Mẹ chồng xỉa xói "không biết giống đâu suốt ngày ốm", tôi đáp trả khiến bà cứng họng
Những gì tốt đẹp của con tôi thì mẹ chồng nhận là "giống nhà bà", còn điều gì xấu bà đổ hết lên đầu tôi.
Những ngày đầu mới về làm dâu, tôi có mối quan hệ tốt đẹp với mẹ chồng. Tuy nhiên, mâu thuẫn bắt đầu xảy ra kể từ khi tôi mang thai.
Do thể chất từ nhỏ đã yếu đuối, nên khi mang bầu được 5 tháng thì tôi xin nghỉ ở nhà để dưỡng thai. Mẹ chồng chẳng những không thông cảm mà bà còn thường xuyên "nói mát". Tới bữa cơm, bà gắp thức ăn cho chồng và con trai rồi quay qua tôi bảo: "Ở nhà không làm việc gì thì chắc cũng không đói đâu nhỉ, ăn ít thôi không lại béo ra".
Đồ ăn chồng tôi mua để đầy tủ lạnh. Anh mua về cho vợ tẩm bổ. Trước mặt con trai, mẹ chồng luôn ra vẻ quan tâm con dâu. Bà bảo tôi lấy cái này mà ăn, lấy cái kia mà uống cho cháu bà phát triển tốt. Nhưng sau lưng anh, mẹ chồng lại chì chiết tôi "biết ăn mà không biết ngại", "nhìn chồng đi làm ngày ngày vất vả thế mà không thương"... Cuối cùng tôi chẳng dám động vào những thứ anh mua. Thi thoảng mẹ chồng đi chợ hoặc sang hàng xóm buôn chuyện, tôi mới lén ra ngoài mua đồ ăn để cho đỡ cơn nghén.
Khi con trai chào đời, mâu thuẫn giữa tôi và mẹ chồng càng bị đẩy lên cao. Mẹ chồng luôn nhận những điều tốt đẹp của cháu trai về nhà mình. Còn những điều xấu mà đẩy hết sang cho tôi. Chẳng hạn như mẹ chồng hay nói: "Tóc rậm, da trắng giống y xì thằng bố này, còn cái mũi tẹt đích thị là của mẹ Nga rồi. Chả lẫn đi đâu được". Mẹ chồng nói mà chẳng suy nghĩ. Mũi tôi cao, thẳng, trước giờ vẫn là niềm tự hào của tôi. Chính mũi của bà vừa gãy vừa tẹt mới đúng!
Rồi có hàng nghìn những bất đồng quan điểm khác giữa tôi và mẹ chồng trong việc nuôi con. Bà thường nuôi cháu theo kiểu kinh nghiệm từ xưa, còn tôi thì muốn nuôi con theo những kiến thức khoa học mình đã học hỏi được. Ví dụ như mẹ chồng thích cho cháu ở truồng để mát mẻ. Mấy bịch bỉm tôi mua về, bà đều không dùng, thành ra bị chật. Khi thấy tôi đóng bỉm cho con thì mẹ chồng nguýt dài. Bà cảnh cáo, nếu cháu bị hăm bẹn là do tôi.
Rồi cơm cữ của tôi quanh đi quẩn lại cũng chỉ có trứng luộc, rau ngót luộc. Thi thoảng bà nấu cho bữa thịt kho. Ăn như thế thành ra tôi không có sữa, con trai cũng không được phổng phao. Mẹ chồng lại đổ cho tôi "ăn nhiều mà chỉ vào mẹ, chẳng được tích sự gì".
Bực nhất là cháu mới được hơn 4 tháng, có biểu hiện tóp tép miệng thèm ăn. Thế là mẹ chồng ăn cái gì cũng tiện tay đưa cho cháu. Tôi ngăn lại, bảo cháu chưa đủ tuổi để ăn dặm thì bà bĩu môi: "Ôi dào, ngày xưa tao nuôi thằng Khánh như thế có sao đâu. Lớn như thổi". Để trêu ngươi tôi, bà còn nhai nhai trong miệng rồi mớm cho cháu. Tôi nói như thế rất mất vệ sinh, cháu có thể dễ lây bệnh từ người lớn. Thế là mẹ chồng khóc bù lu bù loa lên, nói rằng con dâu mất dạy, bảo mẹ chồng là mầm bệnh!
Hôm qua, con tôi đi tiêm phòng về bị sốt. Bé khóc quấy cả đêm. Mẹ chồng chẳng xuống giúp tôi bế cháu thì thôi, bà cứ ngồi trên phòng mắng vọng xuống, nói rằng tôi không biết dỗ dành con.
Sáng nay, bé sốt cao quá, tôi lo lắng nên bế con đi viện. Vừa ra đến cửa thì mẹ chồng xỉa xói: "Không biết cái giống ở đâu mà suốt ngày ốm yếu. Chứ nhà này trước nay con cái đều khỏe mạnh, chả làm sao hết".
Cả đêm trông con mệt mỏi, tôi đã định nín nhịn không chấp mẹ chồng rồi. Nhưng bà càng được thể lấn tới. Mẹ chồng bĩu môi nói thêm 1 câu: "Biết thế ngày xưa lúc thằng Khánh lấy vợ, tôi phải can thiệp mới đúng. Lấy đứa ốm yếu thì con cũng suốt ngày đi viện thôi".
Tôi bực quá, quay lại nói thẳng vào mặt mẹ chồng: "Thế mà bà nội của anh Khánh kể, ngày xưa anh ấy cũng còi cọc, yếu đuối lắm. 1 tháng ốm 3 trận nặng 5 trận nhẹ... Như thế chắc cũng không phải giống nhà này mẹ nhỉ?".
Mẹ chồng nghe thế thì giận sôi máu, không nói thêm được câu nào. Đã thế bà con bị bố chồng tôi mắng: "Cái bà này hay thật. Trẻ con mọc răng rồi đi tiêm về kiểu gì nó chả sốt 1-2 hôm. Bà mà chăm con giỏi thì thằng Khánh ngày bé đã không bị suy dinh dưỡng...".
Câu nói của bố chồng khiến mẹ chồng càng thêm bẽ mặt, cứng họng không nói thêm được. Tôi thì kệ, lên luôn taxi để đưa con đến bệnh viện. Ngày mai con được ra viện, chắc tôi phải xin về ngoại 1 thời gian cho đỡ stress với mẹ chồng "trái khoáy" này.