Nghỉ việc 1 tháng nhưng vẫn bị đồng nghiệp cũ nhờ vả, là tôi không biết cách từ chối hay công ty không có nguyên tắc?
Có lẽ tôi đã sai! Mình tự làm tự chịu, không nên đi than vãn khắp nơi. Đó là hậu quả khi tôi không biết từ chối.
Sau khi nộp đơn nghỉ việc, tôi đã dành hơn 2 tuần để bàn giao công việc. Tận tâm viết mười mấy tờ bàn giao mọi thứ, trưởng phòng cũng đã ký xác nhận giúp tôi.
Không ngờ rằng 1 tháng sau đó suýt nữa đã trở thành ác mộng của đời tôi.
Nghỉ việc 1 tháng, ngày nào tôi cũng nhận cuộc gọi nhờ vả của đồng nghiệp, hết tin nhắn thoại đến những cuộc gọi liên tiếp. Tổng cộng có đến 56 cuộc gọi trong vòng 1 tháng. Thậm chí còn có nhiều lần tôi không bắt kịp điện thoại, đồng nghiệp gửi tin nhắn đến: “Gấp, gấp gấp!”.
Cấp trên còn phải gọi điện thoại yêu cầu tôi hỗ trợ cho đến khi mọi việc ổn thỏa. Nhưng tôi chủ động xin nghỉ việc mà?
Thế nhưng, thân phận nhân sự đã nghỉ việc như tôi cũng cần có không gian của riêng mình. Nghỉ việc rồi, chẳng lẽ lại phải “gọi đâu có đó” như lúc trước sao? Tại sao trước khi thực hiện những cuộc gọi đó không nhắn tin hỏi tôi có bận hay không? Có tiện bắt máy để hỏi việc hay không?
1. Đã trở thành “người cũ”, nhưng công ty vẫn xem tôi là “nhân viên thường trực”.
Công việc giống như tình yêu. Nghỉ việc cũng giống chia tay. Không làm phiền đến nhau quả thực là sự dịu dàng nhất dành cho đối phương.
Một người bạn tên Lâm Ca thời gian trước tâm sự với tôi rằng cậu đã nghỉ việc, nhưng vẫn nhiệt tình hỗ trợ đồng nghiệp cũ. Cậu muốn làm “người cũ” tốt bụng. Song, mặc dù đã bàn giao đầy đủ, nhưng nhân viên mới vẫn cứ liên tục làm phiền đến cậu ấy.
Từng cuộc điện thoại nối tiếp nhau, Lâm Ca không những bị làm phiền trong giờ hành chính, mà còn bị đồng nghiệp ở công ty mới bàn ra nói vào. Thậm chí lãnh đạo thấy tác phong làm việc của cậu không nghiêm túc nên đã gọi vào phòng uống trà nói chuyện. Điều này khiến Lâm Ca nghi ngờ sâu sắc rằng bản thân đã thật sự nghỉ việc ở công ty cũ hay chưa?
Công việc cũng giống như tình yêu. Đã nói lời chia tay thì đương nhiên phải rời xa, nhưng người cũ vẫn cứ níu kéo, chưa tin đó là sự thật.
Những cuộc gọi đến bất kể tình huống hay thời gian, bất kể chuyện lớn hay chuyện nhỏ, đều muốn bạn phải xử lý cho xong. Hoàn toàn không hề quan tâm đến thái độ của bạn.
2. Chuẩn bị nghỉ việc, họ "đá" tôi ra khỏi các nhóm chat công ty. Sau khi nghỉ việc, họ lại bắt tôi trở thành "nhà tư vấn miễn phí".
Khi vừa mới nộp đơn nghỉ việc vài ngày, công tác bàn giao còn chưa thực hiện, công ty đã bắt đầu làm những động thái khai trừ tôi.
Bức xúc nhất là trưởng phòng đã “đá” tôi ra các nhóm công việc, sợ một người ngoài như tôi sẽ làm lộ thông tin nội bộ.
Thế nhưng sau khi chính thức nghỉ việc, họ lại liên hệ với tôi, biến tôi thành “nhà tư vấn miễn phí” để giải đáp thắc mắc bất kỳ lúc nào.
Tôi cũng nói rõ ràng với đồng nghiệp cũ, đương nhiên họ vẫn có thể hỏi, nhưng những vấn đề cơ bản đã có trong tài liệu bàn giao.
Tôi vẫn cố gắng làm “người cũ” tốt bụng. Nhưng bị làm phiền đến cuộc sống như vậy khiến tôi vô cùng khó chịu.
3. Là tôi không biết từ chối hay công ty thiếu nguyên tắc?
Tôi kể chuyện này với bạn bè, họ đều trách tôi quá hiền lành, không biết cách từ chối. Theo đó, nhân viên đã chính thức nghỉ việc thì không còn liên quan đến công ty cũ. Mọi thứ đã được thể hiện qua công tác bàn giao, có chữ ký của lãnh đạo.
Nhìn nhận lại mọi chuyện, tôi cảm thấy bản thân quá yếu đuối, không thể kiên định trước những lời nhờ vả của đồng nghiệp ở công ty cũ. Kết quả nhận về bực dọc cùng những phiền hà trong cuộc sống. Những tưởng làm chuyện tốt khiến bản thân vui vẻ hơn, nhưng tôi thật sự không cảm nhận được điều đó.
Có lẽ tôi đã sai! Mình tự làm tự chịu, không nên đi than vãn khắp nơi. Đó là hậu quả khi tôi không biết từ chối.
Có thể bạn không tin, nhưng chuyện này đã thật sự xảy ra với tôi. Nó cho tôi bài học đắt giá về các mặt tối nơi công sở. Không biết công việc hiện tại có thể kéo dài được bao lâu, đến khi tôi nghỉ thì trường hợp này có tiếp tục xảy ra hay không? Nhưng tôi chắc rằng bản thân đã biết cách ứng phó, không để bản thân phải chịu thiệt thòi.
(Nguồn: Zhihu)