Ngân hàng dính lỗi "rỉ máu", chị em quyết "cai" mua sắm online

Hà Hương,
Chia sẻ

Thông tin một số ngân hàng dính lỗi bảo mật có tên Heartbleed (trái tim rỉ máu) khiến chị em quyết định "cai" mua sắm trực tuyến để đảm bảo an toàn.

Nhiều chị em đặc biệt là dân văn phòng dành khoản thời gian không nhỏ mỗi ngày ở cơ quan để đi chợ online. Chỉ cần ngồi lướt mạng, ngắm nghía tìm hàng đẹp vừa mắt, thanh toán trực tuyến bằng thẻ của mình, họ có ngay món đồ ưng ý.

Lúc ở nhà, cơm nước, con cái chiếm hết thời gian khiến họ không còn lúc nào thảnh thơi để đi mua sắm. Do đó, dân công sở tranh thủ lúc nghỉ trưa hoặc trong chính giờ làm việc để "đi chợ" ngay tại cơ quan.

Xôn xao tin bảo mật ngân hàng dính lỗi

Từ tối ngày 8/4, những người làm về bảo mật ngân hàng đã nhận được cảnh báo về lỗ hổng bảo mật. Các chuyên gia an ninh mạng cho biết là các hệ thống thanh toán trực tuyến, giao dịch trực tuyến tại Việt Nam bị “dính” lỗi Open SSL Heartbleed (trái tim rỉ máu). Người nhận được lời khuyên nên tạm ngưng các giao dịch trực tuyến.

Ông Nguyễn Minh Đức, chuyên gia bảo mật, Tập đoàn FPT đánh giá đây là lỗi khá nghiêm trọng vì chỉ cần tấn công qua lỗ hổng này, hacker có thể tiếp cận trực tiếp máy chủ. Từ đây, hacker có thể dễ dàng lấy được mật khẩu của hàng loạt người dùng, những người đã có giao dịch trên máy chủ này. Nguy hiểm ở chỗ, hacker tiếp cận được máy chủ là có thể lấy được dữ liệu mà không cần dùng bất cứ biện pháp nào lừa thêm khách hàng.

Ngân hàng dính lỗi
Từ tối ngày 8/4, những người làm về bảo mật ngân hàng đã nhận được cảnh báo về lỗ hổng bảo mật. (Ảnh minh họa)

Nhận thức rõ được sức ảnh hưởng của thông tin trên tới tâm lý khách hàng, chiều tối 10/4, Ngân hàng Nhà nước đã thông báo về hệ thống công nghệ thông tin của ngành ngân hàng. Ngân hàng Nhà nước khẳng định những nguy cơ nhằm vào ngành ngân hàng là rất lớn.

Ngay sau khi thông tin 15 website ebanking của các ngân hàng thương mại bị tấn công gây xôn xao dư luận, Ngân hàng Nhà nước đã kiểm tra và yêu cầu các ngân hàng thương mại báo cáo về thông tin nói trên. 

Ngân hàng Nhà nước khẳng định: "Theo báo cáo nhanh nhận được từ tất cả các tổ chức tín dụng trên toàn quốc, cho đến thời điểm hiện nay các hệ thống thông tin của ngành ngân hàng vẫn an toàn, hoạt động bình thường".

Cùng với đó, rất nhiều ngân hàng, từ lớn đến nhỏ đến lên tiếng khẳng định không dính lỗi "trái tim rỉ máu". Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) đã ngay lập tức kiểm tra lại toàn bộ hệ thống hạ tầng mạng để ngăn chặn khả năng tấn công của các hacker, nhằm đảm bảo an toàn cho khách hàng trong quá trình giao dịch. 

Vietcombank khẳng định: "Sau khi rà soát và đã kiểm tra lại toàn bộ hệ thống hạ tầng mạng, Vietcombank khẳng định không gặp phải các lỗi này bởi Vietcombank bảo mật các hệ thống của ngân hàng theo nguyên tắc bảo mật nhiều tầng, nhiều lớp thông qua việc sử dụng nhiều giải pháp an toàn bảo mật khác nhau nhằm ngăn chặn những truy cập bất hợp pháp từ bên ngoài. Vì vậy, khách hàng có thể yên tâm khi thực hiện các giao dịch trực tuyến thông qua website của Vietcombank".

Eximbank cũng khẳng định giao dịch trực tuyến tại Eximbank vẫn đảm bảo an toàn. Eximbank còn "hứa" sẽ luôn tăng cường kiểm tra, bảo mật hệ thống giao dịch trực tuyến để khách hàng có thể an tâm, tin cậy khi sử dụng các loại hình giao dịch trực tuyến của Eximbank.

Rất nhiều ngân hàng khác như Oceanbank, Vietinbank, Maritimebank, Lienvietpostbank,... đều khẳng định giao dịch trực tuyến tại ngân hàng vẫn đảm bảo an toàn.

Chị em "cai" sắm online

Mặc dù cả phía Ngân hàng Nhà nước và các ngân hàng thương mại đều khẳng định giao dịch trực tuyến tại hệ thống ngân hàng Việt Nam vẫn an toàn nhưng chị em chưa hết lo lắng. Và họ "cụ thể hóa" lo lắng của mình bằng hành động. Đó là "cai" mua sắm online.

Ngân hàng dính lỗi
Thông tin một số ngân hàng dính lỗi bảo mật "trái tim rỉ máu" khiến chị em quyết định "cai" mua sắm trực tuyến vì lợi ích bản thân. (Ảnh minh họa)

Là một người mẹ bận rộn, chị Châu Anh (Đặng Văn Ngữ- Hà Nội) cũng chọn mua hàng qua mạng làm giải pháp để sắm đồ cho cả nhà. Ngày ngày, cứ đến cơ quan việc đầu tiên là chị sẽ lướt qua hàng chục trang rao vặt, shop online từ quần áo, tới đồ tiêu dùng… Đồng nghiệp gán cho chị biệt danh tín đồ mua sắm vì điện thoại của chị luôn “nóng” bởi người giao hàng mua qua cho chị. Thế nhưng từ ngay có tin "trái tim rỉ máu" có thể cướp trắng "miếng cơm" trong tài khoản của mình, chị quyết định tự mình đi chợ, "Thà mệt và mất công chứ dứt khoát không để mất tiền".

Chị Nguyễn Thanh Bình (Minh Khai - Hà Nội) kể: "Tôi là nhân viên văn phòng rất ít thời gian ra ngoài nên tôi nghiện shopping online. Shopping online vừa giúp mình tiết kiệm được thời gian, vừa giúp mình chọn được món đồ ưng ý. Thế nhưng sau khi nghe thông tin giao dịch trực tuyến tại các ngân hàng bị dính lỗi, tôi lo lắm. Nói thật, tôi không hiểu gì về các thuật ngữ kỹ thuật nhưng tôi biết rằng một khi hacker lấy được dữ liệu của tôi, họ dễ dàng chuyển tiền của từ tài khoản của tôi sang tài khoản của họ hoặc mua sắm online".

"Vì thế, dù rất mê shopping online nhưng mấy ngày hôm nay tôi phải tạm dừng. Ví dụ mình là người không may mắn khi bị hacker dò ra mật khẩu tài khoản thì tiền bốc hơi hết à? Lúc đó đi kiện ngân hàng cũng chẳng được. Tốt nhất mình phải tự bảo vệ mình thôi" - Chị Bình lo lắng.

Cùng chung tâm lý với chị Bình, chị Trần Lệ Quyên (Hàng Hành - Hà Nội) kể chị hay mua hàng xách tay từ những người cung cấp dịch vụ chuyển hàng từ nước ngoài về. Mấy hôm trước, chị rất mê một chiếc ô tô có điều khiển. Ngại một nỗi, người bán hàng lại ở thành phố Hồ Chí Minh nên chị không thể đến mua và thanh toán trực tiếp được.

"Nếu là trước đây, tôi chẳng ngại gì mà không thanh toán qua Internet Banking. Nhưng bây giờ, tôi thấy hơi lo lắng một chút. Nhiều người khuyên tôi nên tạm dừng giao dịch online. Hình như bảo mật của ngân hàng gặp trục trặc. Đọc báo, tôi thấy các ngân hàng đều khẳng định họ không dính lỗi. Tôi tin các ngân hàng nhưng thú thực trong lòng vẫn có chút không yên tâm" - Chị Quyên băn khoăn không biết có nên thanh toán trực tuyến bây giờ không.
Chia sẻ