hướng tích cực hơn. Màu sắc ấy sau đó được gọi là Baker-Miller Pink và phổ biến ở một số trại giam thời điểm những năm 1980.
Vậy nhưng, những thí nghiệm sau đó của Alexander lại đi ngược lại kết quả đã làm nên ý nghĩa của Baker-Miller Pink, rằng màu hồng không hề giúp mọi người bình tĩnh chút nào, thậm chí còn khiến tù nhân trở nên nóng giận hơn. 30 năm sau, nghi ngờ của Alexander cũng được xác nhận khi nhà tâm lý học Oliver Genschow tiến hành thí nghiệm kiểm tra xem Baker-Miller Pink có làm dịu tính khí nóng nảy tù nhân hay không, thì kết quả là hoàn toàn không.
Về cơ bản Baker-Miller Pink là màu hồng rực hay còn gọi là hot pink nên vào năm 2011, nhà tâm lý học người Thụy Sĩ Daniela Spath đã thực hiện thí nghiệm với tông màu hồng nhẹ nhàng hơn, được cô gọi là Cool Down Pink. Thí nghiệm này được áp dụng lên 1 vài buồng giam tại 10 nhà tù ở Thụy Sĩ trong vòng 4 năm. Sau đó, quản ngục nhận thấy tù nhân trong những buồng giam màu hồng giảm bớt hung hãn hơn những phạm nhân ở các buồng giam bình thường. Bản thân Daniela cũng nhận thấy tù nhân thư giãn hơn trong không gian được phủ toàn bộ bằng màu hồng cánh sen.
Sau đó, Cool Down Pink trở nên phổ biến ở các nhà tù Thụy Sĩ và lan sang Đức. Daniela khuyến khích chính phủ các nước sử dụng màu hồng này ở các khu vực khác như nhà trường, bệnh viện tâm thần…
Trong khi các nhà khoa học và quản ngục đồng tình với hiệu quả của Cool Down Pink thì tù nhân lại không cảm thấy như vậy. Một tù nhân ở Thụy Sĩ sau khi được trả tự do đã nói với tờ The Telegraph rằng bị nhốt trong buồng giam trông hệt như phòng ngủ của bé gái khiến anh bị khó chịu, tù túng. Một số khác cảm thấy bị phân biệt đối xử và phân biệt giới tính vì màu hồng vốn dĩ dành cho nữ giới. Một học giả nghiên cứu về giới cũng chỉ ra rằng tù nhân bị nhốt trong buồng giam màu hồng sẽ không tránh khỏi cảm giác nhục nhã, mất mặt. Dù vậy, Cool Down Pink vẫn được áp dụng rộng rãi ở các nhà tù Thụy Sĩ dù hiệu quả của nó vẫn không ngừng gây tranh cãi.
Các nhà khoa học còn tranh cãi về việc các màu sắc pastel có thể làm dịu bớt tính hung hãn của tù nhân như Cool Down Pink hay không.
(Nguồn: Oddity Central)