Ngày càng có nhiều người trẻ tìm đến cái chết: Nguyên nhân do đâu?
Thông tin nữ sinh trường chuyên ở Nghệ An tự tử nghi do bị bạo lực học đường một lần nữa làm dậy sóng câu chuyện nhiều người trẻ tìm đến cái chết dễ dàng.
Mới đây, thông tin nữ sinh trường chuyên ở Nghệ An tự tử nghi do bị bạo lực học đường khiến cộng đồng dậy sóng. Trước đó cũng có những câu chuyện đau lòng tương tự xảy ra khiến chúng ta bàng hoàng, xót xa.
Theo số liệu của điều tra quốc gia về vị thành niên và thanh niên ở Việt Nam lần thứ 2 (do Bộ Y tế, Tổng cục Thống kê, WHO tổ chức năm 2000) trên 10.000 thanh thiếu niên, thực hiện tại 63 tỉnh thành có tới 409 người (4,1%) có ý định tự tử.
Theo thông tin được đưa ra tại Hội thảo khu vực phía Bắc việc thực hiện chính sách, pháp luật về bình đẳng giới và lấy ý kiến về dự án Luật Phòng chống bạo lực gia đình do Ủy ban Xã hội của Quốc hội tổ chức vào T4/2022, tỷ lệ có ý định tự sát trong thanh thiếu niên từ 14 - 25 tuổi tăng lên 7% từ năm 2003 đến năm 2010.
Tại Việt Nam, số người tự tử do gặp các vấn đề về tâm lý mỗi năm đều ở mức đáng báo động. Theo Viện Sức khỏe Tâm thần (Bệnh viện Bạch Mai) thống kê, mỗi năm cả nước có khoảng 40.000 người tự tử do trầm cảm. Cũng trong báo cáo này, số liệu cho thấy có khoảng 30% dân số Việt Nam có các rối loạn về tâm thần, 25% trong số đó là các bệnh về trầm cảm.
Điều tra mới nhất do Viện Sức khoẻ tâm thần đưa ra năm 2020 cho thấy, trong số 6.407 học sinh ở lứa tuổi 11 - 17, có 11% cho biết có ý tưởng tự sát trong vòng 1 năm qua.
Trong khi đó, thống kê khác của Trung tâm phòng chống khủng hoảng tâm lý (PCP), ở Việt Nam thanh thiếu niên thuộc độ tuổi từ 15 - 24 là nhóm lứa tuổi có ý định tự sát cao hơn cả, và tỷ lệ nữ giới có ý định tự sát cao gấp 2 lần so với nam.
Nguyên nhân nào khiến nhiều người trẻ tìm đến cái chết?
Theo PGS.TS Nguyễn Doãn Phương (Viện trưởng Viện Sức khỏe tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai), nguyên nhân chủ yếu dẫn đến việc người trẻ tự tử nhiều hiện nay là do bị trầm cảm.
Trầm cảm có thể xảy ra ở nhiều lứa tuổi nhưng phổ biến nhất là 18-45 tuổi, phụ nữ nhiều hơn nam giới với tỷ lệ giới tính: nam/nữ = 1/2. Giá trị này chỉ là ước chừng vì còn tùy vào nền văn hóa và dân tộc.
Theo PGS.TS Nguyễn Doãn Phương, trầm cảm là một tình trạng rối loạn tâm lý phổ biến có thể xảy ra ở bất cứ đối tượng nào. Tuy nhiên, điều này phổ biến hơn ở phụ nữ. Căn bệnh rất nguy hiểm cần phát hiện sớm, điều trị kịp thời. Nếu không sẽ nhanh chóng chuyển sang ý định tự tử.
Nguyên nhân khiến trầm cảm ở nữ phổ biến hơn nam vì phụ nữ có sự thay đổi hormone ở các giai đoạn trong cuộc sống. Những thay đổi ở tuổi dậy thì, trong chu kỳ kinh nguyệt, giai đoạn mang thai, bị sẩy thai, giai đoạn mãn kinh… đều có thể làm tăng nguy cơ trầm cảm.
PGS.TS Trần Thành Nam (giảng viên Đại học Giáo dục, ĐHQGHN, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Tâm lý Giáo dục Việt Nam) cho biết thêm những nguyên nhân dẫn đến trầm cảm, làm gia tăng ý định tự tử ở người trẻ bao gồm: Tác động của mạng xã hội và môi trường sống.
Cũng theo chuyên gia, hiện nay mạng xã hội gây tác động rất mạnh đến người dùng. Nhất là với người trẻ. Sự tràn lan các video độc hại trên youtube, tiktok, facebook đều có thể dẫn đến những hành động tiêu cực. Ví dụ như hiệu ứng domino tự tử chính là thủ phạm tiếp tay cho rất nhiều trường hợp người trẻ tự tử trên toàn thế giới.
Ngoài ra, tác động của môi trường sống cũng dẫn đến chứng lo âu, trầm cảm ở người trẻ. Nhiều gia đình hiện nay đang tạo áp lực cho con cái trong học hành, trong công việc. Nhiều hoàn cảnh gia đình đôi khi chính là điều khiến các em tự cảm thấy áp lực. Không khí nặng nề trong gia đình thiếu hạnh phúc, gia đình có hành vi bạo lực... cũng dẫn đến chứng trầm cảm cho con cái. Thói quen dùng thuốc, chất kích thích, bia rượu... Tất cả đều làm tăng khả năng trầm cảm ở trẻ, dẫn đến ý định tự tử đáng tiếc.
Bên cạnh đó, những mâu thuẫn trong quan điểm đời sống như bạo lực học đường cũng làm tăng nguy cơ trầm cảm, dẫn đến hành vi tự tử ở người trẻ. Trường học như ngôi nhà thứ 2 của trẻ nhưng ở nơi đó, em bị xa lánh, bị cô lập. Trong khi đó, tâm sinh lý trẻ chưa ổn định cũng dễ dẫn đến những hành động đáng tiếc.
Phòng tránh trầm cảm, ngăn chặn tình trạng muốn tự tử ở người trẻ
Để phòng tránh tình trạng trầm cảm, muốn tự tử ngày càng nhiều, TS Nguyễn Doãn Phương khuyên, người trẻ nên thay đổi lối sống như giảm tiêu thụ muối, cà phê, bỏ rượu và thuốc lá. Khi có ý định tự tử hãy cố gắng bày tỏ ý định với người khác. Người trẻ, nhất là chị em phụ nữ, cần chú ý xây dựng mối quan hệ vợ chồng, bạn bè, đồng nghiệp… trên tinh thần cởi mở, giao tiếp tốt...
Đặc biệt, người thân và dư luận xã hội không nên tạo áp lực không đáng có với người phụ nữ, đôi khi đơn giản chỉ là những lời hỏi thăm xã giao nhưng vô tình lại gây stress, ảnh hưởng nặng nề đến tâm lý người phụ nữ. Từ đó dẫn đến những hành vi đáng tiếc. Thậm chí ảnh hưởng sức khỏe và tính mạng.
Riêng với nhóm trẻ đang còn ngồi trên ghế nhà trường, PGS.TS Trần Thành Nam cho rằng cần cẩn trọng bạo lực học đường, gây tâm lý muốn tự tử.
Theo đó cần phải thiết lập quy trình an toàn 24/24. Cụ thể, sau khi trẻ thông báo với cha mẹ, nhà trường, con cần được 2 nơi này kết hợp để có các biện pháp chấm dứt việc bị bạo hành. Cha mẹ cũng cần xem xét con bị tổn thương tâm lý như thế nào sau khi bị bạo hành, có biểu hiện trầm cảm, muốn tự sát không... để có biện pháp can thiệp sớm.
Ngoài ra nên đưa các môn tâm lý vào để giảng dạy cho các em, kiểm soát mạng xã hội để tránh ảnh hưởng không tốt với suy nghĩ, hành động của giới trẻ...
Cha mẹ cũng cần lắng nghe con, chia sẻ cùng con để con có nơi tin tưởng, giãi bày toàn bộ. Đồng thời cần giữ được sự bình tĩnh, tránh không để xảy ra căng thẳng với thầy cô để giải quyết những vấn đề con trẻ đang gặp phải.