"Ngừng quan tâm người khác nghĩ gì về mình" là điều mà dân công sở cần làm trong năm 2020!
Mãi không phát triển được bản thân một phần cũng bắt nguồn từ nỗi sợ "người khác nghĩ gì về mình" thế nên năm mới rồi, dân công sở phải thay đổi đi thôi!
Chúng ta mà nhất là dân công sở luôn tồn tại một nỗi sợ trong đầu mang tên “người khác nghĩ thế nào về mình”, và có lẽ đa phần đều biết hết cả rồi, nỗi sợ hãi vô hình này không những không giúp bản thân chúng ta tiến bộ, phát triển hơn được mà ngược lại nó còn khiến mỗi người đánh mất đi sự tự tin, suy nghĩ tích cực và khả năng đương đầu với những khó khăn, thử thách trong công việc lẫn cuộc sống cá nhân.
Tiếc thay, biết thì biết nhưng có mấy ai chế ngự được nó đâu. Muốn giơ tay phát biểu trong cuộc họp cũng sợ nói gì đó sai rồi đồng nghiệp lại cười cho, muốn trao đổi với sếp về một công việc nào đó vừa được giao cho nhưng lại sợ sếp đánh giá thấp mình hoặc đơn giản hơn như ngày mai muốn đánh màu son mới, mang cái túi xách mới đi làm nhưng lại sợ chị em bạn dì trong công ty rỉ tai nói xấu rằng mình khoe của,...
Ôi thế đấy, cuộc đời dân công sở bỗng trở nên vận hành bằng năng lượng của nỗi sợ, đi đứng nằm ngồi, trang điểm làm đẹp, thảo luận bàn bạc,... mọi thứ đều lo lắng có cặp mắt đang nhìn chằm chằm vào mình và một cái miệng sẵn sàng bỉ bai chê trách chỉ vì hành vi của mình không đúng ý họ.
Nhưng chính xác mà nói thì việc sống cộng sinh với nỗi sợ bị người khác đánh giá cũng đúng thôi, bởi nhiều cuộc nghiên cứu cho rằng: Có lẽ điều này được truyền lại từ thuở khai thiên lập địa, thời loài người còn ăn lông ở lỗ sống theo từng bầy.
Khi ấy, khao khát có được sự chấp thuận xã hội làm cho tổ tiên của chúng ta trở nên thận trọng hơn bao giờ hết. Nếu trách nhiệm của cuộc đi săn thất bại rơi vào vai bạn, vị trí của bạn trong bộ lạc có thể bị đe dọa đủ để bị tẩy chay và ra bìa rừng sống một mình với... dế.
Câu chuyện trên đã góp phần nhấn mạnh rằng, thật sự không dễ để dân công sở chế ngự được nỗi sợ bị đồng nghiệp đánh giá. Muốn thay đổi một thuộc tính xấu di căn như bệnh ung thư truyền từ đời này sang đời khác buộc chúng ta phải luyện tập thay đổi nhận thức của chính mình.
Đầu tiên á, phải biết cách… “tự sướng”. Tức là phải tự đánh giá bản thân mình một cách tích cực và thiện lành. Điều nào tốt nhất thì cứ phơi ra cho bàn dân thiên hạ đều thấy, nếu dư năng lượng thì đập bàn đập ghế dõng dạc tuyên bố “này, chị không phải dạng vừa đâu, đừng có ở đấy mà bắt chị phải sống cuộc đời các cưng áp đặt!”. Đùa chứ cũng một vừa hai phải thôi nhé, kẻo bị tấn công hội đồng có mà khổ ra.
Tóm lại là cho mình sự chiều chuộng đúng mức ở một khả năng nào đó mình thật sự giỏi, rồi nghĩ rằng có thể cái khác mình chưa tốt nhưng nhân bất thập toàn, cái này bù cho cái kia, mọi chuyện rồi sẽ ổn. Quan trọng là mình thoải mái và không ngại việc người ta đánh giá thế nào. Muốn nói gì nói!
Thêm vào đó, sẽ tốt hơn nữa nếu dân công sở xây dựng cho riêng mình một câu slogan kiểu như “luôn luôn ngoan cường”, “đạp lên dư luận”, “cuộc đời là của chị”, “cơ hội không đến hai lần”, “không nghe không thấy không quan tâm”, “đồng nghiệp nói xấu mình là đồng nghiệp xàm”,... cứ thế để mỗi ngày đi làm đều bớt sợ những ánh nhìn soi mói hay những lời nói đánh giá mang tính sát thương cao.
Ấy vậy mà đừng tự chiều chuộng mình quá kẻo sinh hư. Làm gì thì làm, cũng phải công tâm trong những lời mà đồng nghiệp đánh giá và tự nhận định mình một cách khách quan nhất.
Tự dưng dạo này bị mọi người bảo là “khoe của lắm nha” tối về phải vắt chân lên trán nghĩ ngợi liền “ủa làm gì mà bị nói là khoe mẽ?”. Xong lúc đấy lại lòi ra cái việc bản thân sắp mua nhà chung cư nên suốt ngày vào công ty bàn luận trong khi những đồng nghiệp khác người thì nợ ngân hàng “7749 củ”, người thì đi xe cà-tàng lương lậu giúp bố mẹ trả nợ. Lúc đó phải tự đấm vào lồng ngực mình tới sáng để trừng phạt bản thân vì những lời đánh giá có sai đâu.
Qua những lần đối diện với những lời đánh giá lắm lúc cũng giúp hội công sở ngày càng tự tin hơn chứ chẳng đùa. Trải qua bao lần “sai lè” sẽ đến một lúc thấy mình khéo léo, tài giỏi hơn biết chừng nào giữa một môi trường vốn lắm thị phi.
Ngoài ra, biết chắt lọc những lời đánh giá cũng là một hành động nên làm khi dân công sở muốn chiến thắng nỗi sợ để tự tin hơn. Đôi khi hãy hóa thân thành cô Tấm lựa đậu, đậu đen là những lời đánh giá “vớ va vớ vỉn” chỉ mang tính chất công kích cá nhân, nhặt ra, vứt! Đậu trắng là những lời đánh giá với ý tốt, muốn góp ý chân thành, ok, giữ lại để nấu chè ăn nhé!
Thôi thì huyên thiên mãi cũng không hết, chốt lại thế này, một năm làm dân văn phòng công sở nữa lại sắp qua đi, sang năm mới 2020 ít nhiều cũng phải thay đổi bản thân mình hơn một chút theo hướng tích cực và “sang xịn mịn” lên. Theo đó, hãy biết cách tận dụng năng lượng nội tại của mình để trang bị cho tâm lý một lớp giáp vững chãi chống lại những tác động không đáng từ ngoại cảnh mà nhất là hội đồng nghiệp ẩm ương.
Tôn trọng sự khác biệt của bản thân chính là một trong những chiếc chìa khóa vàng dẫn lối đến cánh cửa thành công của dân công sở giữa thời buổi hội nhập! Cái gì cũng sợ ngay cả việc người ta nghĩ thế nào về mình cũng sợ thì mãi chẳng tiến lên được đâu.
Chúng tôi đứng về phía Văn Mai Hương.
Phụ nữ phải được tôn trọng và bảo vệ quyền an toàn dù ở bất cứ đâu. Phát tán những hình ảnh riêng tư và nhạy cảm của phụ nữ, dù bất cứ lý do gì đều không được chấp nhận. Chúng ta hãy cùng đứng về phía Văn Mai Hương và chung tay bảo vệ phụ nữ, vì một xã hội văn minh hơn.