Món bún quậy nức tiếng Phú Quốc luôn gây tranh cãi giữa "ngon và khó ăn", nhưng mấy ai biết bà chủ mất 10 năm để hoàn chỉnh hương vị "chuẩn"
Một trong những món ăn mà ai đến với Phú Quốc cũng nên thử đó là bún quậy. Món ăn này không chỉ thu hút thực khách bởi tên gọi mà còn thu hút ở cách chế biến và cách ăn độc đáo.
Mấy năm trở lại đây du lịch Phú Quốc thực sự bùng nổ. Không chỉ nổi tiếng với những địa điểm du lịch đẹp và hấp dẫn, nơi đây còn nổi tiếng với nền ẩm thực phong phú và đặc trưng. Có một món ăn mà người dân thường đồn nhau rằng nhất định phải ăn khi đến Phú Quốc. Nếu chưa ăn bát bún quậy đầy đủ gồm mực, chả tô, chả cá, chấm cùng bát nước chấm đặc trưng thì coi như chưa đến Phú Quốc.
HÀNH TRÌNH KHAI SINH RA BÚN QUẬY NỨC TIẾNG Ở PHÚ QUỐC
Một trong những thương hiệu bán bún quậy nổi tiếng nhất ở Phú Quốc là quán Kiến Xây. Quán nổi tiếng là nơi đầu tiên khai sinh, sáng tạo ra bún quậy. Hiện tại ở Phú Quốc có đến 4 cơ sở chi nhánh, lúc nào cũng đông nghịt người. Món ăn này không chỉ thu hút khách du lịch mà dân địa phương cũng rất thích ăn.
Khi được hỏi về nguồn gốc của món bún quậy chị Lành (Quản lý chuỗi cửa hàng bún quậy Kiến Xây) cho biết: "Bún quậy xuất phát từ món bún tôm ở Bình Định. Ba mẹ mình gốc Bình Định, sau đó vào Phú Quốc rồi đưa món ăn đó vào biến tấu dần dần, nghĩa là chỉ có cách làm giống bún tôm chứ còn lại hương vị, nguyên liệu thì hoàn toàn khác. Vì vậy, có thể nói bún quậy được khai sinh hoàn toàn ở Phú Quốc.
Do người chế biến lúc nào cũng phải quậy nên người dân đã đặt tên cho món bún này là "BÚN QUẬY".
Mẹ mình bắt đầu làm món bún quậy từ những năm 1995, 1996, rồi cứ biến tấu dần bởi Phú Quốc có nguồn hải sản phong phú, khẩu vị đặc trưng của mỗi vùng miền cũng khác nhau nên cứ điều chỉnh. Mãi đến năm 2005 món bún quậy của gia đình mình mới đạt đến hương vị "chuẩn" như hiện nay. Và vào năm 2010, khách bắt đầu yêu thích món ăn nhưng vì không biết nó tên là gì mà thấy đầu bếp "quậy quậy" trong tô, từ đó gọi miệng là bún quậy cho đến tận ngày nay."
Từ đó món bún quậy được phổ biến, nhiều cửa hàng khác cũng mọc lên. Chị Lành chia sẻ: "Lúc đó, nhiều quán mọc lên lắm, vì vậy phải nghĩ ra một tên để đăng kí thương hiệu cho tránh nhầm lẫn. Thì tình cờ mấy anh chị em nhà mình đều học kiến trúc và xây dựng hết. Nên chọn luôn tên Kiến Xây. Đồng thời, nó cũng có ý nghĩa "Tiếp thu ý kiến, phát triển và xây dựng lên". Ngoài ra, loài kiến cũng là loài có sức mạnh, cần cù, chăm chỉ. Và năm 2015, quán được đặt tên là Kiến Xây".
CÁC CON HỌC ĐẠI HỌC NHƯNG ĐỀU VỀ LÀM QUÁN ĐỂ PHÁT TRIỂN NHỮNG GÌ BA MẸ GÂY DỰNG LÊN TRONG HƠN 20 NĂM
Hành trình hơn 20 năm phát triển và tạo nên thương hiệu quán bún quậy Kiến Xây từ quán bún không tên, không biển hiệu, chủ yếu bán cho người dân địa phương. Hiện nay, đã trở thành địa chỉ khó có thể bỏ qua với du khách thập phương. Mở được hàng loạt các chi nhánh tại Phú Quốc cũng như Sài Gòn.
Chị Lành cho biết tất cả những cửa hàng có tên là bún quậy Kiến Xây đều là của gia đình. "Mấy anh em trong gia đình lớn lên cùng với bún quậy. Lúc đầu anh em trong gia đình cũng khác xác định làm quán nên đi học hết nhưng về sau thấy được tiềm năng của món ăn này. Cũng như gia đình đã tạo được một tệp khách hàng ổn định nên mấy anh em cũng quyết tâm về phát triển những gì mà ba mẹ đã gây dựng lên. Hiện tại, mỗi cơ sở chi nhánh đều do một người con quản lý, kinh doanh theo hộ gia đình nên gia đình mình cũng không nghĩ nhiều".
Mọi nguyên liệu đều được chọn tỉ mỉ, luôn tươi ngon.
Nếu là một vị khách du lịch đến một địa phương chọn một quán ăn ngon thì người ta thường tra trên MXH, tìm quán chính gốc hoặc hỏi người dân địa phương. Ở Phú Quốc, sẽ không thiếu những biển tên quán ghi tên "Bún quậy chính gốc", khi được hỏi chị Lành nêu rõ quan điểm kinh doanh của gia đình:
"Với gia đình mình thì thấy bình thường, ai cũng muốn kinh doanh nên người ta muốn ghi sao thì kệ người ta. Bản thân mình thì tự nhìn nhận và phát triển hơn mỗi ngày thôi, mình phải làm sao để khi khách hàng nhận biết khi nhắc đến bún quậy là người ta nghĩ đến Kiến Xây. Đồng thời, quán mình cũng định hình phong cách riêng, mọi thứ từ decor quán và nguyên liệu cũng đều rất riêng".
AI THÍCH ĂN HẢI SẢN THÌ KHÔNG THỂ KHÔNG THÍCH ĂN BÚN QUẬY!?
Một bán bún quậy có giá từ 35.000-75.000 đồng tùy vào kích cỡ và thành phần trong đó. Thông thường, một bát bún gồm một con mực trứng luộc, chả cá, chả tôm, hành xắt nhỏ và bún tươi. Chị Lành cho biết: "Tất cả các nguyên liệu đều do gia đình chuẩn bị, đến cả bún cũng là làm trực tiếp thủ công tại quán để đảm bảo độ tươi ngon".
Bún được làm thủ công ngay tại quán.
Doanh thu thì tùy vào lượng khách tùy vào thời điểm, trung bình một cơ sở một ngày bán đến 1000-2000 tô. Chị Lành kể lại: "Cái thời mình còn đi học lúc đấy chưa có nhiều người làm như hiện tại, có lúc khách phải đợi hơn 1 tiếng để cầm bát bún quậy trên tay. Bây giờ thì có nhanh hơn chút thì chỉ còn đợi khoảng 30 phút thôi".
Món ăn nào cũng vậy, người khen người chê là chuyện thường. Có người hợp thì khen nức nở chỉ mong đến Phú Quốc để ăn, có người thì lại cho rằng món bún này "hơi nhạt, nước dùng như nước ốc.." thì chị Lành cũng chia sẻ: "Theo mình, mỗi người đều có một khẩu vị khác nhau, mình không thể ép người khác thích món của mình được nhưng mình tin rằng nếu là một người thích ăn hải sản thì đến 80% đều thích ăn bún quậy".
Chị Lành cũng cho biết thêm cách ăn bún quậy đúng chuẩn nhất: "Bún quậy thì đặc trưng nhất là nước chấm. Nước chấm thì đã được pha sẵn vắt thêm tắc và ớt tùy khẩu vị rồi quậy đều lên. Khi bún bưng ra ngoài mình múc một chút nước chấm đổ vào, nêm nếm vừa phải là được. Bún hoặc hải sản chấm riêng với nước chấm vừa pha."