Mưa đá viên to bằng cái bát con làm thủng 500 mái nhà, mận rơi đầy gốc ở Mộc Châu

HOÀNG AN,
Chia sẻ

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng - Thủy văn Quốc gia, hiện tượng giông, lốc kèm theo mưa đá có thể xảy ra từ nay đến hết 25/3.

 - Ảnh 1.

Mưa đá thủng mái nhà.

Những ngày gần đây, tình trạng dông, lốc kèm theo mưa đá xảy ra liên tiếp ở các tỉnh vùng núi phía Bắc gây thiệt hại cho nhân dân.

Cụ thể cuối ngày 22/3, tại thị trấn Nông Trường, huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La, mưa đá bất ngờ trút xuống khiến nhiều diện tích mơ, mận đang sắp vào thời điểm thu hoạch rụng đầy gốc.

 - Ảnh 2.

Mơ mận sắp vào thu hoạch rơi đầy gốc ở Mộc Châu sau cơn mưa đá chiều 22/3

Bà Nguyễn Thị Hoa, Phó Chủ tịch UBND huyện Mộc Châu cho biết, cơn mưa đá bắt đầu từ hơn 16h chiều chỉ kéo dài vài phút. 

"Do mưa rải rác nhiều khu vực, chúng tôi vẫn chưa thống kê được cụ thể con số thiệt hại. Ngoài mận, mơ đang sắp cho thu hoạch rụng đầy gốc thì còn nhiều hoa màu, thậm chí là nhà cửa cũng hư hỏng", lãnh đạo huyện Mộc Châu nói.

Năm ngày trước, trên địa bàn huyện Mộc Châu cũng sảy ra gió lốc kèm theo mưa đá, chủ yếu tập trung tại các xã Chiềng Hắc, Tân Lập và Tân Hợp.

 - Ảnh 3.

Mưa đá làm mận rụng đầy gốc xảy ra đêm 17 sang rạng sáng 18/3. Ảnh: CTTMC.

Theo thống kê ban đầu của Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn huyện, trong trận mưa này làm hỏng hơn 130 nhà dân. Cây mơ, mận bị dập thân, gãy cành, rụng quả mơ trên diện tích khoảng 250ha, tương đương khoảng 100 tấn.

Còn tại huyện Quỳnh Nhai tỉnh này tình trạng mưa đá nghiêm trọng hơn. Cụ thể, cơn mưa xảy ra vào chiều tối 21/3 ghi nhận có những viên kích thước bằng bát con.

 - Ảnh 4.

Căn nhà ở huyện Quỳnh Nhai sau cơn mưa đá hôm qua 22/3.

"Toàn xã tôi có khoảng 500 nóc nhà thì tất cả điều hư hỏng, đặc biệt là những ngôi nhà lợp mái ngói, mưa đá có những viên kích thước to bằng cái bát con làm thủng toàn bộ, thời lượng cơn mưa kéo dài chỉ 4 -5 phút", ông Hoàng Văn Quyền, Chủ tịch UBND xã Mường Giôn, huyện Quỳnh Nhai nói.

Vị lãnh đạo xã Mường Giôn cho biết, vẫn đang tiếp tục thống kê thiệt hại nhưng ước tính ban đầu là nhiều tỷ đồng, hàng trăm hộ dân đang tất bật sửa sang lại nhà cửa.

 - Ảnh 5.

Ông Lưu Minh Hải, Chuyên gia dự báo khí tượng thủy văn cho biết, hiện tượng mưa đá xảy ra thường sẽ kết thúc vào tháng 5 dương lịch hàng năm.

"Từ trước đến nay chúng tôi chỉ ghi nhận mưa đá kích thước to bằng cái chén, quả trứng vịt, còn to hơn bằng cái bát con thì rất hiếm. Có thể nói nếu mưa như vậy là cường độ rất mạnh, gây nguy hiểm cho người dân nếu thời điểm mưa vào ban ngày họ đi làm ngoài trời", ông Hải nói.

 - Ảnh 6.

Mái ngôi nhà tan hoang.

 - Ảnh 7.

Theo thông tin của Trung tâm Dự báo Khí tượng - Thuỷ văn Quốc gia, do ảnh hưởng của hội tụ đới gió Tây trên cao, chiều tối 23/3 đến ngày 25/3 ở các tỉnh Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ có mưa rào và dông (lượng mưa phổ biến 10-30mm/24h), riêng vùng núi có nơi mưa to đến rất to (lượng mưa 40-70mm/24h), mưa dông tập trung vào chiều và đêm.

Trong cơn dông có khả năng cao xảy ra lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh. Cấp độ rủi ro thiên tai do mưa lớn, lốc, sét, mưa đá: cấp 1.

Chia sẻ