Ngày càng có nhiều trẻ bị lõm ngực – căn bệnh gây chèn ép tim phổi cực cao ở trẻ nhỏ

Bài, ảnh: Hoàng Lê,
Chia sẻ

Cứ 1.000 trẻ sinh ra, có 2-3 trẻ bị biến dạng ở lồng ngực. Trong đó, lõm ngực là căn bệnh khá phổ biến, để lại nhiều biến chứng cả về sức khỏe lẫn thẩm mỹ cho trẻ nhỏ.

Mới đây, bệnh viện Xuyên Á (TP.HCM) cho biết, nơi đây vừa tiếp nhận điếu trị cho một bé gái 15 tuổi ở Cà Mau. Cô bé mắc chứng bệnh lõm ngực nặng từ nhỏ, khiến thể trạng luôn ốm yếu, thường xuyên khó thở, mệt mỏi, không phát triển như những đứa trẻ bình thường.

Ngày càng có nhiều trẻ bị lõm ngực – căn bệnh gây chèn ép tim phổi cực cao ở trẻ nhỏ - Ảnh 1.

Lõm ngực gây lệch tim ở trẻ nhỏ.

Bị lõm ngực 15 năm mới được phẫu thuật

Mãi đến gần đây, em M. mới được người nhà đưa đến khám tại phòng khám chỉnh hình nhi bệnh viện Xuyên Á. Các kết quả lâm sàng và chụp cắt lớp CT cho thấy tình trạng ngực lõm từ nhỏ của bệnh nhi có biểu hiện tăng dần. Đến thời điểm thăm khám tại BV, diện tích ngực lõm đã lên đến 10x20 cm, khiến lồng ngực bị thu hẹp khá sâu, gây nguy cơ chèn ép tim phổi rất cao.

Ngoài ra, tình trạng lõm ngực nặng cũng gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến vấn đề thẩm mỹ của bé gái. Trước tình hình như vậy, các BS phải giải thích cho bệnh nhi và người nhà việc cần phẫu thuật sớm để điều trị tình trạng lõm ngực, cũng như cải thiện tình trạng sức khỏe, ngoại hình của em. Nhất là khi em M. ở độ tuổi sắp trưởng thành.

Ngày càng có nhiều trẻ bị lõm ngực – căn bệnh gây chèn ép tim phổi cực cao ở trẻ nhỏ - Ảnh 2.

Ảnh chụp phim cho thấy bệnh nhân M. bị lõm ngực nặng.

Ekip các bác sĩ chấn thương chỉnh hình giàu kinh nghiệm của BV đã trực tiếp thực hiện ca phẫu thuật. Bệnh nhi được gây mê nội khí quản và được mổ hai vết nhỏ khoảng 2 cm ở hai bên ngực. Các bác sĩ tiến hành dùng thanh nâng ngực uốn thành vòng cung lồng ngực.

Ngày càng có nhiều trẻ bị lõm ngực – căn bệnh gây chèn ép tim phổi cực cao ở trẻ nhỏ - Ảnh 3.

Các BS tiến hành phẫu thuật nâng ngực cho bé gái.

Tiếp đó, nhờ dùng dụng cụ phẫu thuật chuyên dụng tạo thành đường hầm phía dưới xương ức, trước tim và đặt thanh nâng ngực đã được uốn cong dùng để nâng lồng ngực bị lõm lên và khâu buộc vào xương bằng chỉ thép. Ca phẫu thuật thành công sau khi bệnh nhân được khâu kín lồng ngực.

Hiện tại, tình trạng bệnh nhân đã ổn định, dự kiến sau phẫu thuật 6-7 ngày có thể sinh hoạt bình thường và xuất viện. Dự kiến sau khi lồng ngực của M. ổn định, khung kim loại sẽ được lấy ra ngoài.

Trẻ lõm ngực phát hiện ngày càng nhiều

BS Lê Hữu Phúc, phụ trách Khoa Chấn thương chỉnh hình, BV Nhi Đồng 1, TP.HCM cho biết, phẫu thuật lõm ngực đã triển khai ở BV từ 7 năm trở lại đây. Mỗi năm, BV tiếp nhận khoảng 80 trường hợp, tuy nhiên năm nay đã tăng lên gấp đôi, lên đến 150 trường hợp.

Ngày càng có nhiều trẻ bị lõm ngực – căn bệnh gây chèn ép tim phổi cực cao ở trẻ nhỏ - Ảnh 4.

Số ca lõm ngực tại BV Nhi Đồng 1 đã tăng gấp đôi so với cùng kỳ mọi năm.

Ngày càng có nhiều trẻ bị lõm ngực – căn bệnh gây chèn ép tim phổi cực cao ở trẻ nhỏ - Ảnh 5.

Một phụ huynh đưa con bị lõm ngực đến điều trị tại BV.

  "2-3/1000 trẻ sinh ra bị biến dạng lồng ngực, gồm có 2 loại là ngực lồi và ngực lõm. Bé trai bị nhiều hơn bé gái, tỉ lệ 2/1. Có những trường hợp mới sinh phát hiện ngay nhưng một số trường hợp 4-5 tuổi, thậm chí 9-13 tuổi mới phát hiện sự bất thường ở xương. Đa số trẻ nhập viện vì ngực lõm mà chúng tôi tiếp nhận ở độ tuổi 7-15 tuổi. Thời điểm này, nhiều phụ huynh cũng có kiến thức cơ bản về bệnh này nên chủ động mang con đi khám" - BS Phúc nói.

BS Phúc cho biết, tùy theo mức độ và thời điểm phát hiện mà căn bệnh sẽ gây ảnh hưởng ít hay nhiều đến trẻ. Với những trường hợp lõm nặng sẽ kèm theo một số bất thường về tim mạch, phổi, dị dạng hay các bệnh lý bẩm sinh khác. Tại BV đã từng tiếp nhận một số trường hợp đặc biệt như lõm ngực đẩy trái tim về phía bên phải; lõm ngực kèm theo một bệnh lý phổi, phải cắt một thùy phổi trước khi nâng ngực; hay lõm ngực kèm thoát vị hoành, phải phẫu thuật kết hợp khâu lỗ thoát vị kèm theo phẫu thuật nâng ngực.

Ngày càng có nhiều trẻ bị lõm ngực – căn bệnh gây chèn ép tim phổi cực cao ở trẻ nhỏ - Ảnh 6.

Theo các BS, lõm ngực có thể gây ảnh hưởng về mặt sức khỏe lẫn thẩm mỹ cho trẻ.

 Với căn bệnh này, việc điều trị thường được tiến hành bằng cách đặt thanh nâng ngực từ 2-3 năm, sau đó rút ra khi trẻ lớn. "3 tháng sau mổ hạn chế vận động mạnh, sau 6 tháng nếu thanh nâng ngực không di lệch thì khuyến cáo trẻ chơi thể thao, đặc biệt là tập bơi. Chúng tôi khuyến cáo cha mẹ coi trẻ như một đứa bé bình thường để trẻ tự tin phát triển, thuận lợi trong việc hòa nhập xã hội. Với trẻ dưới 5 tuổi thường sẽ không can thiệp gì mà chỉ theo dõi và cho tập các bài tập vận động" - BS Phúc chia sẻ.

Ngoài ra, ảnh hưởng của việc lõm ngực còn đến ở mặt thẩm mỹ. BS Phúc cho biết, Sau khi phẫu thuật có thể để lại sẹo trên ngực trẻ. Vì bản chất sẹo ở ngực là sẹo lồi, nên các BS sẽ cố gắng làm sao để đường mổ ngắn nhất có thể.

Ngày càng có nhiều trẻ bị lõm ngực – căn bệnh gây chèn ép tim phổi cực cao ở trẻ nhỏ - Ảnh 7.

Điều trị lõm ngực bằng cách phẫu thuật, đặt thanh nâng ngực và sử dụng các bài tập vận động.

 "Trước đây, sau mổ rất đau, các BS phải dùng thuốc giảm đau và cho bệnh nhân thở máy. Do số lượng máy thở có hạn nên chỉ làm được 1-2 ca mỗi ngày. Theo thời gian, kỹ thuật đã được cải tiến, giảm đau hiệu quả, bệnh nhân không cần nằm ở hậu phẫu mà ra phòng luôn nên tăng số lượng bệnh nhân được phẫu thuật" - BS Phúc nói về thuận lợi trong việc điều trị sẹo lõm hiện nay.

Do đó, BS khuyên các phụ huynh khi phát hiện con mình có bất thường ở lồng ngực nên đưa con đến khám tại BV. Hiện nay, hai BV Nhi Đồng 1 và Nhi Đồng 2 (TP.HCM) đã được hưởng chính sách bảo hiểm, chi trả 70% chi phí phẫu thuật lõm ngực, đặt thanh nâng ngực. Với một ca mổ lõm ngực có gia khoảng 25 triệu, bệnh nhân nếu được hưởng chính sách bảo hiểm sẽ dễ dàng hơn rất nhiều trong điều trị.

Chia sẻ