Ngày 27/2, nghe chuyện nghề của những người hùng thầm lặng "gác cổng" sinh tồn cho người bệnh
Cánh cửa phòng mổ đóng lại, đèn phẫu thuật bật sáng, họ lùi lại phía sau tấm màn xanh để phẫu thuật viên tiến hành cuộc mổ. Những nhân viên y tế này đóng vai trò như một “người gác cổng” âm thầm quan sát từng dấu hiệu sinh tồn của người bệnh.
Nhân ngày Thầy thuốc Việt Nam 27/2, TS.BS Phan Tôn Ngọc Vũ – Trưởng khoa Gây mê hồi sức, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM (BV ĐHYD) đã có những chia sẻ về chuyện nghề của các nhân viên y tế được mệnh danh là "những người hùng thầm lặng".
Bác sĩ đồng hành với sinh tử của người bệnh
Bác sĩ Vũ nhận định, nghề gây mê hồi sức ngày nay không còn "thầm lặng" nữa mà đã được đông đảo người bệnh, đồng nghiệp và cộng đồng ghi nhận rộng rãi.
Một ê-kíp phẫu thuật hiện đại gồm có sự phối hợp chặt chẽ của các bác sĩ Khoa Gây mê hồi sức, Khoa lâm sàng và khoa Cận lâm sàng từ khi nhận bệnh đến khi người bệnh xuất viện.
Vì vậy bác sĩ gây mê không còn giới hạn hoạt động trong phạm vi phòng mổ. Giờ đây trước khi phẫu thuật, người bệnh được khám sàng lọc trước mổ nhằm phát hiện những bệnh lý nền.
Từ đây, bác sĩ gây mê cùng với các bác sĩ điều trị sẽ tập trung ổn định tình trạng sức khoẻ của người bệnh, tiên lượng và tìm cách giảm thiểu những rủi ro trong quá trình mổ có thể xảy ra.
TS.BS Vũ chia sẻ, mọi hoạt động ở BV đều dựa vào quy trình chuẩn và sự phối hợp nhịp nhàng giữa các bộ phận.
Bác sĩ gây mê là người đồng hành cùng người bệnh từ đầu đến cuối, nhất là những lần thập tử nhất sinh. Mỗi quá trình trước, trong và sau mổ, người bệnh đều được các bác sĩ theo dõi sát sao bằng những quy trình an toàn người bệnh.
Nổi bật là quy trình hồi phục sớm sau mổ (ERAS – Enhanced recovery after surgery) được chắt lọc từ hệ thống y tế Châu Âu hiện đại.
Thông qua những quy trình này, sự an toàn cho người bệnh luôn được đặt lên hàng đầu dù người bệnh phải trải qua cuộc mổ lớn hay nhỏ. Có khi suốt cuộc mổ bác sĩ phải sử dụng hơn 10 loại thuốc khác nhau để duy trì mê, hỗ trợ phẫu thuật viên đạt được mục tiêu điều trị tối ưu cho người bệnh.
Bác sĩ "3 trong 1"
BS Phan Văn Dũng, khoa Gây mê hồi sức BV ĐHYD chia sẻ, kiến thức trong ngành gây mê rất nhiều.
Để trở thành một bác sĩ gây mê giỏi thì ngoài chuyên môn, bác sĩ gây mê còn phải đáp ứng được khối lượng kiến thức về bệnh lý ngoại khoa và tâm lý phẫu thuật.
Không chỉ thực hiện gây mê và hồi sức sau mổ cho người bệnh, "giảm đau" là một phần không thể thiếu trong các hoạt động chuyên môn của Khoa.
Điển hình ngoài phòng mổ, đội ngũ gây mê phối hợp với Khoa Nội soi thực hiện phương pháp nội soi không đau (nội soi gây mê), phối hợp với Khoa Phụ sản phương pháp sinh không đau (gây tê màng cứng) cũng như các can thiệp không đau khác để người bệnh tiếp nhận hỗ trợ y tế một cách nhẹ nhàng.
Trước khi mổ, người bệnh được khám sàng lọc và hướng dẫn chi tiết về quá trình gây mê. Sau khi mổ, người bệnh được theo dõi kĩ lưỡng. 1 người bệnh có 2 điều dưỡng chăm sóc.
Trung bình mỗi năm, khoa Gây mê hồi sức của BV tiếp nhận điều trị cho 25.000 người bệnh. Bước chân vào cánh cửa phòng mổ, bác sĩ gây mê là chỗ dựa, là niềm tin của người bệnh trong những giờ phút chiến đấu cam go với tử thần.
Chị Ngô Thị Bạch Huệ, điều dưỡng khoa Khoa Gây mê hồi sức cho biết đã gắn bó với công việc này từ năm 2004. Người phụ nữ tâm sự mình lựa chọn công việc này vì muốn xoa dịu nỗi đau cho người bệnh.
Nhờ tình cảm gắn bó với mọi người, đến nay chị vẫn giữ được lửa với công việc sau ngần ấy năm công tác.
Có thể nói, bác sĩ gây mê là chỗ dựa, là niềm tin của người bệnh trong những giờ phút chiến đấu cam go với tử thần.