Nâng mũi bằng filler: Những biến chứng cần lường trước để cân nhắc trước khi làm
Với những người không muốn đụng chạm dao kéo nhưng vẫn ham làm đẹp, nâng mũi bằng filler rất được ưa chuộng.
BS Hà Sỹ Hoàng Tùng (chuyên thẩm mỹ nội khoa tại Hà Nội) cho rằng, tiêm filler là phương pháp thẩm mỹ nội khoa được nhiều chị em tin dùng hiện nay. Nhất là những người không muốn đụng chạm dao kéo, nâng mũi bằng filler rất được ưa chuộng.
Filler chính là Hyaluronic Acid. Được sử dụng nhiều trong mỹ phẩm và y học, filler có thể làm đầy tạm thời để tạo hình hoặc bôi trơn dịch ổ khớp với những phân tử có độ mềm, rắn khác nhau. Chất này có rất nhiều hãng do nhiều quốc gia sản xuất như Mỹ, Pháp, Hàn Quốc, Thuỵ Sĩ...
Biến chứng nâng mũi bằng filler được chuyên gia nhận định rất ít vì Hyaluronic Acid là một chất với hạt phân tử ngậm nước có sẵn trong cơ thể người và tương thích 99% với cơ thể chúng ta.
"Biến chứng chủ yếu từ phương pháp này do người sử dụng dùng những hãng không rõ nguồn gốc, hàng giả, hàng kém chất lượng bị pha tạp, không thể tan hết và bị cơ thể đào thải theo thời gian. Nhưng biến chứng nghiêm trọng nhất chính là do kỹ thuật của người tiêm dẫn đến hoại tử hoặc phải nạo vét", BS Hoàng Tùng nhấn mạnh.
Những tai biến, biến chứng nâng mũi bằng filler thường gặp nhất
- Nhiễm trùng.
- Dị ứng.
- Tắc nghẽn mạch máu, hoại tử mô.
- Mũi sau tiêm filler kém thẩm mỹ.
Biến chứng nâng mũi bằng filler - 4 rủi ro thường gặp
1. Nhiễm trùng sau khi nâng mũi bằng filler
Sau khi tiêm filler nâng mũi, bạn có thể trải qua cảm giác ngứa, sưng nhẹ hoặc bầm tím, có thể bị đau đớn. Thông thường, những biểu hiện này sẽ nhanh chóng biến mất. Tuy nhiên không loại trừ một số trường hợp hi hữu bị biến chứng nâng mũi bằng filler kiểu này "hành hạ" liên tục trong nhiều ngày, gây đau đớn bất thường.
Trong trường hợp này, đừng chủ quan bỏ qua các dấu hiệu. Bạn nên tìm đến bác sĩ ngay để tìm hiểu nguyên nhân và có được giải pháp kịp thời nhất có thể.
2. Dị ứng
Nhiều người sau khi nâng mũi bằng filler có thể gặp phải tình trạng mẩn ngứa, ửng đỏ bất thường ở vùng mũi. Tình trạng kéo dài có thể dẫn đến hiện tượng viêm nhiễm, chảy mủ, thậm chí hoại tử mũi.
Điều này vô cùng nguy hiểm khi không chỉ vùng mũi bị ảnh hưởng mà cả khu vực xung quanh như mắt cũng gặp nạn. Trong thực tế cũng có ghi nhận vô số trường hợp mù mắt do tiêm filler nâng mũi nên chị em cần hết sức cẩn trọng. Điều quan trọng là sớm phát hiện các dấu hiệu hoại tử để kịp thời gặp bác sĩ, xin tư vấn đúng đắn nhất.
3. Tắc nghẽn mạch máu gây hoại tử mô
Đây được coi là biến chứng nghiêm trọng nhất khi nâng mũi bằng chất làm đầy. Nguyên nhân dẫn đến hiện tượng này chủ yếu là do chất làm đầy không đảm bảo chất lượng được tiêm vào mũi. Filler chất lượng kém có thể chèn ép các mạch máu nhỏ, từ đó gây tắc nghẽn. Khi không được xử lý kịp thời, vùng mũi có thể bị hoại tử, biến dạng vĩnh viễn không sửa chữa được.
Do đó, ngay khi phát hiện thấy bất thường như mũi đau đớn, sưng nề sau 2 ngày trở nên hãy liên hệ bác sĩ ngay.
4. Mũi sau khi tiêm kém thẩm mỹ
Nguy cơ kém thẩm mỹ sau làm đẹp là chuyện không hiếm nhưng nâng mũi bằng tiêm filler có nhiều rủi ro về thẩm mỹ hơn vì đòi hỏi sự chuẩn xác khi dùng filler. Filler khi tiêm không đúng vị trí, filler tiêm mũi bị tràn, vón cục, thậm chí bị lệch... Điều này khiến bạn nghiễm nhiên sở hữu mũi xấu, thậm chí xấu hơn cả trước khi tiến hành làm đẹp.
Sau tất cả...
Khi tìm đến những cơ sở làm đẹp uy tín cùng bác sĩ có tay nghề, trình độ cao thì bạn không phải lo lắng những tai biến, biến chứng nâng mũi bằng filler. "Hãy tìm hiểu kỹ cơ sở định làm cùng tay nghề người thực hiện, được đào tạo từ đâu, được cấp giấy hành nghề hay chưa để giảm tối đa rủi ro không đáng có", chuyên gia nhấn mạnh.
Trong trường hợp phát hiện ra bất cứ bất thường nào ở mũi, chị em nên nhanh chóng đi thăm khám để tìm hiểu rõ nguyên nhân, tiến hành điều trị kịp thời. Thường xuyên liên lạc với bác sĩ, thông báo tình trạng mũi sau khi nâng, tránh tâm lý chủ quan vì có thể dẫn đến những biến chứng khó chữa sau khi nâng mũi.