Nếu bạn còn stress vì con học không giỏi, viết không đẹp thì hãy dành ra 3 phút để đọc hết bài viết này

Hiểu Đan,
Chia sẻ

Chỉ khi phải đối mặt với những lựa chọn khắt khe của cuộc sống chúng ta mới thấy được điều gì là thực sự quan trọng.

Chị Phạm Tươi là giảng viên đại học ở thị xã Chí Linh, Hải Dương. Là mẹ của hai bé trai, một bé gái, chị Tươi cho rằng, trong việc nuôi dạy con, ai cũng biết là không nên đặt kỳ vọng vào con vì nó sẽ tạo áp lực cho cả bố mẹ và con. Nhưng thực tế để làm được điều đó không hề đơn giản. Nhất là khi cuộc sống của chúng ta còn nhiều khó khăn, vất vả.

Chúng ta thường mang mơ ước mà mình không làm được để định hướng cho con từ đó sinh ra những kỳ vọng nhất định với con. "Tôi cũng đã từng như thế khi lần đầu làm mẹ. Và tôi chỉ thực sự từ bỏ được suy nghĩ ấy khi phải đối mặt với hai từ "dị tật - bẩm sinh" của con thứ 2", chị Tươi nói.

Điều gì đã khiến tôi bỏ được suy nghĩ kỳ vọng vào con? Nếu bạn còn stress vì con học không giỏi, viết không đẹp thì hãy giành ra 3 phút để đọc hết bài viết này - Ảnh 1.

Chị Tươi và con trai thứ hai.

Chị Tươi mang bầu và sinh bé thứ 2 trong giai đoạn đi học nâng cao trình độ chuyên môn. Thời gian đó mặc dù bầu nhưng gần như ngày nào cũng sáng đi trưa về hoặc trưa đi tối về trên ô tô khách với quãng đường hơn 60km. Khi bé chào đời, nhìn thóp của con kéo dài xuống giữa trán tạo thành một vùng lõm rộng, chị vô cùng lo lắng mà không biết nói cùng ai.

Rồi những ngày sơ sinh nhìn con nằm ngủ, thở dốc khiến cái chăn rung lên bần bật tôi thực sự hoang mang. Gặp bác sĩ nào cũng hỏi hiện tượng của con như vậy có sao không? Nhưng hầu như ai cũng nói "không sao cả, bé ăn ngủ tốt vậy không sao đâu!".

Tôi tạm yên lòng khi 4-5 tháng đầu sau sinh con ngoan ngoãn, lanh lợi, tăng cân đều đặn 1-1,2kg/tháng, hơn 1 tháng đã nói chuyện nhiều, da trắng môi đỏ rất đáng yêu.

Tình cờ khi con hơn 8 tháng, trong một lần con ốm, vợ chồng tôi đưa con đi khám tổng thể. Bác sĩ thông báo: Con bị Tim bẩm sinh - thông liên thất lỗ lớn đang ở trong tình trạng tăng áp lực động mạch phổi rất nặng, phải mổ gấp...

Điều gì đã khiến tôi bỏ được suy nghĩ kỳ vọng vào con? Nếu bạn còn stress vì con học không giỏi, viết không đẹp thì hãy giành ra 3 phút để đọc hết bài viết này - Ảnh 2.

Chỉ khi phải đối mặt với những lựa chọn khắt khe của cuộc sống chúng ta mới thấy được điều gì là thực sự quan trọng. (Ảnh minh họa)

Đến khi con được 1 tuổi, biết đi thì tôi lại phát hiện ra chân con không bình thường. Đưa con đi khám chân thì lại tòi ra cả tay cũng có vấn đề. Bác sĩ đã nói với tôi "bé bị như vậy coi như mất nửa bàn tay rồi". Tim tôi thắt lại. Tại sao mọi thứ lại đổ hết lên đầu con như vậy?.

Và khi con vào lớp 1, cho con tập viết, nhìn con gồng các ngón tay, vặn vẹo cổ tay đi để viết các con chữ, tôi chỉ biết động viên con: Con cứ làm thế nào thấy thoải mái nhất thì làm. Miễn sao nhìn được là được rồi.

Và cũng từ đó tôi từ bỏ được suy nghĩ kỳ vọng vào con lớn. Bởi có sức khỏe là có tất cả. Miễn sao các con có ý thức trách nhiệm với cuộc sống, biết yêu thương, biết phấn đấu vươn lên là tốt rồi. Chỉ khi phải đối mặt với những lựa chọn khắt khe của cuộc sống chúng ta mới thấy được điều gì là thực sự quan trọng.

Dạy con kỳ công hơn kỳ vọng

Chị Tươi cho biết, chị viết ra những dòng tâm sự này vì hy vọng có bố mẹ nào đó đang hành xử giống mình nhiều năm về trước sẽ đọc được để kịp cảnh tỉnh mà tránh khỏi việc quá đặt nặng kỳ vọng gây áp lực cho con.

Hãy giúp con trở thành những đứa trẻ hạnh phúc bằng việc giúp con có một nền móng giáo dục vững chắc ngay từ những năm đầu đời. Hãy giành thời gian kỳ công chăm sóc và làm bạn với con thay vì kỳ vọng để rồi thất vọng, rồi ức chế rồi stress rồi bạo lực, bạo ngôn với con.

Điều gì đã khiến tôi bỏ được suy nghĩ kỳ vọng vào con? Nếu bạn còn stress vì con học không giỏi, viết không đẹp thì hãy giành ra 3 phút để đọc hết bài viết này - Ảnh 3.

"Mình ủng hộ quan điểm Giáo dục sớm - Dạy con từ trong trứng. Trước khi làm ba mẹ, các cặp vợ chồng cần có kiến thức về giáo dục sớm để xây nền móng vững chắc cho tương lai của con cái sau này", chị Tươi chia sẻ.

Trên thực tế, bố mẹ nào cũng hết mực yêu thương con cái nhưng không phải ai cũng có đủ kinh nghiệm, cập nhật thường xuyên kiến thức về chăm sóc, nuôi dạy con… Sẽ có những vấp váp, những sai lầm ảnh hưởng đến con cái khiến chúng ta hối hận nhiều năm sau.

Vậy nên, muốn dạy con tốt thì trước hết, cha mẹ cần thay đổi chính mình cả về cách tư duy và cư xử. "Đôi khi hành động tiêu cực của trẻ là kết quả phản ứng lại cách xử sự của cha mẹ chứ không phải con mình bản chất không ngoan", chị Tươi nói. Vì thế, làm cha mẹ là công việc và bài học trọn đời.

Chia sẻ