Người già có 3 "dấu hiệu" này thì thời gian không còn nhiều, con cái hãy ở bên họ nhiều hơn
Ngay cả khi người già không có 3 điều này, con cái cũng nên cố gắng dành thời gian ở bên cạnh cha mẹ nhiều hơn.
Theo lẽ tự nhiên của cuộc sống, con cái lớn lên sẽ xa rời vòng tay cha mẹ để bắt đầu một hành trình mới. Ở đó, khi họ mải mê mưu sinh và những thú vui khác thì cha mẹ của họ cũng đang mỗi ngày một già đi. Cứ như vậy, khoảng cách giữa cha mẹ với con cái cũng ngày càng xa.
Trong khi người trẻ có nhiều niềm vui khác nhau trong cuộc sống thì niềm vui của người già chỉ giản đơn là được nói chuyện cùng con cháu, có người kề cạnh bên những lúc ốm đau. Trong cuộc sống này, sinh, lão, bệnh, tử là điều không thể tránh khỏi, cha mẹ càng lớn tuổi thì thời gian của họ ngày càng ít đi. Vì vậy, chúng ta càng phải đồng hành và trân trọng những phút giây được bên cạnh đấng sinh thành của mình. Đừng để lúc họ gần đất xa trời mới bắt đầu tiếc nuối.
Đặc biệt, khi tuổi già ập đến, cha mẹ có “3 dấu hiệu” dưới đây thì rất có thể “thời gian” của họ đã gần hết. Những người trẻ trong gia đình cần hiểu rõ để dành thời gian ở cạnh bên và chăm sóc cha mẹ một cách tốt nhất.
1. Hay nói những lời vô nghĩa
Khi cơ thể không còn khỏe mạnh và tỉnh táo, người già thường hay nói bâng quơ, thốt ra những câu nói không logic hay không có nghĩa. Không những thế, tuổi già và bệnh tật có thể khiến bộ não của cha mẹ trở nên kém minh mẫn hoặc dễ gặp ảo giác. Trong vô thức, họ có thể không nhận ra mình là ai, đang ở đâu hay người thân xung quanh là ai. Thậm chí, một số người còn có thể nhìn thấy hoặc nghe thấy những thứ không có ở đó.
Lúc này, cơ thể họ đã suy yếu, tư duy và suy nghĩ khó có thể khôi phục lại, bạn hãy giúp cha mẹ giữ bình tĩnh, nói khẽ và đảm bảo với họ rằng bạn luôn bên cạnh để chăm sóc. Hãy luôn nói với người thân của bạn rằng bạn là ai khi bắt đầu nói chuyện và giới thiệu cho họ những người xung quanh vừa gặp để người thân cảm thấy an tâm hơn.
2. Ngủ nhiều hơn
Con người khi không còn nhiều thời gian trên cõi đời nữa, hơi thở của họ rất yếu, mạch đập yếu, cơ bắp rã rời và họ sẽ bắt đầu ngủ nhiều hơn. Điều này là do quá trình trao đổi chất của cơ thể họ ngày càng yếu đi, khi không có năng lượng để trao đổi chất nên sẽ có xu hướng ngủ nhiều hơn. Do đó, khi họ ngủ, bạn hãy để họ ngủ và nghỉ ngơi thoải mái. Đồng thời khi họ thức giấc, bạn hãy khuyến khích hỗ trợ đứng dậy và đi dạo, hạn chế nguy cơ lở loét do tì đè.
3. Đột nhiên khỏe mạnh, rạng rỡ
Hiện tượng một người đang bị bệnh nặng, cơ thể suy yếu, đột nhiên trở nên tỉnh táo, thân thể khỏe mạnh, hoặc nói cười sảng khoái, muốn ăn uống được ví như "hào quang" của người già trước khi qua đời. Lúc này, người già cần được chăm sóc nhiều hơn và có con cháu bên cạnh trong thời khắc cuối đời.
So với sự vô tận của thời gian, những khoảnh khắc gia đình hạnh phúc, sum vầy bên nhau dường như rất ngắn ngủi. Do đó, con người dù lớn lên thành đạt hay bình thường cũng cần phải trân quý từng giây phút đó, cố gắng dành thời gian bên cạnh người thân nhiều hơn và cũng phải cố gắng sống thật tốt để họ yên lòng. Tuổi già như ngọn đèn dầu cháy leo lét trước gió, không biết tắt khi nào. Vì thế hơn ai hết, chúng ta cần quan tâm nhiều hơn đến những người thân của mình để họ cảm thấy yêu đời và những phút giây còn lại trong cuộc đời thật ý nghĩa.
(Tổng hợp)