Người Việt giữa "tâm bão" Covid-19 ở Ấn Độ kể trải nghiệm nhớ đời: Thấy người ta mang thi thể người chết đi qua ngay trước mắt, tự dặn lòng tâm phải thật an!
Covid-19 ập đến tàn phá và gây ra nhiều thiệt hại cho người dân Ấn Độ trong những ngày qua, người Việt sống tại quốc gia này cũng không tránh khỏi ít nhiều ảnh hưởng.
Dù đã đối phó với Covid-19 hơn 1 năm rồi nhưng dường như người ta vẫn chưa bao giờ hình dung được sức tàn phá khủng khiếp mà đại dịch này có thể mang đến. Chỉ mới 1 tháng trước, Ấn Độ từ chỗ tự tin vượt qua đại dịch một cách hiên ngang thì nay quốc gia này lại phải đối mặt với một cơn "sóng thần Covid-19" khủng khiếp.
Ngày 28/4, Ấn Độ tiếp tục ghi nhận số ca mắc mới và tử vong cao kỷ lục với 360.000 ca nhiễm mới và 3.293 ca tử vong. Tổ chức Y tế Thế giới cho biết biến thể mới tại Ấn Độ đã lây lan sang 17 quốc gia trên thế giới và cũng được cho là có khả năng lây lan chóng mặt. Cùng ngày, chúng tôi đã liên hệ với một số người Việt đang sống tại Ấn Độ để biết thêm về tình hình cuộc sống kiều bào giữa "tâm dịch".
Sư cô Hoàng Hiền, đang sống tại Bodh Gaya, tỉnh Gaya, bang Bihar (Ấn Độ) cho biết địa phương nơi sư cô sống đã bị phong tỏa 1 phần từ ngày 10/4, mọi sinh hoạt của người dân vẫn khá ổn định, không có tình trạng đổ xô đi tích trữ đồ ăn, thuốc men. Người dân được khuyến khích hạn chế ra ngoài.
Các cửa hàng lớn đóng cửa hoàn toàn, chỉ những cửa hàng tạp hóa, bán đồ ăn thiết yếu vẫn hoạt động. Sau 7h tối, tất cả các hàng quán phải đóng cửa. Các ngôi đền, chùa, nơi hoạt động tâm linh cũng phải đóng cửa, chấp hành nghiêm chỉnh quy định về giãn cách xã hội.
Ở đợt phong tỏa đầu tiên, người người nhà nhà ai cũng đổ xô đi mua nhu yếu phẩm vì tâm lý lo lắng và xem tin tức cũng thấy hoang mang. Mọi người còn truyền tai nhau rằng sẽ phong tỏa tuyệt đối, không ai được ra ngoài và cũng không ai biết dịch sẽ kéo dài bao lâu nên mọi người đi mua sẵn thực phẩm, càng nhiều càng tốt. Nhưng lần này cảnh tượng đó không xảy ra nữa vì chỗ sư cô ở không phong tỏa hoàn toàn. Chỉ buổi tối các cửa hàng mới đóng cửa. Hiện tượng tích trữ thuốc cũng không xảy ra, tiệm thuốc vẫn mở cửa (chỉ là không mở 24/7).
Một số hình ảnh ở nơi sư cô Hoàng Hiền đang sống.
Ngày 27/4, số lượng ca nhiễm mới tăng khá cao, riêng tỉnh Gaya của bang Bihar đã tăng lên hơn 2.000 ca nhiễm.
Về tâm lý khi ở giữa vùng đang bùng dịch, sư cô Hoàng Hiền chia sẻ: "Khoảng gần 1 tuần nay, sư cô liên tục nhận được điện thoại từ người thân, bạn bè ở quê nhà gọi sang hỏi thăm về sức khỏe và tình hình ở đây. Bản thân sư cô cũng đã có mặt ở đây trong đợt bùng dịch đầu tiên rồi nên không quá lo lắng, dù lần này dịch bệnh phức tạp hơn.
Quan trọng là phải giữ tâm mình sao cho an, phải giữ được bình tĩnh vì có lo lắng, hoảng hốt quá cũng không giải quyết được vấn đề gì và tự bảo vệ bản thân mình bằng các biện pháp phòng dịch như đeo khẩu trang, thường xuyên rửa tay, hạn chế đi ra ngoài. Nếu buộc phải ra ngoài thì cố gắng giữ khoảng cách, đeo khẩu trang và về nhà là phải tắm rửa sạch sẽ. Nói chung là phải tự biết cách bảo vệ chính mình và những người thân xung quanh".
Có một trường hợp khá đau lòng mà sư cô Hoàng Hiền và người dân trong vùng đã tận mắt chứng kiến và nghe kể lại. Một cô gái (khoảng gần 30 tuổi) được gia đình đưa đến trong tình trạng vẫn còn dấu hiệu hơi thở nhưng các bác sĩ lại tuyên bố cô đã tắt thở và không cho nhập viện. Gia đình mang theo máy đo nhịp thở cho thấy bệnh nhân vẫn còn dấu hiệu sống nhưng không rõ vì lý do gì bác sĩ không tiếp nhận chữa trị. Không rõ cô gái có nhiễm Covid-19 hay không nhưng cách phản ứng của bác sĩ tại bệnh viện khiến người nhà bệnh nhân vô cùng bức xúc. Cuối cùng cô gái cũng tử vong cùng ngày vì không được cấp cứu kịp thời.
Mỗi buổi tối sư cô Hoàng Hiền và một số nhà sư vẫn ra bảo tháp, đặt một chiếc bàn, thắp nến và cầu nguyện cho người dân thế giới. Sư cô kể: "Cách đây 2 ngày, khi sư cô và các thầy đang ngồi thiền, tụng kinh thì thấy cảnh người dân khiêng thi thể người chết đi qua. Ở đây, người dân có tục hỏa táng người chết. Cảnh tượng đó không hẳn là gây cảm giác ám ảnh nhưng nó như một lời nhắc cho bản thân mỗi người rằng cái chết có thể xảy ra bất kỳ lúc nào trong giai đoạn này nên mọi người cần cố gắng tự biết bảo vệ bản thân, chấp hành nghiêm chỉnh quy định giãn cách để vượt qua dịch bệnh".
Sư cô Hoàng Hiền cũng cho biết bình oxy đang là thứ vô cùng quý giá ở nhiều nơi tại Ấn Độ, ngay lúc này. Đặc biệt là những thành phố lớn như thủ đô New Delhi. Vậy nên, hàng ngày, trung bình có khoảng 10 gia đình đã liên lạc với hội từ thiện của sư cô để xin bình oxy cứu người thân nhiễm Covid-19. Đến nay, sư cô đã kêu gọi hỗ trợ được 20 bình thở oxy cứu giúp người dân nghèo. Nhóm thiện nguyện của sư cô vẫn đang nỗ lực hết mình để giúp đỡ được càng nhiều người càng tốt trong tình cảnh khó khăn cấp bách như hiện nay.
Chia sẻ trên nhóm người Việt tại Ấn Độ, chị Vũ Thị Hòa (sống tại Bangalore) cho biết chị đã chuyển sang làm online tại nhà, các con chị cũng đã quen với nếp học online. Mặc dù người thân ở quê nhà sốt sắng gọi điện, nhắn tin sang hỏi thăm với vẻ rất lo lắng nhưng bản thân chị Hòa nhìn mọi thứ khá bình tĩnh.
Trong nhóm Facebook "Người Việt tại Ấn", chị Hòa đã đăng bài trấn an mọi người. Chị cho biết Ấn Độ có phong tục thiêu người chết, không sử dụng quan tài cho người chết, nên những hình ảnh thiêu người tử vong do Covid-19 trong bối cảnh này càng gây cảm giác dễ lo sợ. Con số người nhiễm ở Ấn Độ cao nhưng tỷ lệ hồi phục cũng cao. Ví dụ con số ngày 25/4 có 367 nghìn người nhiễm, nhưng số người chết là khoảng hơn 2.700 người, nghĩa là tỷ lệ tử vong chưa đến 0,01%, thấp hơn hẳn châu Âu trong đợt cao điểm dịch.
Tình hình dịch bệnh rất đáng lo ngại, nhưng chị luôn khuyến cáo cộng đồng chớ chủ quan song cũng không nên quá hoang mang.