Người biểu tình tuần hành ở Paris trong bối cảnh thiếu nhiên liệu và lạm phát
Ngày 16/10, hàng chục nghìn người biểu tình đã tuần hành ở thủ đô Paris của Pháp để bày tỏ sự thất vọng của họ trước thực trạng chi phí sinh hoạt tăng cao.
Cuộc tuần hành diễn ra ba tuần sau cuộc đình công ở các nhà máy lọc dầu gây ra tình trạng thiếu nhiên liệu trên khắp nước Pháp.
Cuộc biểu tình do phe đối lập chính trị cánh tả phát động và người đứng đầu đảng France Unbowed (LFI), ông Jean-Luc Melenchon, lãnh đạo.
Lực lượng an ninh Paris đã bắn đạn hơi cay và sử dụng dùi cui sau khi họ bị các đối tượng ném đồ vật vào người. Trong khi đó, ở rìa của cuộc tuần hành, những người đàn ông đeo mặt nạ, mặc đồ đen đã lục soát một ngân hàng. Một số người biểu tình lại mặc áo vàng, biểu tượng của các cuộc biểu tình áo vàng chống chính phủ vào năm 2018.
Một số công đoàn của Pháp đã tuyên bố, ngày 18/10 sẽ là ngày quốc gia đình công nhắm vào các lĩnh vực vận tải đường bộ, xe lửa và khu vực công.
Các nhà tổ chức tuyên bố, có khoảng 140.000 người đã tham gia cuộc tuần hành hôm 16/10. Tuy nhiên, cảnh sát Paris cho biết, có 30.000 người. Trong khi đó, một số phương tiện truyền thông đưa tin, con số là khoảng 29.500 người.
Cuộc tuần hành diễn ra ba tuần sau cuộc đình công ở các nhà máy lọc dầu gây ra tình trạng thiếu nhiên liệu trên khắp nước Pháp. (Ảnh: Reuters)
Các cuộc đình công và biểu tình đang được Chính phủ Pháp theo dõi chặt chẽ nhằm thông qua một cải cách gây tranh cãi lớn liên quan tới hệ thống lương hưu của Pháp trong vài tháng tới.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, người tái đắc cử nhiệm kỳ thứ hai vào tháng 4 năm nay, đã cam kết kéo dài tuổi nghỉ hưu từ 62 tuổi, và cuộc cải cách dự kiến diễn ra trước khi kết thúc mùa đông.
Bốn trong số 7 nhà máy lọc dầu của Pháp, tất cả đều thuộc tập đoàn năng lượng TotalEnergies có trụ sở tại Paris, hiện vẫn bị dừng hoạt động tính đến ngày 16/10.
Các công ty này hôm 14/10 thông báo rằng họ đã đạt được thỏa thuận trả lương với hai công đoàn lớn nhất đại diện cho công nhân viên tại các nhà máy lọc dầu của họ, làm dấy lên hy vọng có thể chấm dứt tình trạng bế tắc. Tuy nhiên, công đoàn CGT đã kiên quyết không đồng ý với thỏa thuận, tiếp tục đình công.
Hiện tại, khoảng 1/3 số trạm xăng dầu trên toàn nước Pháp gặp sự cố về nguồn cung, các tài xế thường phải chờ hàng giờ để đổ xăng. Nhiều công ty đã cắt giảm việc đi lại và giao hàng. Thậm chí, các phương tiện dịch vụ khẩn cấp cũng phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt nhiên liệu.