Mẹ trẻ "buông" con từ 9 tháng tuổi để khởi nghiệp: "Đừng bao giờ nghĩ rằng làm mẹ thì phải hy sinh vì con!"

Lan Phương - Ảnh: NVCC,
Chia sẻ

Chủ động hoàn toàn quỹ thời gian của mình để có thể ở bên con và gia đình bất cứ khi nào. Không phụ thuộc vào người giúp việc. Tin rằng chỉ người mẹ hạnh phúc mới có thể làm con hạnh phúc. Và một người chồng luôn ủng hộ trên mọi hành trình. Đó là những gì đưa đến quyết định “khởi nghiệp” (start-up) của Phương Minh, mẹ bé Siêu Nhân.

Cùng mẹ “khởi nghiệp”: Đừng nghĩ rằng làm mẹ thì phải hy sinh vì con!
 

Nguyễn Phương Minh

Sinh năm 1987.

Thạc sĩ Tài chính đầu tư tại IAE Gustave Eiffel Paris.

Công việc hiện tại: Start-up dịch vụ cung cấp thực phẩm an toàn cho mẹ bầu.

Công việc trọn đời: Mẹ bé Siêu Nhân.

Cho con đi học từ 12 tháng để start-up

Quyết định khởi động start-up dịch vụ cung cấp thức uống và thức ăn chế biến sạch và an toàn cho các “mẹ bầu” khi bé Siêu Nhân mới 9 tháng tuổi, Minh phải nghe không ít lời trách móc về việc “coi trọng sự nghiệp hơn con cái”, không biết nghĩ cho con. Những lời bàn ra tán vào càng nhiều hơn khi Minh quyết định cho con đi học khi tròn 12 tháng và bắt đầu tập trung vào công việc một cách nghiêm túc.

“Mình không coi việc con đi học để mẹ đi làm nghĩa là con phải hy sinh một phần lợi ích vì mẹ. Mình cho con đi học trước hết là vì con, vì mình thấy 12 tháng là thời điểm thích hợp để con bắt đầu những trải nghiệm với môi trường bên ngoài. Một đến ba tuổi là khoảng thời gian trẻ định hình tính cách, khi còn du học ở Pháp, mình thấy bố mẹ có con nhỏ rất nhàn vì các bé sớm đi học, biết độc lập tự lo. Quan điểm của họ là để trẻ con tự phát triển bản ngã của mình. Sự chăm sóc quá mức của gia đình ngược lại có thể hạn chế trẻ phát triển tối ưu", bà mẹ trẻ tâm sự.

Minh cho rằng chính cái suy nghĩ “Vì con mà mẹ hy sinh mong muốn của bản thân mình” mới là không công bằng với con. “Mình từng gặp nhiều phụ nữ toàn tâm toàn ý lo cho gia đình và mình tin rằng họ cũng vui vì điều đó. Nhưng thi thoảng họ vẫn tỏ ra tiếc nuối khi thấy bạn bè mình thành đạt hơn, có thành tựu sự nghiệp. Và vì cảm thấy mình hy sinh cho con nên họ cũng dành quá nhiều kỳ vọng với con cái. Điều này vô tình trở thành áp lực cho con. Mình không muốn con mình sau này cũng có cảm giác đó. Mình muốn con thoải mái lựa chọn cuộc sống của con".

Cùng mẹ “khởi nghiệp”: Đừng nghĩ rằng làm mẹ thì phải hy sinh vì con!

Ý tưởng start-up từ chính trải nghiệm mang bầu

Minh thường chế biến sản phẩm buổi tối rồi bảo quản lạnh, đóng gói giao hàng lúc sáng sớm. Trước khi đưa con đến ngôi trường gần nhà, Minh dành thời gian chơi đùa với con, để con đến trường trong tâm trạng vui vẻ.

Dù đi học nhưng bé Siêu Nhân vẫn được uống sữa mẹ hoàn toàn. Sau khi đưa con đi học, Minh làm các công việc bình thường rồi hút sữa và trở lại trường lúc 10h rưỡi sáng đưa sữa cho con. Minh thường đón con sớm vào lúc 4h rưỡi để tranh thủ nói chuyện với cô giáo, trao đổi thông tin của con. Quan điểm của Minh là không ở bên con mọi lúc mọi nơi nhưng đúng thời điểm để đảm bảo những khâu chăm sóc quan trọng nhất.

Có bằng Thạc sĩ Tài chính đầu tư tại Pháp, Minh từng làm việc trong nhiều doanh nghiệp từ quy mô vừa và nhỏ đến những tập đoàn xuyên quốc gia. Nhưng sự bó buộc của công việc văn phòng 8 tiếng/ ngày với những nội dung công việc lặp lại, ít cơ hội tiếp xúc với các lĩnh vực mới đã khiến Minh quyết tâm về nước và bắt đầu với những dự án của riêng mình.

Mẹ trẻ

Cùng mẹ “khởi nghiệp”: Đừng nghĩ rằng làm mẹ thì phải hy sinh vì con!
Quyết định khởi nghiệp khi con mới 9 tháng tuổi, Phương Minh đã phải vượt qua rất nhiều phản ứng trái chiều.

Cùng mẹ “khởi nghiệp”: Đừng nghĩ rằng làm mẹ thì phải hy sinh vì con!
Phương Minh may mắn được chồng ủng hộ trên hành trình khởi nghiệp.

Dự án start-up bắt nguồn từ những trải nghiệm của chính Minh trong giai đoạn mang bầu bé Siêu Nhân. “Khi mang bầu, mình cũng như các mẹ luôn rất thận trọng khi lựa chọn đồ ăn thức uống để đảm bảo đủ chất mà an toàn, không ảnh hưởng đến con. Mình không dám mua đồ uống ở ngoài vì không sạch mà lại nhiều đường. Khi đó mình bắt đầu tham gia vào các hội nhóm thực phẩm sạch, nói chuyện trực tiếp với những người cung cấp để thẩm định.

Nhưng để chế biến những loại đồ uống bổ dưỡng như sữa ngũ cốc rất cầu kỳ, đòi hỏi nhiều công sức và mất thời gian trong khi lúc bầu bì rất mệt mỏi lại không có người hỗ trợ. Vì thế mình đã nảy ra ý tưởng về Momi và dự định khi con cứng cáp sẽ bắt tay thực hiện”.

Cùng mẹ “khởi nghiệp”: Đừng nghĩ rằng làm mẹ thì phải hy sinh vì con!

Khi bày tỏ ý tưởng này với gia đình, ông xã của Minh lập tức ủng hộ và cùng Minh lên kế hoạch từng bước. Bố mẹ Minh dù chưa tin tưởng lắm vào dự án nhưng vẫn ủng hộ, hỗ trợ chăm sóc bé để Minh tập trung làm việc.

Khi bé Siêu Nhân được 9 tháng, tranh thủ những lúc con ngủ và chơi với ông bà, Minh bắt tay nghiên cứu các công thức chế biến các loại thức uống phù hợp với mẹ bầu như các loại sữa hạt: Sữa gạo lứt, sữa kê yến mạch, sữa hạnh nhân yến mạch, sữa mè đen, sữa đậu nành hữu cơ không biến đổi gien...; các loại sữa từ rau củ quả như sữa bí đỏ cốt dừa, sữa khoai lang tím mật ong...; các sinh tố dinh dưỡng từ chanh leo, thanh long, dưa hấu...

Menu được xây dựng dựa trên tiêu chí ngon nhưng an toàn. Ví dụ thay vì trà sữa Thái gây kích thích cho thai nhi và căng thẳng thần kinh, Minh chế ra trà sữa gạo lứt. Minh chú ý đến hàm lượng đường tổng thể để đồ uống không quá ngọt, tiềm ẩn nguy cơ tiểu đường thai kỳ, lựa chọn các nguyên liệu có thành phần giúp phát triển trí não cho thai nhi.

“Mình muốn làm việc với những phụ nữ đã làm mẹ bởi họ nhận thức rõ nhất vấn đề thực phẩm cho mẹ bầu, có nhiều tâm huyết và trải nghiệm”, bà mẹ một con chia sẻ.

Muốn cộng tác cùng những phụ nữ đã làm mẹ

“Mình vẫn đang tự tay thực hiện các đơn đặt hàng vì muốn chọn người kỹ càng. Làm thực phẩm không đùa được, nhất là lại phục vụ các mẹ bầu. Sữa ngũ cốc giàu chất đạm lại rất dễ hỏng, chỉ một sai sót nhỏ trong khâu chế biến, bảo quản cũng có thể ảnh hưởng đến chất lượng".

Mẹ trẻ

Cùng mẹ “khởi nghiệp”: Đừng nghĩ rằng làm mẹ thì phải hy sinh vì con!
Dù khởi nghiệp khó khăn nhưng Phương Minh vẫn không lùi bước mà luôn lạc quan và biến nó thành động lực để cố gắng hơn.

Minh chia sẻ về “tai nạn nghề nghiệp” đầu tiên: “Mình từng gặp sự cố ngay trong ngày chính thức khai trương, nhà mất nước, phải dùng nước đóng bình thay thế nước đun sôi để nguội. Rồi vì phải đưa con đến bệnh viện cấp cứu, mình phải nhờ người nhà canh sữa nguội cất vào tủ lạnh. Nhưng sau đó có mẹ phản ánh là lô sữa hạnh nhân yến mạch có mùi lạ, mình phải tức tốc thu hồi toàn bộ sản phẩm và xin lỗi từng người. Sau lần đó, mình luôn cẩn trọng kiểm soát tất cả các bước và chỉ giao lại việc chế biến khi tìm được người có kiến thức trong lĩnh vực này và đủ tin cậy".

Để mở rộng dịch vụ, Minh đang tích cực gặp gỡ và kết nối với các đối tác, tuyển nhân sự. “Mình hạnh phúc vì hoàn toàn chủ động được cuộc sống của mình. Không như khi còn đi làm cho các công ty, đôi lúc phải làm trái mong muốn của mình, giờ mình làm chủ, dù có thể ít tiền nhưng làm việc đúng với trách nhiệm và lương tâm, không phải day dứt. Mình muốn con lớn lên chứng kiến mẹ đã cố gắng tạo dựng một điều gì đó có ý nghĩa thay vì thỏa hiệp với những lựa chọn dễ dãi", Minh tự hào nói.

Chia sẻ