Nếu không muốn sau này con mình trở thành "sói mắt trắng", cha mẹ hãy ngừng làm 3 hành động này ngay lập tức
Đây là những hành động vô cùng phổ biến, hầu như cha mẹ nào cũng vướng vào 1 cái.
Làm cha mẹ, không ai lại không mong muốn con mình lớn lên khỏe mạnh, sống vui vẻ, hạnh phúc và thành công. Thế nhưng, trên thực tế, không phải đứa trẻ nào khi lớn lên cũng đều hiếu thảo. Thậm chí, có một bộ phận nhỏ giới trẻ dù đã "đủ lông đủ cánh" nhưng vẫn ở nhà ăn bám cha mẹ, thay vì đi làm tự nuôi thân.
Mới đây, câu chuyện về một chàng trai "sói mắt trắng" có tên là Tiểu Trương ở Trung Quốc bỗng được lan truyền khắp nơi như một hồi chuông cảnh báo gửi đến các bậc cha mẹ.
Tiểu Trương là một người đàn ông ngoài 30 tuổi nhưng đã không đi làm mấy năm nay. Ngày nào anh ấy cũng chỉ nghĩ đến chuyện hôm nay ăn gì và bắt cha mẹ nấu. Nếu chẳng may hôm ấy thức ăn không hợp khẩu vị thì liền bỏ đi và đặt đồ ăn trên mạng về.
Mặc kệ bố mẹ già yếu, gia đình khó khăn, Tiểu Trương chỉ suy nghĩ đến nhu cầu, cảm xúc của mình, và chọn sống cuộc đời của một đứa trẻ trong thân xác của một người đàn ông to lớn.
Mẹ của Tiểu Trương rất buồn vì điều này. Bà nói: "Khi còn nhỏ, chúng tôi rất yêu thương con. Con muốn gì được nấy. Chỉ mong con chăm chỉ học hành, sau này phụng dưỡng lại cha mẹ. Thế nhưng, ai ngờ bây giờ chúng tôi lại nuôi "một con sói mắt trắng".
Làm cha mẹ, vốn dĩ ai cũng đều vô cùng yêu thương con của mình, sẵn sàng mang đến cho con những thứ tốt nhất. Thế nhưng, những người con liệu có biết ơn cha mẹ vì những hy sinh đó hay không? Hay quen được sống trong cảnh nuông chiều nên con sẽ nảy sinh ra tính ỷ lại và cuối cùng như người mẹ trên, lại nuôi một "con sói mắt trắng" vô tích sự.
Đặc biệt, nếu bạn thường xuyên làm giúp con 3 việc này thì chắc chắn khi lớn lên con bạn sẽ trở thành người ăn bám bố mẹ.
1. Làm giúp con mọi việc
Có một bà mẹ thường nói với các con: "Con chỉ cần học hành chăm chỉ, việc nhà đã có mẹ lo!". Vậy là, 3 đứa con của chị chỉ biết học và học, mặc kệ mẹ mình "lăn lộn" với hàng tá việc nhà không tên.
Một hôm, bà mẹ này ngã bệnh nặng đến mức không thể ngồi dậy. Nhìn mẹ ốm nằm bẹp giường, nhưng các con của chị chỉ lạnh lùng nói: "Mẹ ốm rồi ai nấu cơm cho con ăn. Biết vậy con đã không về nhà giữa trưa, ở lại trường đi ăn cùng các bạn". Nói rồi cả 3 đứa đều quay lưng bỏ đi mất.
Có lẽ ai trong vị trí của người mẹ này ắt hẳn cũng sẽ đau lòng khi thấy con mình vô tâm như thế. Vô tâm với chính người đã sinh ra con, người đã đút cho con từng miếng ăn, lo cho con từng giấc ngủ. Nhưng nếu suy nghĩ kỹ thì ai đã quá mức nuông chiều đến mức con cái trở nên vô tâm như thế?
Do đó, cha mẹ đừng bao giờ vì thương con mà sẵn sàng làm cho con tất cả mọi việc. Có thể ban đầu con còn cảm thấy thương cha mẹ vì đã vất vả lo cho con, nhưng dần dần con sẽ xem sự hy sinh của bạn là lẽ đương nhiên, là trách nhiệm và nghĩa vụ bạn phải làm như thế.
Bên cạnh đó, vì không nhúng tay vào làm bất cứ việc gì, trẻ sẽ không thể hiểu thấu nỗi vất vả của cha mẹ. Sau này lớn lên con như một con chim gãy cánh, không biết làm việc gì kể cả chuyện chăm sóc bản thân.
2. Đáp ứng mọi yêu cầu của con
Đây chính là cách cha mẹ tước đi khả năng chiến đấu cũng như khả năng đối phó với thất bại của trẻ. Bạn sẽ biến con thành những đứa trẻ chưa bao giờ phải đối mặt với sự thất vọng vì bạn đã luôn ở đó để làm theo mọi điều con muốn.
Cha mẹ nên biết rằng thất vọng là một cảm giác lành mạnh, nó giúp cho ý chí và sự kiên trì của trẻ được rèn luyện. Trong cuộc đời mỗi người, không phải lúc nào chúng ta cũng đều gặp may mắn, mọi chuyện đều suôn sẻ.
Do đó, nếu con không được học cách đối phó với thất bại ngay từ nhỏ thì khi lớn lên, cứ mỗi lần gặp thất bại thì con lại càng lùi dần vào sự tự ti và thu mình lại chứ không dám đứng lên chiến đấu cho những gì mình muốn.
3. Dung túng cho mọi lỗi lầm con gây ra
Lấy danh nghĩa của yêu thương, cha mẹ luôn tha thứ cho mọi lỗi lầm mà con gây ra. Từ hút thuốc, uống rượu cho đến đánh nhau, bỏ học, đua xe… Tất cả mọi lỗi lầm của con đều được bạn bỏ qua với những lời biện giải do chính bạn nghĩ ra. Rằng con đang thế này kia nọ nên mới làm như vậy, chứ con ở nhà ngoan lắm.
Chính vì nhận được sự dung túng của cha mẹ, nên trẻ ngày càng trở nên vô luật và sẽ làm mọi thứ mình thích mà không cần quan tâm đến hậu quả như thế nào. Trong suy nghĩ của con, dù mình gây ra chuyện gì thì cha mẹ cũng sẽ đứng ra lo liệu được.
Nói tóm lại, trẻ em không có cảm giác về ranh giới. Trẻ không biết chính xác mình phải làm gì trong tình huống này. Thế nên, tất cả những gì cha mẹ làm cho con hay bắt con làm đều sẽ giúp con hình thành nên thói quen. Mà "gieo thói quen sẽ gặt tính cách, gieo tính cách sẽ gặt số phận".
Vậy nên, để con mình không trở thành "sói mắt trắng", các cha mẹ hãy luôn nhớ nhắc nhở bản thân phải biết cách buông tay con ra. Đừng vì quá yêu thương mà sẵn sàng làm cho con mọi thứ, đáp ứng mọi yêu cầu của con. Bạn cần để trẻ hiểu rằng để có được mọi thứ mình muốn không phải là điều dễ dàng. Con phải biết cố gắng vượt qua mọi khó khăn thì mới có được.