Vừa nhìn 9 tráp lễ ăn hỏi là cô dâu đã muốn hủy hôn, mẹ chồng tuyên bố "không thuê xe hoa" nhưng sau cưới lại trao tay ngay 2 tỷ

Bom,
Chia sẻ

"Ôi em ức đến phát khóc không hiểu chuyện gì đã xảy ra, suốt buổi lễ em không thể cười nổi. Sau khi xong xuôi anh mới thú nhận với em là mẹ đòi anh đưa xuống chỗ đặt lễ để hợp đồng lại với người ta", cô vợ kể lại.

Các cụ xưa vẫn quan niệm, con gái có phấn đấu mấy cũng chẳng bằng lấy được tấm chồng tốt, nhà chồng giàu có, sung túc. Thế nhưng đâu phải cái gì cũng màu hồng như bề nổi của nó. Giống như câu chuyện của cô gái dưới đây là 1 ví dụ.

Trong 1 group kín, cô gái có tên facebook là M.L kể lại câu chuyện của mình. Nội dung như sau:

"Giờ em mới thấm lúc chuẩn bị đám cưới trên thực tế luôn luôn hãm các chị ạ. Chuyện của em ly kỳ lắm, giờ vẫn thấy mình may mắn.

Chả là em yêu anh hàng xóm, kiểu gần nhà xa ngõ vì nhà em cách nhà anh ấy 1 dãy phố, vẫn là khác phường khác xã nhưng đi bộ thì chỉ 300m là tới. Có con gái lấy chồng gần bố mẹ em mừng lắm. Nhà anh với nhà em 2 bên cũng biết nhau cả, kinh tế nhà anh khá giả, lấy nhau về không phải lo nhà cửa nữa.

Lúc đầu bọn em bàn nhau rồi, anh cũng nói tiền ăn hỏi anh bỏ hết vì anh là con trai trong nhà, việc của mình không tự lo thì còn làm được cái gì nữa. Vậy là 2 đứa đi tham khảo các nơi rồi đặt lễ. Ai dè, anh về vô tư khoe mẹ để mẹ anh đỡ 1 đầu việc thì bà lại khó chịu ra mặt. Bà nghĩ em xui chồng em và theo ý bà thì chỉ đặt 5 tráp thôi. Chồng em lại trót đặt cọc tiền cho bên kia rồi nên không rút về được. Lúc này em đã thấy tủi thân lắm rồi.

Ngày ăn hỏi, nhà trai dẫn 9 lễ mà cô dâu muốn hủy hôn ngay lập tức, chưa kể sau khi thông báo chi tiết oái oăm trong ngày cưới bố chú rể còn chốt "hạ hồi phân giải".  - Ảnh 1.

Bài đăng của cô gái trên mạng xã hội

Đến ngày ăn hỏi chính thức em mới phát điên này. Nhà em hí hửng mọi thứ đâu vào đấy hết rồi thì lúc 9 lễ đưa sang em suýt ngất luôn, không đầy cơi như bình thường các chị vẫn thấy đâu mà nó rất vơi, đủ phủ 1 tấm vải đỏ chữ hỉ ấy, không cả nhìn được bên trong có gì.

Ôi em ức đến phát khóc không hiểu chuyện gì đã xảy ra, suốt buổi lễ em không thể cười nổi. Sau khi xong xuôi anh mới thú nhận với em là mẹ đòi anh đưa xuống chỗ đặt lễ để hợp đồng lại với người ta. Thật sự lúc đấy nghĩ đến bố mẹ nuôi em bao năm khôn lớn giờ như thế này em tức lắm. Xong bên đó còn dặn nhà em là: 'Vì 2 nhà gần nên đón dâu đi bộ thôi cho khỏi tốn kém', 'Bỏ qua cái phần cắt bánh rót rượu vì nó vừa lãng phí lại vừa mất thời gian'... Các chị thấy có hài không?

Hôm sau bọn em đi trả quần áo cưới thì rẽ qua nhà anh. Em thấy bố anh với anh tranh luận gì đó rất gay gắt, khi tiến vào sâu em chỉ nghe được câu: 'Con cứ tin bố, hạ hồi phân giải'. Ở xóm này, nhà em cũng chẳng lạ gì mẹ chồng em keo kiệt nổi tiếng khu phố còn bố chồng em hiền lành vợ nói gì cũng nghe. Em lấy anh cũng vì nghĩ anh hiền giống bố đấy".

Đến đây rất nhiều người bức xúc thay cho cô gái. Nhà không có điều kiện đã đành, sự kiện trọng đại của con mà tính toán như vậy có phải hơi quá rồi không?

Ngày ăn hỏi, nhà trai dẫn 9 lễ mà cô dâu muốn hủy hôn ngay lập tức, chưa kể sau khi thông báo chi tiết oái oăm trong ngày cưới bố chú rể còn chốt "hạ hồi phân giải".  - Ảnh 2.

Ảnh minh họa

"Mẹ em phải động viên em mới tinh thần em mới khá lên được. Vậy mà các chị biết không, không thể tin nổi, cưới được 2 hôm ông bà gọi bọn em nói chuyện nghiêm túc, hỏi tiền mừng được bao nhiêu. Chồng em cũng thật thà khai báo được 85 triệu cả 2 vợ chồng, trừ đi 20 triệu đặt tour trăng mật thì còn 65 triệu.

Ông chìa luôn cuốn sổ tiết kiệm 2 tỷ ra bảo bọn em: 'Mẹ các con tính thực tế, cưới xin làm dềnh dang quá người ta lại nói sĩ diện nọ kia. Nên bố mẹ thống nhất với nhau tối giản hết sức để dồn tiền cho các con mua nhà. Vợ chồng liệu mà bảo nhau phấn đấu'.

Có thể sẽ có chị nghĩ em chém gió nhưng câu chuyện của em là hoàn toàn có thật đấy, đến em còn nghĩ nằm mơ mà. Hóa ra có những sự kiên nhẫn và cảm thông lại mang về giá trị cao đến vậy".

Quả thật mỗi người mỗi cách nghĩ, mỗi quan niệm. Có nhiều gia đình cưới xin là phải hoành tráng, linh đình để cho thiên hạ nhìn vào, còn sau đấy thế nào không quan trọng, dù có vay tiền để tổ chức cũng vay. Không thể đánh giá việc "tiết kiệm" như trên là hoàn toàn đúng hay hoàn toàn sai nhưng có lẽ xã hội hiện đại rồi, mỗi người chúng ta cũng nên suy nghĩ thực tế hơn. Làm thế nào hợp lý nhất để khiến ngày trọng đại là ngày vui thực sự của mỗi người tham gia không chỉ riêng cô dâu, chú rể chứ không phải gánh nặng về sau, để có lúc vợ chồng "cơm không lành, canh không ngọt" lại lôi nhau ra bới móc.

Chia sẻ