"Mua trước, trả sau" đang khiến giới trẻ ngày càng bị cuốn sâu vào vòng xoáy nợ nần

DG,
Chia sẻ

"Mua trước, trả sau" mang lại cảm giác mọi thứ đều trở nên rẻ hơn, nhưng thực chất lại khiến người dùng nợ chồng nợ lúc nào không hay nếu không biết cách cân đối thu chi.

Dạo 1 vòng quanh TikTok, không khó để chúng ta bắt gặp những cậu ấm cô chiêu tiêu tiền như nước, sẵn sàng đổ hàng chục cho đến hàng trăm nghìn USD vào những bộ đồ hiệu xa xỉ hay những món trang sức sang trọng. Với các TikToker sở hữu lượng người theo dõi khủng thì việc “khoe của” này khá là đơn giản so với thu nhập của họ. Và đôi khi, đó là những món đồ họ nhận được miễn phí từ các thương hiệu, cửa hàng để phục vụ cho 1 chiến dịch truyền thông cụ thể.

Tuy nhiên, rất nhiều TikToker tại Mỹ, dù không thực sự quá nổi và được nhiều người biết đến, cũng có thể dễ dàng tiêu xài thả ga trên Internet nhờ các dịch vụ có tên gọi chung là “buy now, pay later” (tạm dịch: mua trước, trả sau).

Về cơ bản, "mua trước, trả sau" là giải pháp thay thế cho quá trình thanh toán khi mua sắm trực tuyến, cho phép khách hàng mua bất cứ thứ gì họ muốn ngay lập tức và trả góp với lãi suất 0% (lãi chỉ phát sinh khi họ không trả hết nợ đúng hạn). Số nợ đó được chia thành nhiều đợt khác nhau. Klarna, Sezzle, Zip (trước đây là Quadpay), Afterpay hay Affirm là những cái tên nổi bật nhất trong loại hình dịch vụ này.

 - Ảnh 1.

"Mua trước, trả sau" đang giúp nhiều người mua bất cứ thứ gì họ muốn ngay lập tức mà không cần quá bận tâm về chi phí.

“Mua trước, trả sau” được quảng cáo rất nhiều bởi các thương hiệu và influencer khác nhau trên mạng xã hội, đặc biệt là TikTok hay Instagram, nhắm đến giới trẻ nói chung và genZ nói riêng. Những dịch vụ này không chỉ bình thường hóa các khoản nợ, mà còn biến chúng thành điều gì đó hấp dẫn, không đáng sợ và là 1 cách giúp người dùng sở hữu những món đồ tốt nhất, xịn nhất mà không cần quá bận tâm đến việc bản thân có đủ tiền hay không.

Mặt khác, những công ty cho vay dưới hình thức này tự nhận định đây là 1 cách để chi tiêu thân thiện hơn, có trách nhiệm hơn nhiều so với thẻ tín dụng. Chia sẻ với SFGate, 1 giám đốc của Afterpay cho biết những khoản cho vay chỉ là 1 phương pháp để người dùng theo dõi và quản lý ngân sách của mình tốt hơn.

Và rõ ràng, họ đã thành công với các chiến lược marketing của mình. Trong năm 2021, người Mỹ đã chi khoảng 20 tỷ USD cho dịch vụ “mua trước, trả sau”. Tính riêng tại bang California, 91% khoản vay của người tiêu dùng cho các “mục đích cá nhân và gia đình”, như mua ô tô, đồ gia dụng hay y tế, đến từ loại hình này. Trong đó, khoản vay của genZ đã tăng đến 925% so với tháng 1/2020.

“Về lý thuyết, mọi thứ đều miễn phí”

"Mua trước, trả sau" đang khiến giới trẻ ngày càng bị cuốn sâu vào vòng xoáy nợ nần - Ảnh 2.

"Mua trước, trả sau" mang đến cảm giác mọi thứ đều rẻ hơn.

Đa số các dịch vụ “mua trước, trả sau” đều vận hành theo quy trình giống nhau: Cung cấp tài chính ngắn hạn cho bất cứ thứ gì mà khách hàng muốn, từ 1 chiếc túi xách của Gucci cho đến đặt vé máy bay, rồi chia khoản thanh toán ra thành 4 phần. Phần đầu tiên sẽ được trả ngay tại thời điểm mua hàng. 3 phần còn lại được trả dần dần theo chu kỳ 2 tuần hoặc 1 tháng.

Chia sẻ với SFGate, TikToker Celesta cho biết: “Chương trình “mua trước, trả sau” khuyến khích mọi người chi tiêu vượt quá khả năng của bản thân và khiến họ an tâm rằng mình có tận 4 tháng để trả hết các khoản nợ. Họ hay nói đùa với nhau kiểu như là: “Tôi chỉ phải trả 20 USD/lần trong vòng 24 lần là xong”, hay “Tôi mua qua Afterpay, thế nên về lý thuyết, mọi thứ đều miễn phí ấy mà”.

Ngay cả các nhà bán lẻ cũng đang bắt đầu áp dụng dịch vụ này để thúc đẩy doanh số và khuyến khích khách hàng mua sắm nhiều hơn. Theo SFGate cho biết, trung bình mỗi người sẽ bỏ ra khoảng 365 USD cho 1 lần mua hàng thông qua Affirm, cao hơn rất nhiều so với con số 100 USD trong năm 2020.

Thời trang vẫn là “mảnh đất màu mỡ” nhất của “mua trước, trả sau”. Theo báo cáo của Afterpay cho thấy, 73% chi tiêu của thế hệ genZ là dành cho quần áo từ những thương hiệu cao cấp như H&M. Với sự phát triển như vũ bão của TikTok, xu hướng thời trang cũng liên tục thay đổi qua từng ngày, buộc họ luôn phải cập nhật tủ quần áo của mình nếu không muốn bị coi là lạc hậu, lỗi thời.

"Mua trước, trả sau" đang khiến giới trẻ ngày càng bị cuốn sâu vào vòng xoáy nợ nần - Ảnh 3.

"Mua trước, trả sau" đặc biệt bùng nổ trong lĩnh vực thời trang.

Brianna Fountain, nhà thiết kế kiêm blogger chăm sóc sức khỏe, sắc đẹp trên TikTok cho biết cô bắt đầu thấy loại dịch đó này xuất hiện trên các website thời trang sành điệu như Anthropologie hay Urban Outfitters.

Dẫu vậy, những công ty này vẫn có thể xây dựng được lòng trung thành với thương hiệu đáng kể trong giới trẻ. Cả Celesta và Brianna đều từng bị cư dân mạng “ném đá” không thương tiếc vì đã công khai chỉ trích hình thức “mua trước, trả sau” trên hồ sơ TikTok của họ. “Rất nhiều người nói với tôi rằng: 'Chẳng qua là cô chưa dùng dịch vụ này thôi', hay 'Bản thân tôi vẫn luôn trả nợ đúng hạn'”, Celesta cho biết, “Về cơ bản, họ ra sức bênh vực và bảo vệ các công ty mua trước, trả sau đến cùng”.

Giới trẻ, những người ít kinh nghiệm về tín dụng, đang là mục tiêu chính của “mua trước, trả sau”

Trong năm vừa qua, Afterpay đã phải đối mặt với nhiều vụ kiện tập thể tại California và Maine vì hành vi che giấu, không trình bày đầy đủ các chi phí ẩn đằng sau dịch vụ của mình. Bên cạnh đó, rất nhiều chuyên gia tài chính đã bày tỏ quan ngại về cách mà những công ty này chủ động nhắm đến đối tượng khách hàng trẻ, đặc biệt là genZ.

Marisabel Torres, Giám đốc của Center for Responsible Lending, cho biết: “Họ đang tiếp cận những đối tượng trẻ tuổi, những người không có nhiều kinh nghiệm về tín dụng, không nắm rõ những kiến thức về việc phải chịu nhiều khoản vay cùng 1 lúc”.

Bên cạnh đó, rất nhiều người đang chi tiêu vượt mức mà họ có thể chi trả. Theo khảo sát của Piplsay và Credit Karma cho thấy: 43% genZ từng lỡ hạn thanh toán ít nhất 1 lần, 30% lỡ hạn ít nhất 2 lần.

"Mua trước, trả sau" đang khiến giới trẻ ngày càng bị cuốn sâu vào vòng xoáy nợ nần - Ảnh 4.

"Mua trước, trả sau" chủ yếu nhắm đến giới trẻ, đặc biệt là genZ.

R. J. Cross, cố vấn chính sách của Frontier Group, nhận định: “Các công ty mua trước, trả sau thừa hiểu phương thức của họ sẽ khiến cho các loại hàng hóa trở nên rẻ hơn trong mắt người dùng. Đã có không ít trường hợp, khi chúng tôi phỏng vấn, thừa nhận điều đó, đặc biệt là ở giới trẻ. Có người từng chia sẻ với tôi rằng: 'Đúng là nó khiến mọi thứ có cảm giác rẻ hơn. Tôi có thể mua 1 bộ dụng cụ trang điểm trị giá 144 USD mà trước đây tôi không dám mua'”.

Cross cũng cảm thấy lo ngại về tốc độ thanh toán của “mua trước, trả sau”: “Với thẻ tín dụng, bạn phải nộp đơn đăng ký, chứng minh thu nhập, rồi còn phải đợi nhận thẻ. Trong khi đó, với hình thức này, bạn chỉ cần tải về 1 vài ứng dụng, và quá trình phê duyệt khoản vay được thực hiện khá đơn giản, với tốc độ nhanh hơn rất nhiều”.

Không chỉ riêng khách hàng, các công ty dịch vụ “mua trước, trả sau” cũng chèo kéo rất nhiều thương hiệu với những lời hứa hẹn về doanh số, doanh thu cao chót vót. Libor Michalek, Giám đốc công nghệ tại Affirm cho biết: “Đúng là khách hàng đã mua sắm nhiều hơn, chi tiêu nhiều hơn, hơn những gì mà họ dám bỏ ra khi sử dụng thẻ ghi nợ hay thẻ tín dụng”.

Tuy nhiên, các nhân viên cấp cao tại Affirm và Afterpay đều khẳng định dịch vụ của họ là những lựa chọn thay thế có trách nhiệm hơn, ít áp lực hơn so với thẻ tín dụng và các khoản vay cá nhân. Họ cũng nhấn mạnh vào khả năng tiếp cận của các dịch vụ này, đặc biệt là đối với những người tiêu dùng trẻ tuổi, mặc dù thực tế là nhiều dịch vụ không báo cáo các khoản thanh toán đúng hạn cho các cơ quan tín dụng.

"Mua trước, trả sau" đang khiến giới trẻ ngày càng bị cuốn sâu vào vòng xoáy nợ nần - Ảnh 5.

"Mua trước, trả sau" đang khiến nhiều người bạo dạn hơn trong việc mua sắm, sẵn sàng chi nhiều hơn thu.

Zahir Khoja, tổng giám đốc nền tảng toàn cầu và quan hệ đối tác của Afterpay, đã gọi dịch vụ của công ty là “công cụ lập ngân sách”, đồng thời khẳng định hầu hết cơ sở người dùng của họ dựa vào thẻ ghi nợ làm nguồn tài trợ cho các khoản thanh toán. Đối với ông, việc lập ngân sách là đặc biệt quan trọng trong việc chi tiêu có trách nhiệm: “Họ có thể mua những gì họ muốn, bất cứ khi nào họ muốn, và được hưởng lợi từ tín dụng trong vòng 6 tuần sau đó mà không phải mắc nợ”.

Tuy nhiên, các chuyên gia tài chính lại tỏ ra không quá đồng tình với Zahir. Todd Phillips, Giám đốc quản lý tài chính tại Center for American Progress cho biết: “Đó chỉ là hành vi lừa đảo! Những gã này chỉ đang cố tìm cách mở rộng tín dụng. Họ là những người cho vay, và đó là những gì họ thường làm”.

Trong vòng 2 năm trở lại đây, rất nhiều bang tại Hoa Kỳ đã tiến hành phạt các dịch vụ “mua trước, trả sau” hàng triệu USD vì hoạt động mà không có giấy phép cho vay. Cả Afterpay và Sezzle đều đã bị bang California “sờ gáy” vì hành vi này. Adam Wright, thuộc Sở Đổi mới và Bảo vệ tài chính California, cho biết: “Những khoản vay nên được quản lý bởi những người như chúng tôi, theo 1 bộ luật mà có nhiều biện pháp để bảo vệ người tiêu dùng”.

Cần phải có những quy định nghiêm ngặt hơn

Mỗi dịch vụ “mua trước, trả sau” có những chiêu trò riêng để trở nên khác biệt với các đối thủ cùng ngành: Affirm tự hào về việc không đưa ra các khoản phí trả chậm cho khách hàng, nhưng có thể tính phí APR lên đến 30% đối với các khoản vay lớn hơn; Afterpay cung cấp lãi suất 0% cho mỗi lần mua hàng nếu người dùng có thể thanh toán đúng hạn. Với mỗi dịch vụ có các điều khoản trả nợ khác nhau, không được hệ thống 1 cách nhất quán, người dùng hoàn toàn có thể lâm vào cảnh nợ chồng nợ nếu sử dụng nhiều dịch vụ cùng 1 lúc.

Với những ai thanh toán trễ hoặc bỏ lỡ hạn thanh toán, họ có thể gặp rắc rối lớn với những khoản phụ phí hoặc lãi suất phát sinh. Affirm cho phép người dùng tạm hoãn thanh toán nếu cần. Tuy nhiên, 120 ngày sau, họ sẽ tuyên bố khoanh nợ, và đợi thêm 30 ngày nữa trước khi nhờ pháp luật can thiệp để xử lý các khoản nợ chưa trả của người dùng.

"Mua trước, trả sau" đang khiến giới trẻ ngày càng bị cuốn sâu vào vòng xoáy nợ nần - Ảnh 6.

Mỗi công cụ "mua trước, trả sau" đều có những chiêu trò riêng, rất dễ khiến cho người dùng lâm vào cảnh nợ nần chồng chất nếu sử dụng nhiều dịch vụ cùng 1 lúc.

Ngoài ra, còn có sự khác nhau trong cách khoản vay này được báo cáo cho các văn phòng tín dụng. Những khoản vay từ dịch vụ “mua trước, trả sau”, dù được thanh toán theo đúng quy định, cũng sẽ không giúp người dùng cải thiện tín dụng của họ như khi họ trả nợ thẻ tín dụng đúng hạn. Marisabel Torres cho biết: “Tín dụng đã được cung cấp cho người tiêu dùng rất nhanh chóng trên quy mô lớn, và không có các biện pháp bảo vệ người tiêu dùng thực sự thích hợp và phù hợp. Người tiêu dùng hoàn toàn có thể tích lũy một lượng lớn nợ với tốc độ rất nhanh mà không hiểu rõ các điều khoản là gì”.

Trong 6 tháng vừa qua, rất nhiều quốc gia đã bắt đầu xem xét các dịch vụ “mua trước, trả sau”, bao gồm cả Hoa Kỳ và Vương quốc Anh. Cuối tháng 12/2021, Cục Bảo vệ Tài chính Người tiêu dùng của Hoa Kỳ (CFPB) đã mở một cuộc điều tra các công ty này và bày tỏ lo ngại về việc “tích lũy nợ, chênh lệch giá theo quy định và thu thập dữ liệu người dùng”.

Đầu năm nay, bộ trưởng Tư pháp California Rob Bonta đã lên tiếng ủng hộ đề xuất của CFPB về việc gia tăng các quy định đối với hình thức “mua trước, trả sau”. Ông cho biết: “Dù khuyến khích tiếp cận tín dụng an toàn và giá cả phải chăng, chúng tôi thực sự lo ngại về các sản phẩm tài chính mới - được cho là sáng tạo, hứa hẹn sẽ dân chủ hóa ngành công nghiệp tín dụng, nhưng lại đẩy người tiêu dùng vào vòng xoáy nợ nần, đồng thời còn áp dụng một số điều khoản tương tự và các tính năng như các sản phẩm tài chính đắt tiền và có tính chất săn mồi khác”.

Tất cả các công ty thẻ tín dụng, dịch vụ cho vay mua ô tô và thậm chí cả các công ty cho vay ngắn hạn đều được yêu cầu cung cấp thông tin rõ ràng, minh bạch về lãi suất và tổng chi phí các khoản vay của họ, dựa trên Đạo luật Minh bạch trong cho vay của liên bang (TILA). Luật pháp cũng yêu cầu người cho vay cung cấp cho người tiêu dùng cách để chống lại các khoản phí gian lận khi mua sắm với những thỏa thuận tốt nhất, có lợi nhất. Nhưng theo Cross, nhiều công ty “mua trước, trả sau” được miễn trừ TILA, vốn chỉ áp dụng cho các khoản vay với ít nhất năm lần trả góp. Hầu hết các dịch vụ “mua trước, trả sau” hiện nay đều yêu cầu khách thanh toán trong 4 lần.

“Mua trước, trả sau” đang ngày càng lan rộng sang nhiều lĩnh vực khác

"Mua trước, trả sau" đang khiến giới trẻ ngày càng bị cuốn sâu vào vòng xoáy nợ nần - Ảnh 7.

Các dịch vụ “mua trước, trả sau” khởi đầu bùng nổ phần lớn nhờ vào lĩnh vực thời trang. Tuy nhiên, loại hình này đang ngày càng được sử dụng rộng rãi hơn, đặc biệt là khi lạm phát tăng vọt. Trong năm vừa qua, Amazon và Target đều hợp tác với các công ty “mua trước, trả sau”, trong khi Walmart công khai ủng hộ Affirm. Gần đây, hình thức “mua trước, trả sau” cũng bắt đầu mở rộng quy mô sang các dịch vụ nợ khác, tung ra “thẻ ảo” để sử dụng tại các cửa hàng không trực tiếp hợp tác với họ.

Mặc dù các dịch vụ này có thể là một giải pháp thay thế có trách nhiệm cho nợ thẻ tín dụng đối với một số lượng lớn người tiêu dùng, nhưng nếu không có quy định cụ thể, loại nợ này sẽ tạo gánh nặng cho những người dễ bị tổn thương về tài chính nhất, giống như thẻ tín dụng, các khoản vay ngắn hạn trong quá khứ.

Trong 1 cuộc khảo sát gần đây của Ipsos, người tiêu dùng thường sử dụng “mua trước, trả sau” cho các dịch vụ nha khoa, sửa xe, mua xăng hay thậm chí là tiền thuê nhà, hóa đơn y tế. Một số người, theo chia sẻ của TikToker Brianna Fountain, thậm chí áp dụng cả hình thức này khi đi mua sắm những đồ dùng đơn giản tại các cửa hàng tạp hóa.

Marisabel Torres coi kỷ nguyên mới của “mua trước, trả sau” như một bản cáo trạng về hệ thống kinh tế của Hoa Kỳ nói chung ở thời điểm hiện tại: "Điều đó nói lên điều gì về tình hình tài chính tổng thể của xã hội chúng ta? Tại sao chúng ta lại phải mua những thứ đơn giản như xăng bằng hình thức này?


https://genk.vn/mua-truoc-tra-sau-dang-khien-gioi-tre-ngay-cang-bi-cuon-sau-vao-vong-xoay-no-nan-20220506212341103.chn
Chia sẻ