Người lính kéo pháo và câu chuyện xúc động chụp ảnh Đại tướng
Bức ảnh Đại tướng được ông Phạm Đức Cư chụp với sự phấn khởi khi được gặp người, ông đã bỏ xa nhiều thanh niên để “chộp” lại khoảnh khắc người về thăm đất Thanh Xương.
Câu chuyện những lần gặp Đại tướng của người lính già
Ông Phạm Đức Cư (xã Thanh Xương, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên) từng tham gia đại đội kéo pháo cùng người anh hùng Tô Vĩnh Diện. Ông Cư đã không ít lần được gặp Đại tướng để rồi cái chất giọng Quảng Bình ấm áp ấy cho tới bây giờ vẫn như văng vẳng bên tai ông.
Ông Cư kể, ông nhập ngũ năm 1949. Những năm 1951, 1952, đơn vị của ông mới có vài ba lần nhận được thư động viên gửi các đơn vị chiến đấu có nhiều thành tích mà bên dưới có kí tên Võ Nguyên Giáp. Khi đó, ông Cư vẫn chưa được trực tiếp gặp Đại tướng.
Mãi tới cuối năm 1952, khi ông Cư học xong kéo pháo và về đi tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ, ông mới được gặp Đại tướng, được nói chuyện, bắt tay người thủ trưởng của mình.
Sau khi chiến dịch toàn thắng, hòa bình lập lại, đơn vị kéo pháo của ông Cư về tiếp quản Hà Nội và tập trung tại sân bay Bạch Mai.
“Những ngày đó, Đại tướng cũng có về thăm 2 – 3 lần. Tôi vẫn nhớ như in, vào tháng 10/1955, ở Quảng trường Ba Đình, là ngày duyệt binh thực tế, chiếc xe chở Đại tướng dừng ngay trước mặt tôi, tất cả anh em chúng tôi đồng thanh hô: “Chúc Đại tướng khỏe!”. Và Đại tướng trả lời: “Chúc các đồng chí khỏe!”. Lúc đó, đứng trước Đại tướng, tôi thấy hãnh diện lắm", ông Cư chia sẻ.
Bản thân ông Cư là người con của núi rừng, nên sau đó ông được cử lên Điện Biên làm cán bộ tăng cường của quân đội nhằm giúp đồng bào ở Tây Bắc đặc biệt là Điện Biên phát triển kinh tế, chính trị, xã hội. Qua một vài lần kỉ niệm chiến thắng Điện Biên Phủ, ông Cư cũng được vinh dự gặp lại người anh cả của Quân đội nhân dân Việt Nam khi Đại tướng lên thăm lại chiến trường xưa, thăm lại quê hương thứ hai của mình.
“Ngày ấy, khi chúng tôi ngồi tập trung ở hội trường, tôi cũng được bắt tay Đại tướng. Khi ấy, Đại tướng có hỏi chuyện: “Đồng chí trước ở đơn vị nào, tham gia chiến dịch nào?”. Xúc động, tôi trả lời Đại tướng: “Báo cáo Đại tướng, tôi là binh chủng phòng không cao xạ”, thì nhận được lời khen ngợi của Người: “Biết rồi, biết rồi, các đồng chí rất xuất sắc, đã bắn rơi rất nhiều máy bay”.
Rồi Đại tướng còn hỏi tôi tiếp: “Giờ đồng chí đang làm nhiệm vụ gì ở đây?”. Nhận được sự quan tâm đặc biệt ấy, tôi chỉ biết trả lời là mình được đơn vị cử lên đây giúp đồng bào xây dựng lực lượng vũ trang an ninh, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội…”, ông Cư kể những lần được gặp Đại tướng mà câu chuyện như không có hồi kết, nét mặt ông hồ hởi.
Bức ảnh chụp Đại tướng trong lần gặp cuối
Và lần cuối cùng tôi được gặp người là vào năm 2004 nhân dịp kỉ niệm 50 năm chiến thắng Điện Biên Phủ. Ngày ấy, sau khi lên thăm khu căn cứ ở Mường Phăng, Đại tướng có tới thăm khu di tích “Hận thù Long Nhai” ở xã Thanh Xương.
Nói tới khu di tích “Hận thù Long Nhai”, giọng ông Cư trầm xuống. Ông kể rằng, ngày 28/4/1954, máy bay và pháo của thực dân Pháp bắn phá vào dân tập trung ở Long Nhai (xã Thanh Xương) vì chúng bảo có Việt Minh, quân đội mình ở đó. 444 người cả đàn ông, đàn bà, từ cụ già cho tới trẻ con đều thiệt mạng. Máu thấm đỏ mảnh đất Long Nhai.
Sau hòa bình lập lại, đài tưởng niệm “Hận thù Long Nhai” với hình ảnh mẹ bồng con đã được xây dựng để các thế hệ sau biết được tội ác dã man của quân thù.
Năm 2004, Đại tướng Võ Nguyên Giáp sau khi thăm khu di tích Mường Phăng, ông đã thăm khu di tích “Hận thù Long Nhai”. Và đây cũng là dịp ông Cư được gặp lại Đại tướng. “Đó cũng là lần gặp cuối cùng…”, ông Cư ngậm ngùi.
Nói rồi, ông Cư lấy tôi xem bức ảnh ông chụp Đại tướng Võ Nguyên Giáp lúc người về đây. “Lúc đó đông người lắm. Tôi thì đã 75 tuổi nhưng vẫn cố cầm máy ảnh chen vào để chụp cho bằng được ảnh Đại tướng. Thậm chí vợ tôi đi cùng không theo kịp, nhiều nhà báo cũng không len được bằng tôi. Tôi chụp được 3 kiểu và ưng nhất là kiểu này, trong đó có cả người bảo vệ, có Bí thư tỉnh ủy tỉnh Điện Biên lúc đó. Còn hai kiểu khác tôi chụp khi Đại tướng ngồi trong xe. Tay trái tôi bắt tay Đại tướng khi người đưa tay qua cánh cửa kính, tay phải thì bấm máy chụp hai vợ chồng người”, chỉ từng người trong bức ảnh, ông Cư kể.
“Có lẽ, Đại tướng cũng đã biết được đây sẽ là lần cuối mình về thăm đất Điện Biên…”, ông Cư đưa ra suy nghĩ của mình khi xem lại bức ảnh tự tay mình chụp, nay đã trở thành vật “bất li thân” của ông.
Chính vì thế, lúc được tin Đại tướng qua đời, ông Cư đã bật khóc thành lời. Ông Cư nói, từng trên 10 trong quân ngũ, chinh chiến hết chiến trường này tới trận địa khác, trận đánh này tới trận đánh khác, năm nay qua năm khác… giọng nói ấm áp mang đậm chất miền Trung, chất Quảng Bình của Đại tướng vẫn luôn trở về trong cuộc sống của ông Cư.
“Người rất giản dị, sống gần gũi, chu đáo với binh sĩ. Tôi rất nhớ và thương tiếc người....”, ông Cư tâm sự.
Giờ đây, bức ảnh ông chụp Đại tướng năm 2004 nằm trang trọng trên bàn thờ cùng với tượng Bác Hồ và tượng đài chiến thắng Điện Biên.