"Mẹ ơi sao lại là CON ĐƯỜNG MÁU?" - Khoảnh khắc khiến tôi rơi nước mắt và bài học yêu nước đầu đời của con
Tôi là một người mẹ 37 tuổi sống tại Hà Nội, và giống như nhiều phụ huynh khác, tôi luôn trăn trở về việc làm sao để dạy con hiểu và trân trọng lịch sử dân tộc.

Bảo tàng Đường Hồ Chí Minh, Km 15, Quốc Lộ 6, Phường Yên Nghĩa, Quận Hà Đông, Hà Nội.
Một ngày cuối tuần, tôi quyết định đưa các con đến thăm Bảo tàng Đường Hồ Chí Minh, nơi chỉ cách trung tâm Hà Nội hơn 10km. Chuyến đi hôm đó đã trở thành một trải nghiệm sâu sắc không chỉ với con gái, mà ngay cả với tôi.
Từ nhỏ, tôi đã quen nghe ông bà kể chuyện đường Trường Sơn – con đường huyền thoại của dân tộc, nơi in dấu những bước chân máu lửa của hàng vạn người lính. Nhưng khi nhìn thấy tận mắt những hiện vật, những bức tượng, bức ảnh tại bảo tàng, tôi mới thực sự cảm nhận rõ ràng sự hy sinh lớn lao của họ.
"Mẹ ơi, tại sao lại là CON ĐƯỜNG MÁU?" – Câu hỏi của con bỗng khiến tôi rưng rưng nơi khóe mắt.
Tôi chỉ vào các hiện vật, kể cho con nghe về những đoàn quân đã xẻ núi, băng rừng, đổ biết bao máu để mở đường cho độc lập. Những người lính, người dân bình thường mang dép cao su, vác gạo, đẩy xe thồ, gùi từng hộp thuốc, từng khẩu súng, từng vốc muối... vượt ngàn cây số chỉ với khát vọng cháy bỏng: Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Nơi ôm ấp những hiện vật quý giá về một thời "xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước"
Bảo tàng Đường Hồ Chí Minh, nằm tại phường Yên Nghĩa, Hà Đông, Hà Nội, là một nơi mà tôi luôn muốn quay lại. Nơi đây, với khuôn viên rộng 28.000m² và diện tích trưng bày trong nhà là 2.700m², lưu giữ hàng ngàn hiện vật quý giá từ thời kỳ chiến tranh. Khi bước vào bảo tàng, tôi như được quay trở về những năm tháng hào hùng nhưng cũng đầy gian khổ của dân tộc.
Ngay ở cổng vào, tôi đã bắt gặp câu thơ trích trong bài thơ "Theo chân Bác" của Tố Hữu: "Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước". Câu thơ ấy như một lời nhắc nhở về tinh thần quyết tâm của cha ông ta trong cuộc chiến đấu vì độc lập, tự do. Bên trái là tượng đài Chiến sĩ Trường Sơn, bên phải là dãy nhà trưng bày xe cơ giới phục vụ trong chiến tranh.

Bên trong bảo tàng, bé nhà tôi reo lên khi nhận ra Bác Hồ. Bức tượng đồng ghi lại hình ảnh Bác và các chiến sĩ cùng nhau nhìn về phía trước, các chiến sĩ lắng nghe lời Bác dạy. Hình ảnh ấy gợi nhớ đến bài hát "Đêm Trường Sơn nhớ Bác" của Trần Chung và Nguyễn Trung Thu: "Đường Trường Sơn mang bóng hình của Bác, đường Trường Sơn chúng cháu dồn chân bước, con đường của Bác đã đi qua...". Bác Hồ, người lãnh tụ vĩ đại của dân tộc, là nguồn cảm hứng, là điểm tựa niềm tin cho tất cả các chiến sĩ Trường Sơn.

Con tôi cũng được biết đến Trung Tướng Đồng Sỹ Nguyên, nguyên Tư lệnh Bộ đội Trường Sơn, qua bức tượng đồng của ông. Ông là một người con sinh ra ở đất Quảng Bình, gia nhập Đảng Cộng sản Đông Dương khi mới 15 tuổi, và là một trong những người có vai trò quan trọng trong việc xây dựng Đường mòn Hồ Chí Minh – một con đường vận tải chiến lược có một không hai trên thế giới, với gần 17.000 km chiều dài, 3.000 km đường giao liên, đi qua cả nước bạn Lào và Campuchia.
Khi đi sâu vào các gian trưng bày ở tầng 1 và tầng 2, tôi không khỏi xúc động trước những hiện vật được lưu giữ. Từ đôi dép cao su, chiếc radio, chiếc thuyền thúng, dao, cuốc, liềm, gùi, giỏ, đến những vũ khí như súng ống, đạn dược, pháo, tên lửa... Mỗi hiện vật đều kể một câu chuyện về sự hy sinh, về lòng dũng cảm của các chiến sĩ.
Tôi đặc biệt ấn tượng với hình ảnh các chiến sĩ mở đường, lái xe, vận chuyển lương thực, vũ khí cho cuộc chiến. Tôi nhận ra rằng, để có được một bao gạo từ miền Bắc vào miền Nam, nuôi sống các chiến sĩ, đã phải đánh đổi bằng rất nhiều mồ hôi, nước mắt, và thậm chí là sinh mạng của biết bao người. Những hiện vật ấy khiến tôi nhớ đến bài hát "Chiếc gậy Trường Sơn" của Phạm Tuyên: "Thanh niên quê tôi làm chiếc gậy hành quân. Đặt cho tên gọi là chiếc gậy Trường Sơn. Luyện cho đôi chân vượt đường xa không mỏi. Luyện cho tinh thần mà chỉ tiến không lui".

Bức ảnh tư liệu quý giá hiện được trưng bày tại Bảo tàng Đường Hồ Chí Minh
Tôi cũng không thể quên lời thơ của Nguyễn Khoa Điềm trong bài Đất Nước:
"Có biết bao người con gái, con trai
Trong bốn ngàn lớp người giống ta lứa tuổi
Họ đã sống và chết
Giản dị và bình tâm
Không ai nhớ mặt đặt tên
Nhưng họ đã làm ra đất nước".
Những câu thơ ấy như khắc sâu trong tôi niềm tự hào và trách nhiệm với lịch sử dân tộc.
Yêu nước không tự nhiên có, yêu nước cũng cần phải học
Tôi còn nhớ, từ khi còn bé, tôi đã được cha mẹ kể cho nghe những câu chuyện về lịch sử dân tộc, về những cuộc chiến tranh khốc liệt mà ông cha ta đã phải trải qua. Những câu chuyện ấy không chỉ là những trang sử xa xôi, mà còn là những bài học về lòng yêu nước, về sự hy sinh và ý chí kiên cường. Chính vì vậy, khi tôi trở thành một người mẹ, tôi luôn mong muốn truyền lại những giá trị ấy cho con cái của mình.
Tôi thường xuyên đưa con đến các bảo tàng, nơi lưu giữ những chứng tích lịch sử, để các con có thể hiểu rõ hơn về quê hương, đất nước. Tôi tin rằng, việc này không chỉ giúp các con trân trọng những gian khó mà thế hệ đi trước đã phải trải qua, mà còn hình thành trong các con lòng yêu nước và trách nhiệm với Tổ quốc.

Đến thăm bảo tàng, các em học sinh được nghe về lịch sử đầy tự hào của dân tộc.
Chị Phương Thảo (Cầu Giấy) - một người mẹ cũng đưa con tới bảo tàng mà tôi gặp hôm cuối tuần chia sẻ: "Yêu nước ở trong tim, nhưng vẫn cần phải thể hiện ra để lan tỏa đến những người khác, khi mọi người cùng có chung một lòng yêu nước thì sức mạnh đoàn kết mới được phát huy hết, mới xứng đáng với những gì Bác đã dạy. Còn nếu mình không nói, không thể hiện ra thì ai biết được đâu". Tôi hoàn toàn đồng ý với quan điểm này. Tình yêu nước không chỉ là cảm xúc, mà còn là hành động, là khát vọng cống hiến cho quê hương.
Tôi cũng gặp chị Nguyễn Hiền (Hà Đông), người đang tất bật chỉnh trang quần áo cho các con chụp ảnh, hôm nay 2 bé nhà chị "cosplay" thành chú bộ đội - tôi và mấy đứa trẻ cũng rất thích concept này. Chị Hiền tâm sự: "Mình rất thích cho các con tìm hiểu lịch sử cũng như muốn lưu giữ cho các bé những bức ảnh đẹp. Muốn các con được khoác lên người bộ quân phục, để thấy được bộ quần áo rất đẹp và có ý nghĩa như thế nào, bé lớn nhà mình rất thích khi thấy mẹ mặc quân phục nên con đã ước mơ lớn lên con làm bác sĩ quân y". Nghe những lời ấy, tôi càng thêm quyết tâm tạo điều kiện cho con mình trải nghiệm, tìm hiểu và học hỏi về lịch sử từ khi còn nhỏ, để các con hiểu được ý nghĩa của yêu nước.

Hành trang trưởng thành của thế hệ trẻ
Không chỉ tôi và các bậc phụ huynh khác, mà chính các em học sinh cũng rất hào hứng khi đến với bảo tàng. Tôi đã chứng kiến cảnh các em say mê lắng nghe hướng dẫn viên kể về những câu chuyện lịch sử, về những hy sinh của cha ông. Các em không chỉ học được kiến thức, mà còn được hun đúc tinh thần yêu nước, ý thức trách nhiệm với đất nước.
Chị Thanh Thủy, Giáo vụ của Trung tâm Chính trị huyện Chương Mỹ, Hà Nội, chia sẻ rằng, mỗi năm, trung tâm đều tổ chức cho các em học sinh có thành tích xuất sắc khi tham gia lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng tại trung tâm, đến tham quan Bảo tàng Đường Hồ Chí Minh. Đặc biệt, các em thường được đến đây vào tháng 4, gần ngày 30/4, để tưởng nhớ ngày Giải phóng Miền Nam, thống nhất Đất Nước – một ngày lễ đặc biệt quan trọng và có ý nghĩa lớn đối với dân tộc.

Tôi cũng đã gặp Hương Giang, một học sinh lớp 11 từ trường Trung học phổ thông Xuân Mai. Em chia sẻ: "Con rất thích đến tham quan các bảo tàng vì khi đến đây, con biết nhiều ý nghĩa lịch sử của nước Việt Nam mình hơn, cảm thấy bản thân cần phải trân trọng, giữ gìn và phát huy các truyền thống tốt đẹp của dân tộc". Những lời nói của em khiến tôi cảm thấy ấm lòng, bởi tôi biết rằng, thế hệ trẻ ngày nay vẫn đang tiếp nối truyền thống yêu nước của cha ông.
Sau khi tham quan bảo tàng, tôi ra về với một cảm xúc khó tả. Tôi như nghe thấy giai điệu ngân nga của câu thơ:
"Con ơi, Tổ quốc trong tim
Là từng hơi thở, là kim chỉ đường".
Tôi nhận ra rằng, tình yêu nước không chỉ là những lời nói suông, mà còn là hành động, là sự cống hiến cho quê hương.
Bảo tàng Đường Hồ Chí Minh không chỉ là một nơi lưu giữ ký ức, mà còn là một trường học về lịch sử, về lòng yêu nước. Tôi hy vọng rằng, thế hệ trẻ ngày nay sẽ tiếp tục đến đây, để hiểu hơn về quá khứ, để trân trọng hiện tại, và để xây dựng một tương lai tươi sáng cho đất nước.
Thông tin về bảo tàng
Địa chỉ: Km 15, Quốc Lộ 6, Phường Yên Nghĩa, Quận Hà Đông, Hà Nội.
Giá vé: 15.000 đồng/người
Thời gian mở cửa: Sáng từ 7h30 đến 11h30, chiều từ 13h30 đến 16h30, các ngày trong tuần.
Lịch sử xây dựng: Được khởi công tháng 12/1996, hoàn thành tháng 4/1998, nâng cấp năm 2016 với thêm nhà trưng bày chuyên đề và bia đá ghi danh gần 20.000 anh hùng liệt sĩ Trường Sơn.