Nghe lời ngon ngọt đầu tư vài trăm ngàn sinh lãi, nhiều người bay mất tiền tỷ trong tích tắc

Huỳnh Thủy,
Chia sẻ

Anh N.V.B. (trú huyện Krông Bông, Đắk Lắk) nhận được điện thoại giới thiệu mời tham gia quỹ đầu tư để được chia cổ phần lợi nhuận. Anh làm theo hướng dẫn và nộp tổng 5,4 tỷ đồng vào tài khoản thì bị chiếm đoạt.

Thời gian gần đây, công an các tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông tiếp nhận nhiều đơn trình báo của công dân về việc bị lừa đảo thông qua hình thức đầu tư tài chính online. Số tiền các nạn nhân bị chiếm đoạt lên đến con số hàng tỷ đồng.

Theo Cơ quan Cảnh sát điều tra (CSĐT) Công an tỉnh Đắk Lắk, từ năm 2020 đến năm 2023, đã tiếp nhận đơn tố cáo của 44 người dân bị lừa đảo, chiếm đoạt hơn 64 tỷ đồng, thông qua hình thức đầu tư tài chính trên Facebook, Zalo, Telegram… Theo đó, thông qua mạng xã hội, các đối tượng chưa rõ nhân thân, lai lịch kết bạn và mời gọi nhiều người tham gia đầu tư tài chính online.

Đối tượng lừa đảo đã “giăng bẫy” khá hoàn hảo để dụ “con mồi”. Cụ thể, đối tượng chủ động kết bạn với tài khoản cá nhân của người dùng mạng xã hội hoặc để lại lời mời gọi đầu tư hấp dẫn nhằm gây sự chú ý. Khi ai quan tâm, lập tức bị đối tượng hướng dẫn cách thức đầu tư.

Phóng viên thử để lại tin nhắn quan tâm trên một nhóm đầu tư online, ngay lập tức hàng chục tài khoản facebook gửi lời mời giới thiệu đầu tư sinh lời. Để thực hiện, người dùng phải đăng ký tài khoản theo link họ đưa ra.

Nghe lời ngon ngọt đầu tư vài trăm ngàn sinh lãi, nhiều người bay mất tiền tỷ trong tích tắc - Ảnh 1.

Cách thức đầu tư sinh lời khá hấp dẫn trên mạng xã hội

Loại tội phạm này đánh vào tâm lý những ai nhẹ dạ cả tin hoặc ham lãi suất cao. Ban đầu, khi “con mồi” đầu tư tiền vào sẽ lập tức nhận lại toàn bộ tiền gốc cùng lợi nhuận. Cứ thế “con mồi” dần dần sa vào “bẫy” khi nào không hay. Nạn nhân chỉ nhận ra mình “sập bẫy” khi nộp một số tiền lớn (lên đến hàng tỷ đồng) nhưng không rút ra được. Tuy nhiên, mọi chuyện đã quá muộn, nạn nhân chỉ còn biết “cầu cứu” cơ quan chức năng.

Đơn cử như trường hợp của chị V.T.T.X. (trú TP Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk). Tháng 3/2023, chị X. thấy trang tin quảng cáo trên facebook có nội dung "Không ai phá sản với 300.000 đồng nhưng với 300.000 đồng đầu tư, bạn có thể kiếm được vài trăm ngàn mỗi ngày".

Tò mò, chị X. bấm vào xem và để lại thông tin thì có người lạ kết bạn zalo mời gọi đầu tư. Chị làm theo hướng dẫn, nộp 300.000 đồng thì nhận lại 500.000 đồng. Sau đó, chị được hướng dẫn, mời gọi tham gia gói đầu tư 100 triệu đồng sẽ được nhận 4,8 tỷ đồng. Tuy nhiên, sau khi chị nộp tổng cộng hơn 1,1 tỷ đồng vào tài khoản theo hướng dẫn thì bị chiếm đoạt.

Hay trường hợp anh N.V.B. (trú huyện Krông Bông, Đắk Lắk). Vào tháng 8/2023, anh B. nhận được điện thoại giới thiệu mời tham gia quỹ đầu tư để được chia cổ phần lợi nhuận. Anh làm theo hướng dẫn và nộp tổng 5,4 tỷ đồng vào tài khoản thì bị chiếm đoạt.

Nghe lời ngon ngọt đầu tư vài trăm ngàn sinh lãi, nhiều người bay mất tiền tỷ trong tích tắc - Ảnh 2.

Một bị hại đến cơ quan công an trình báo. Ảnh: CA

Tại tỉnh Đắk Nông thời gian qua cũng có nhiều trường hợp bị sa “bẫy” lừa đảo trên không gian mạng, như trường hợp chị N.T.T. (huyện Krông Nô).

Trong đơn tố giác gửi Cơ quan Cảnh sát điều tra, chị T. cho biết, vào ngày 14/8/2023, chị nhận được lời mời kết bạn từ một tài khoản lạ trên facebook. Đối tượng gửi 1 đường link đầu tư tài chính và nói sẽ tạo điều kiện cho chị tăng thu nhập bằng cách đăng ký tài khoản theo đường link và chỉ việc nộp tiền vào sẽ sinh lời.

Tin lời, chị T. làm theo, thời gian đầu nộp tiền vào đều được rút ra cả gốc lẫn lời. Cứ thế, chị gom hết tài sản đầu tư. Tính đến ngày 16/10/2023, chị T. chuyển tổng cộng 13 lần vào số tài khoản được cung cấp trên đường link với tổng số tiền hơn 2,4 tỷ đồng. Sau đó, chị T. rút tiền nhưng không được, đường link không truy cập được, tài khoản mời đầu tư cũng chặn liên lạc với chị. Lúc này, chị T. biết mình đã bị lừa nên làm đơn trình báo cơ quan công an.

Theo Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Đắk Lắk, tội phạm lừa đảo qua mạng có chiều hướng gia tăng, phức tạp. Nhiều vụ lừa đảo trên phạm vi toàn quốc, gây thiệt hại nghiêm trọng về tài sản cho bị hại, ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự.

Công an tỉnh Đắk Lắk đã phân loại ra 6 phương thức, thủ đoạn lừa đảo gồm: Đầu tư tài chính online; “giăng bẫy tình” rồi đề nghị chuyển quà tặng (tiền USD, trang sức…); tuyển nhân viên làm online tại nhà để hưởng tiền hoa hồng; giả nhân viên công ty tài chính; giả danh công an, viện kiểm sát, tòa án gọi điện thông báo về việc liên quan đến vụ án hình sự; giả danh nhân viên nhà mạng, ngân hàng...
Chia sẻ