Môi khô, bong tróc có thể là hậu quả từ những thói quen này, thói quen thứ 3 là nhiều người mắc nhất
Có một số yếu tố có thể gây ra tình trạng bong tróc của môi, từ chế độ ăn uống đến vấn đề sức khỏe nghiêm trọng hơn.
Tại sao môi của tôi bị bong tróc nhiều như vậy?
Có thể bạn không cần lo lắng quá. Môi khô là tự nhiên do không có tuyến dầu. Vì vậy, môi rất khó giữ được độ ẩm (nhưng đó cũng là lý do tại sao chúng không bị nổi mụn).
Trên thực tế, môi gần như không có một lớp ngoài. Không giống phần da còn lại, nhiều vùng trên môi không có lớp sừng (còn gọi là lớp trên cùng của da). Lớp sừng được xem như một loại áo giáp của cơ thể. Nó là một rào chắn được dệt nên một cách tinh vi, gồm chất béo, protein và tế bào da chết. Rào chắn này giúp bảo vệ da khi bị khô và cơ thể có được một phần khả năng chống tia cực tím.
Vì vậy, trước khi tin rằng mình đang bị bệnh, hãy nhớ rằng đôi môi của bạn, theo lẽ thường, nhạy cảm hơn so với phần còn lại của da. Bất kỳ hiện tượng khô hay bong tróc nào của môi cũng có thể được cải thiện với vài lần thoa son dưỡng.
Điều đáng nói là có một số yếu tố có thể gây ra tình trạng bong tróc của môi, từ chế độ ăn uống đến vấn đề sức khỏe nghiêm trọng hơn.
1. Chế độ ăn uống gồm rất nhiều đồ cay, mặn
Bạn rất mê đồ ăn vặt như bánh quy hay khoai tây chiên? Chúng có thể là lý do cho các vết nứt nẻ, bong tróc trên môi. Thực phẩm mặn, đặc biệt những loại có nhiều muối bên ngoài, có thể chạm và thấm vào môi, ảnh hưởng đến làn da trên môi. Muối giữ nước, vì vậy nó có thể hút nước ra khỏi môi và khiến chúng khô đi. Ngoài ra, còn có các loại đồ ăn cay. Chúng cũng có thể gây kích ứng da và mất nước.
Điều trị: Loại khỏi thực đơn một số thực phẩm mặn trong một thời gian và để cho đôi môi lành lại bằng cách sử dụng son dưỡng môi có chứa parafin.
2. Thói quen liếm môi nhiều lần
Đây có lẽ là điều tồi tệ nhất bạn có thể làm khiến môi khô. Nước bọt chứa các enzyme có nhiệm vụ phân giải chất béo, protein và carbohydrate – cũng chính là thành phần của môi. Bạn thực sự tiêu hóa đôi môi của mình khi liên tục liếm môi.
Điều trị: Luôn mang theo một loại son dưỡng ẩm môi (trong túi xách, túi đồ tập gym…) để thay vì liếm môi, hãy tô bằng son dưỡng.
3. Không thoa kem chống nắng cho môi
Luôn nhớ rằng: Đôi môi vốn đã không có lớp da trên cùng có khả năng chống tia cực tím. Vì vậy, nếu bạn ra ngoài nắng mà không có son dưỡng môi SPF, rất có thể da trên môi sẽ bị bong tróc. Ánh nắng mặt trời làm da mất nước và khiến các vùng vốn đã khô lại càng khô thêm. Ngoài ra, tình trạng viêm do cháy nắng có thể làm môi bong tróc.
Điều trị: Bạn có thể dựa vào một số biện pháp chữa cháy nắng điển hình cho đôi môi nứt nẻ. Ví dụ: thoa lô hội và thuốc chống viêm như Advil hoặc Motrin.
4. Thuốc bạn đang dùng làm khô môi
Một số loại thuốc có thể dễ dàng gây khô môi, bong tróc. Đây là phàn nàn thường thấy ở nhiều người sử dụng thuốc trị mụn.
Điều trị: Đầu tiên, hãy tham vấn bác sĩ về việc liệu loại thuốc bạn đang dùng có thể gây khô môi không. Nếu đúng vậy và bạn lại không thể sớm ngừng thuốc, hãy thường xuyên thoa son dưỡng ẩm để chống lại tác dụng phụ của thuốc. Nếu tình trạng bong tróc trở nên nghiêm trọng hơn, hãy đi khám để đảm bảo bạn không bị dị ứng với một trong các thành phần thuốc.
Nên thoa son dưỡng môi bao lâu/lần?
Bất cứ khi nào muốn liếm hay bóc lớp da bị bong tróc trên môi, hãy thoa kem dưỡng. Vào buổi tối, bạn nên thoa kem dưỡng ẩm môi dày trước khi đi ngủ. Điều này đặc biệt quan trọng đối với người thở bằng miệng hoặc những người ngủ hay mở miệng. Do không khí đi qua miệng sẽ làm khô môi. Và chúng ta cũng mất rất nhiều độ ẩm khi ngủ. Ngoài ra, chuyên gia da liễu cũng khuyên bạn nên dùng máy tạo độ ẩm đặt bên cạnh giường để đưa thêm độ ẩm vào không khí trong khi ngủ.
Có nên tẩy tế bào chết cho môi?
Tẩy tế bào chết cho môi và chải môi dường như đang là mốt. Nhưng có rất nhiều lý do để không làm như vậy. Bởi việc đó chỉ càng làm khô môi mà thôi. Môi không có lỗ chân lông, vì vậy bạn không cần phải tẩy tế bào chết cho môi. Trong khi đó, thực hiện một vài thao tác dưỡng ẩm môi mang lại nhiều lợi ích.
Theo WomenHealth