Nhà giáo Nhân dân làm Hiệu trưởng từ năm 20 tuổi: “Tuổi 92, tôi vẫn làm việc mỗi ngày dù thứ Bảy hay Chủ Nhật”

Phương Thúy - T/K: Hương Xuân,
Chia sẻ

Luôn bắt đầu ngày mới muộn nhất lúc 6 giờ sáng, sau đó tập thể dục, ăn uống và làm việc theo kế hoạch, đó là một trình tự cố định mà thầy Nguyễn Trọng Vĩnh - nhà sáng lập trường Nguyễn Siêu, đã kiên trì từ thuở trẻ cho đến ngày hôm nay. “Tôi thường ví bản thân như một chiếc đồng hồ không bao giờ ngừng chạy”, thầy Vĩnh chia sẻ.


Nhà giáo Nhân dân làm Hiệu trưởng từ năm 20 tuổi: “Tuổi 92, tôi vẫn làm việc mỗi ngày dù thứ Bảy hay Chủ Nhật”- Ảnh 1.

Ở tuổi 92, một ngày của thầy diễn ra như thế nào?

Hiện nay, do tuổi đã cao, tôi không còn trực tiếp điều hành hoạt động của nhà trường nữa mà chỉ giữ vai trò là người sáng lập, hoàn thiện nốt những việc lớn, những kế hoạch lớn mà mình vẫn phải tiếp tục làm. Muốn làm được như thế, đầu tiên phải có sức khỏe.

Do tuổi cao lại mang bệnh tiểu đường, tôi tuân thủ nghiêm ngặt một chế độ sinh hoạt và luyện tập cố định hằng ngày. Thông thường, tôi thức dậy lúc 6 giờ sáng – muộn nhất là như vậy. Việc đầu tiên sau khi thức dậy là uống nước để giúp máu lưu thông tốt hơn. Sau đó, tôi tập thể dục khoảng 30 phút, rồi nằm ghế mát-xa thêm 30 phút để hỗ trợ tuần hoàn máu, giúp cơ thể được thư giãn. Kết thúc các hoạt động này, tôi mới dùng bữa sáng.

Đối với người lớn tuổi, theo lời khuyên của bác sĩ, bữa sáng cần ăn no và đủ chất. Đặc biệt, tôi không đánh răng ngay sau khi ngủ dậy mà để sau bữa ăn mới thực hiện, vì các bác sĩ giải thích trong khoang miệng buổi sáng có những enzyme hỗ trợ tiêu hóa – nếu đánh răng sớm sẽ vô tình làm mất đi những lợi khuẩn ấy.

Sau bữa sáng và vệ sinh cá nhân, tôi tiếp tục đạp xe trong nhà khoảng 100 vòng rồi nghỉ ngơi, và cuối cùng là lên phòng làm việc. Hàng ngày, kể cả thứ 7 hay Chủ nhật, tôi đều làm việc 2 buổi từ 9-12 giờ và 15-17 giờ với chiếc máy tính, vừa xem tin tức, giao lưu với bạn bè, người thân, vừa chia sẻ các công việc và thành tựu của nhà trường. Đôi khi tôi cũng rất thích nghe nhạc để thư giãn đầu óc.

Nhà giáo Nhân dân làm Hiệu trưởng từ năm 20 tuổi: “Tuổi 92, tôi vẫn làm việc mỗi ngày dù thứ Bảy hay Chủ Nhật”- Ảnh 2.

Thầy hình thành những thói quen này từ bao giờ?

Những thói quen sinh hoạt đã được tôi rèn từ thời trẻ, nhất là trong thời gian 3 năm học ở Trung Quốc được đào tạo toàn diện từ đó. Theo năm tháng, chúng dần trở thành nề nếp, một phần không thể thiếu trong cuộc sống. Nhờ vậy, tôi có thể duy trì được sức khỏe cho đến hôm nay.

Năm nay tôi đã hơn 92 tuổi, nhưng huyết áp vẫn luôn giữ ở mức 110, nhịp tim ổn định từ 70 đến 80 nhịp/phút. Ngoài bệnh tiểu đường, các chỉ số sức khỏe khác của tôi gần như vẫn ổn định, nhiều lúc thấy mình khỏe như… thanh niên 20 tuổi (cười).

Khi còn giữ được sức khỏe thì mình phải tiếp tục làm việc, và ngược lại, chính công việc cũng là niềm vui giúp mình sống vui, sống khỏe hơn mỗi ngày. Rèn luyện thể chất phải luôn song hành với rèn luyện trí não. Với tôi, bộ óc con người giống như những con đường mòn trong rừng. Khi ta đi thì nó còn, nhưng nếu một lúc nào đó ta không đi nữa lá rừng rụng dần lấp hết, đường mòn.

Nhà giáo Nhân dân làm Hiệu trưởng từ năm 20 tuổi: “Tuổi 92, tôi vẫn làm việc mỗi ngày dù thứ Bảy hay Chủ Nhật”- Ảnh 3.

Vì thế, tôi luôn cố gắng học tập, suy nghĩ và làm việc để giữ cho những "đường mòn" trong não được thông suốt. Nhờ vậy, tôi thấy trí nhớ của mình khá tốt. Nhiều khi, các bạn trẻ bận rộn ôm đồm nên quên việc nọ việc kia, còn tôi, một khi đã nhắc điều gì là sẽ nhớ đến cùng và theo dõi công việc đến khi hoàn thành mới thôi.

Muốn giữ sức khỏe, ngoài rèn luyện, không có con đường nào khác. Đó vừa là niềm vui sống, vừa là điều kiện để tôi tiếp tục hoàn thành những công việc mà bản thân còn phải gánh vác.

Nhà giáo Nhân dân làm Hiệu trưởng từ năm 20 tuổi: “Tuổi 92, tôi vẫn làm việc mỗi ngày dù thứ Bảy hay Chủ Nhật”- Ảnh 4.

Trải qua nhiều vị trí và vai trò khác nhau, điều gì khiến thầy không ngừng làm mới hành trình giáo dục của mình, giữ vững tinh thần “mở đường thắng lợi” của người lính công binh?

Tôi thường cảm giác bản thân như một chiếc đồng hồ không bao giờ ngừng quay. Chính cảm giác ấy đã thôi thúc tôi sống và làm việc liên tục, không cho phép mình dừng lại mà phải luôn luôn đi trước đón đầu để không ngừng đổi mới, vươn lên.

Ngay trong phòng làm việc của tôi cũng có rất nhiều đồng hồ – lớn, nhỏ, đủ kiểu, nhưng tất cả đều phải chạy đúng giờ. Với tôi, đồng hồ là biểu tượng của nhịp thở, của trái tim, phải luôn đập đều đặn. Nếu nó ngừng, nghĩa là nhịp sống cũng dừng lại.

Vì thế, trong suốt hành trình, tôi chưa bao giờ cho phép mình dừng bước. Giống như chiếc đồng hồ không ngừng quay, tôi cũng làm việc miệt mài và không ngơi nghỉ với mỗi một vị trí và vai trò của mình.

Nhà giáo Nhân dân làm Hiệu trưởng từ năm 20 tuổi: “Tuổi 92, tôi vẫn làm việc mỗi ngày dù thứ Bảy hay Chủ Nhật”- Ảnh 5.

Đó là những công việc gì, thưa thầy?

Trước hết, tôi đang tập trung hoàn thiện bộ sử chính thống ghi lại chặng đường hơn 30 năm xây dựng và phát triển của trường Nguyễn Siêu. Đây không chỉ là cách để tri ân các thế hệ thầy cô giáo, cán bộ, nhân viên đã gắn bó, mà còn là nguồn tư liệu quý báu giúp các thế hệ sau hiểu và tiếp nối truyền thống. Mục tiêu của tôi là làm sao để trường Nguyễn Siêu tồn tại lâu bền với thời gian, đồng hành cùng non sông, đất nước – đặc biệt là với Thủ đô Hà Nội, nơi Hồ Gươm vẫn còn đài Nghiên, tháp Bút, cầu Thê Húc và đền Ngọc Sơn – những dấu ấn mà thầy Nguyễn Văn Siêu góp công đầu trong việc tạo dựng và tu sửa.

Thứ hai, tôi cũng có kế hoạch nâng tầm Phòng Truyền thống của trường, biến nơi đây trở thành một không gian ứng dụng công nghệ thông tin hiện đại và trí tuệ nhân tạo. Như vậy, mỗi bức ảnh, mỗi hiện vật đều sẽ là một “câu chuyện” được kể lại một cách sống động và truyền cảm hứng.

Ngoài ra, chúng tôi còn xây dựng phòng lưu trữ các kỷ vật – nơi bảo tồn những hiện vật từ thời kỳ bao cấp, chiến tranh, cả những tư liệu cá nhân tôi tích lũy suốt nhiều năm công tác, chiến đấu và làm giáo dục.

Cuối cùng, tôi có ý định hoàn thành cuốn hồi ký ghi lại hành trình cuộc đời mình. Không phải nhằm đề cao bản thân, mà đây là lời nhắn gửi đến con cháu gìn giữ và tiếp nối sự nghiệp của cha ông để sống sao cho xứng đáng với những giá trị mà thế hệ trước dày công xây dựng.

Nhà giáo Nhân dân làm Hiệu trưởng từ năm 20 tuổi: “Tuổi 92, tôi vẫn làm việc mỗi ngày dù thứ Bảy hay Chủ Nhật”- Ảnh 6.

Là người chứng kiến nhiều đổi thay của nền giáo dục Việt Nam trong hơn nửa thế kỷ, thầy kỳ vọng điều gì nhất cho giáo dục nước nhà trong 10 – 20 năm tới?

Hiện nay, giáo dục Việt Nam đang trong giai đoạn chuyển mình mạnh mẽ để hiện thực hóa phương châm “giáo dục là quốc sách hàng đầu” mà Đảng và Nhà nước đã xác định. Theo tôi, mục tiêu cốt lõi vẫn là phải thay đổi một cách cơ bản và toàn diện để nền giáo dục nước ta có thể hội nhập với thế giới, đáp ứng yêu cầu phát triển của thời đại.

Một trong những kỳ vọng lớn nhất của tôi chính là chủ trương từng bước xây dựng tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai trong toàn xã hội - như Tổng.Bí Thư Tô.Lâm đã từng nói. Cá nhân tôi cho rằng, đây không chỉ là xu hướng, mà là điều kiện tiên quyết để Việt Nam có thể hội nhập sâu rộng với thế giới. Tôi rất ủng hộ chủ trương này, bởi nó đã được kiểm chứng thành công ở nhiều quốc gia – điển hình là Singapore.

Singapore là một đất nước đa sắc tộc – người Hoa, người Malaysia, người Ấn, người Việt... nhưng nhờ có một quyết định chiến lược: lấy tiếng Anh làm ngôn ngữ chung trong giáo dục và xã hội, họ đã tạo nên một xã hội thống nhất và phát triển vượt bậc.

Mỗi dân tộc vẫn giữ gìn bản sắc riêng trong gia đình, trong cộng đồng của mình, nhưng khi bước ra xã hội, họ sử dụng tiếng Anh như một “ngôn ngữ quốc dân”. Đó là một cách làm rất hiệu quả, tôi kỳ vọng Việt Nam cũng sẽ làm được điều tương tự.

Nhà giáo Nhân dân làm Hiệu trưởng từ năm 20 tuổi: “Tuổi 92, tôi vẫn làm việc mỗi ngày dù thứ Bảy hay Chủ Nhật”- Ảnh 7.

Và kỳ vọng ấy thể hiện ra sao ở Trường Nguyễn Siêu?

Tại trường Nguyễn Siêu, điều này đã được cụ thể hóa từ rất sớm. Chúng tôi xác định hội nhập quốc tế là xu hướng tất yếu và cần chuẩn bị cho học sinh từ nền tảng ngôn ngữ.

Trường Nguyễn Siêu là một trong những trường tư thục đầu tiên tại Hà Nội triển khai chương trình song ngữ và tích hợp quốc tế. Ngoài tiếng Anh, các em còn được rèn luyện tư duy, kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng sống... những yếu tố cốt lõi của một công dân toàn cầu.

Tôi mong rằng trong 10 - 20 năm tới, Việt Nam sẽ có một thế hệ học sinh không chỉ giỏi chuyên môn, mà còn vững ngoại ngữ, đủ bản lĩnh hội nhập, nhưng vẫn không quên cội nguồn dân tộc.

Đó cũng là lý do vì sao ở Nguyễn Siêu, chúng tôi luôn song hành giữa hiện đại và truyền thống: vừa dạy học sinh tri thức toàn cầu, vừa nuôi dưỡng tình yêu quê hương, lòng tự hào dân tộc. Vì vậy, chúng tôi luôn xác định hội nhập quốc tế nhưng phải giữ vững bản sắc Việt.

Điều gì thầy mong muốn thế hệ lãnh đạo kế cận của trường Nguyễn Siêu sẽ làm được mà không bị ảnh hưởng bởi “cái bóng” của người sáng lập?

Hiện tại, trường Nguyễn Siêu đã có một thế hệ kế cận đủ năng lực để tiếp nối ngọn đuốc truyền thống của những người đi trước. Tôi luôn mong rằng các con, các đồng nghiệp của tôi, những người đang điều hành nhà trường, sẽ tiếp tục phát huy những giá trị cốt lõi mà chúng tôi đã dày công xây dựng, nhưng đồng thời phải có bản lĩnh để bước ra khỏi “cái bóng” của thế hệ sáng lập.

Tôi luôn nhấn mạnh: Phải giữ gìn tiếng Việt như ngôn ngữ mẹ đẻ, là nền tảng văn hóa và bản sắc dân tộc. Nhưng cùng với đó, cần tiến tới một bước chuyển mình mạnh mẽ.

Có thể, trong tương lai, học sinh của trường Nguyễn Siêu sẽ sử dụng tiếng Anh như một ngôn ngữ thuần thục song hành với tiếng mẹ đẻ. Như vậy, chúng tôi có thể tiến tới mở rộng việc giảng dạy một ngoại ngữ khác như tiếng Trung. Đây không chỉ là một trong những ngôn ngữ được sử dụng nhiều nhất trên thế giới, mà Trung Quốc cũng là một trong những đối tác quan trọng của Việt Nam.

Nhà giáo Nhân dân làm Hiệu trưởng từ năm 20 tuổi: “Tuổi 92, tôi vẫn làm việc mỗi ngày dù thứ Bảy hay Chủ Nhật”- Ảnh 8.

Việc đào tạo song song cả tiếng Anh và tiếng Trung không chỉ tạo lợi thế ngôn ngữ cho học sinh mà còn mở rộng cánh cửa học thuật và nghề nghiệp cho các em. Ví dụ, 2 năm nay, Nguyễn Siêu đã có hàng chục học sinh trúng tuyển vào các trường đại học danh tiếng hàng đầu thế giới (Top 26, 40) ở Hồng Kông (Trung Quốc) với học bổng toàn phần.

Cảm ơn thầy đã chia sẻ!

Chia sẻ