Mở tiệm sửa đồ thuê vì nghỉ hưu... quá rảnh: Bà ngoại kiếm đủ tiền điện nước, còn cho cháu được bịch bỉm hộp sữa
Ban đầu chỉ là sửa quần áo cho con gái, sau 1 thời gian cô Ánh mới sửa đồ thuê cho hàng xóm ở chung cư.
Cô Ánh (sinh năm 1959) hiện đang sinh sống tại một dự án chung cư ở quận Thanh Xuân, Hà Nội tâm sự: "Nghỉ hưu rồi phải kiếm việc mà làm chứ không thì chán chết".
Trước đây hồi mới nghỉ hưu, cô Ánh sang nhà con gái, phụ con gái chăm cháu nhỏ mới sinh. Đến khi cháu đủ tuổi đi nhà trẻ, cô Ánh buồn miên man, thở dài thườn thượt cả ngày vì chẳng biết làm gì. Thấy mẹ như vậy, con gái cô mới lôi ra cả đống đồ nhờ cô sửa.
Ban đầu cô Ánh chỉ sửa quần áo cho con gái, khi thì thay cái khóa, lúc lại lên gấu, bóp eo. Sau đó, nhờ con gái động viên, cô mới mở tiệm sửa đồ thuê ở khu chung cư.

Tháng kiếm đôi triệu đủ trả tiền điện nước, còn dư thì cho cháu mua bỉm sữa
Vợ chồng cô Ánh đều có lương hưu, nên thực ra cô sửa quần áo thuê ở chung cư vì... vui là chính.
"Đây là con gái cô động viên cô làm vì nó bảo con thấy mẹ sửa ok đấy. Cô cứ nghĩ chắc chẳng ai gửi đồ để sửa nhưng hóa ra cũng lắm người giống con cô. Các cháu giờ toàn mua đồ trên mạng là chính, nên lắm lúc không vừa, dài chỗ nọ rộng chỗ kia nên gần như ngày nào cô cũng luôn tay luôn chân" - Cô Ánh chia sẻ.
Khoảng 2 tháng đầu khi mới mở tiệm sửa đồ thuê này, cô Ánh cho biết lượng khách cũng không đông lắm, cả tháng chắc được khoảng 12-15 người. Nhưng càng ngày, mọi người càng mang đồ gửi cô sửa nhiều hơn, một phần cũng vì "con gái cô chịu khó quảng cáo giúp mẹ trong group của chung cư". Có cả những khách không ở trong khu chung cư của cô cũng nhờ người quen mang tới nhờ cô sửa đồ.

"Ban đầu cô cũng thắc mắc là sao lắm khách không phải là cư dân khu mình gửi đồ sửa thế. Xong con gái cô nó mới bảo là giờ tìm tiệm may, tiệm sửa đồ khó lắm mẹ ạ, chẳng có mấy người làm nữa. Hôm sau cô đi chợ, cô để ý thì thấy đúng là thế thật. Cô đi dọc cả cái đường khu cô, không thấy có tiệm sửa đồ nào. Ra là vì thế nên cô mới đông khách.
Nhưng cô cũng có tuổi rồi, ngồi lâu là cô đau lưng nên cũng không làm được nhiều, khách gửi sửa cũng phải đợi tầm 2 ngày cô mới trả, chứ đòi nhanh thì cô không nhận" - Cô Ánh vừa cười, vừa kể và tiết lộ thu nhập từ công việc này cũng đủ để cô chú trả tiền điện nước, và cho thêm cháu ngoại một ít tiền sữa bỉm.
Trung bình mỗi ngày, cô ánh sửa được khoảng 10-12 cái áo cái quần. "Chiếc cần câu cơm" của cô Ánh vẫn là loại máy may bàn đạp ngày xưa. Cô bảo con cô cũng muốn mua cho mẹ cái máy may điện nhưng cô chê, kêu không quen khó dùng.
"Cái khó" của người nghỉ hưu khi sống ở thành phố
Kể từ ngày mở tiệm sửa đồ thuê này, cô Ánh thấy vui khỏe hẳn ra. Cô cho biết trước đây cô chú đều làm cán bộ, ban ngày tới cơ quan đi làm, tối về thì nấu cơm ăn uống, chăm sóc con cái, sau này là chăm sóc các cháu. Nếp sinh hoạt của cô chú đã duy trì như thế suốt cả mấy chục năm rồi, nên tới khi nghỉ hưu, quả thực cô chú rất buồn.
"Chú nhà cô thì đỡ vì ông ấy thích chơi cờ, cũng hay đi chơi cờ với mấy ông bạn ở cơ quan cũ lắm. Chứ còn cô mới chán. Chồng thì đi chơi, con thì đi làm, cháu thì đi học, cô ở nhà cứ quanh ra quẩn vào không biết làm gì. Như các bà ở quê thì còn có mảnh đất trống mà trồng rau nuôi gà chứ như nhà cô thì có 4 cái bức tường, chẳng làm gì được. May mà con gái cô nghĩ ra được việc để cho cô làm, chứ không thì cô là cô cũng tính đi làm giúp việc thuê rồi đấy" - Cô Ánh thủ thỉ.

Hiện tại, một ngày hưu trí của cô Ánh khá bận rộn nhưng cô lại rất vui. Sáng nào cô cũng dậy từ khoảng 5 giờ, đi ra chợ mua hoa quả, thịt thà, đồ ăn sáng. Đến khoảng 8 giờ, cô ngồi sửa đồ cho khách. 10h30 đứng dậy nấu cơm trưa, ăn uống xong xuôi đi ngủ 1 giấc đến khoảng 14 giờ, rồi lại tiếp tục sửa quần áo cho khách đến tầm 17 giờ là đi nấu bữa tối.
Riêng buổi tối thì cô chú sẽ ngồi xem phim hoặc sang nhà con gái chơi với cháu chứ không làm việc.
"Chú nhà cô thì sáng chiều đều đi đánh cờ cả, gọi về ăn cơm có hôm còn bảo "nốt ván" làm cô phải chờ. Nhưng cô cũng kệ, chẳng có mắng mỏ hằn học làm gì, vì cái tuổi này rồi phải có thú vui thì mới sống được chứ không thì chán lắm. Con cô thi thoảng cũng mắng đùa bố nó là ông chẳng chịu giúp bà, cứ đi chơi suốt ngày. Cô chỉ cười bảo có xin làm chưa chắc cô cho làm, vì ông ấy nấu dở với cái chính là cô luôn tay luôn chân cũng quen rồi" - Cô Ánh bộc bạch.