Mẹ chồng 'chuẩn 10' chăm lo từng tí, con dâu sống cùng cảm giác như thiên đường
Đôi khi chị vẫn nghĩ, không biết kiếp trước mình tích đức được nhiều thế nào mà kiếp này gặp được người mẹ chồng tâm lý và phúc hậu đến thế.
Khác với những cô con dâu khác thường hay than vãn về mẹ chồng, chị Thanh Thanh (Hà Nội) chia sẻ trên một diễn đàn về người mẹ chồng tuyệt vời không kể đâu cho hết, khiến chị cảm kích và luôn yêu thương, kính trọng rất nhiều.
Chị kể, mẹ chồng chị vốn gốc Hà Nội. Bố chồng chị ra đi đột ngột khi mẹ mới 39 tuổi và từ đấy, một mình mẹ tảo tần nuôi hai người con trai ăn học thành người. Đến khi chị về làm dâu, càng cảm nhận được nhiều hơn về tấm lòng bao dung của mẹ chồng.
Mẹ chồng quan tâm chị Thanh từng chút một. Dù chị nấu ăn rất vụng, mẹ chồng cũng không nửa lời trách mắng, cứ cần mẫn, nhẹ nhàng dạy chị từng chút một:"Chưa biết thì học con ạ! Không có gì mà ngại mà sợ, làm dần sẽ quen tay. Cứ nhìn mẹ hướng dẫn nha!". Và nhờ vậy, nay chị đã có thể tự mình bày biện những mâm cơm đầy đủ dưỡng chất, lại trang trí màu sắc rất bắt mắt cho cả nhà.
Đêm đêm, bà vẫn cần mẫn ngồi cắt vải may váy cho con dâu.
Mẹ chồng cũng chẳng hề đặt nặng vấn đề phải đẻ cháu trai, cháu gái dù chồng chị là con trưởng trong gia đình:"Con nào cũng quý, cháu nào cũng yêu. Có là tốt lắm rồi!". Ngay khi biết tin chị có bầu, bà không ngừng chia sẻ rất nhiều kiến thức, đưa ra những lời khuyên khoa học về dinh dưỡng mà bà đọc được trên mạng để con dâu biết cách chăm sóc mình tốt hơn.
Rồi cũng từ đấy, bà chăm chút từng bữa ăn, cứ nhắc con dâu ăn món nào tốt, thứ nào bổ dưỡng. Đến váy bầu mẹ chồng cũng tự mua vải về, đêm đêm ngồi đeo kính rồi cắt may cho chị Thanh. Vì trước kia bà từng học nghề may nhưng rồi không theo nghề. Những hôm chị Thanh đi làm về muộn, mẹ chồng sẽ nấu cơm sẵn, ăn xong còn sai cả con trai đi rửa bát nữa.
Có hôm, chị Thanh đọc được trên mạng, rằng nếu ăn dứa, cà, mè đen sẽ giúp dễ sinh nên về nhà nói với mẹ chồng. Vậy là từ tuần 35, mẹ chồng đã mua sẵn mè đen về cho con dâu, mỗi ngày ăn đều đặn 2 bát buổi sáng và buổi chiều. Còn dứa mỗi ngày bà lại mua một quả để sẵn trong tủ lạnh, không quên cả món cà mỗi tuần 3-4 bữa xuất hiện trong mâm cơm. Rồi bà lại còn mua lá tía tô để trong tủ vì theo kinh nghiệm dân gian, trước khi đi sinh con, uống một chai nước tía tô sẽ giúp cổ tử cung mở nhanh hơn, sinh đẻ dễ dàng hơn.
Không biết có phải nhờ những bí quyết này không mà chị Thanh sinh con rất thuận lợi, mẹ tròn con vuông khiến ai cũng vui mừng. Dù chị sinh bé gái, mẹ chồng cũng phấn khởi, tấm tắc khen ngợi. Từ mọi món bổ dưỡng như thịt gà rang, cá kho, thịt lợn kho, canh rau ngót, hoa quả… bà đều tất tả chuẩn bị rồi mang vào viện tẩm bổ cho con dâu.
Được lên chức bà nội, mẹ chồng chị Thanh lại càng chăm chỉ và nhiệt tình hơn. Bà giành làm hết việc từ tắm cho bé, giặt giũ, cơm nước, dỗ cháu… Bà không để con dâu phải làm bất cứ việc gì, kiêng cữ rất cẩn thận. Bà cũng chẳng hề áp đặt, cứ hỏi ý kiến con dâu trước mỗi bận đi chợ, thích gì thì bà sẽ mua về nấu cho.
Những chiếc váy đôi rất đẹp mà mẹ chồng chị Thanh may cho con dâu và cháu gái.
Và điều làm các mẹ "gato" nhất có lẽ là hình ảnh những cặp đầm váy mẹ chồng chị tỉ mẩn may cho con dâu và cháu. Cứ vài tuần bà lại đi chợ Đồng Xuân mua vải về, rồi cắt vải, may váy đôi cho con dâu và cháu gái. Dù chị Thanh biết, mẹ chồng bị bệnh đau lưng, nhắc bà đừng làm nữa, bà vẫn cứ khăng khăng may. Vì với bà, việc đó là niềm vui nên chẳng hề mệt nhọc gì.
Chị Thanh cảm động quá phải thốt lên: "Mẹ ơi, váy đôi bây giờ chỉ 350-400k/đôi thôi. Nhưng váy mẹ may thì vô giá vì từng đường kim mũi chỉ là tình cảm yêu thương của mẹ dành cho con và Mít. Mà tình cảm thì không bao giờ có thể quy đổi được ra tiền mặt mẹ ạ!". Nghe con dâu nói vậy, bà cũng chỉ cười rất hiền rồi lại tiếp tục công việc của mình.
Ở bên cạnh một người mẹ chồng tuyệt vời như vậy, chị Thanh luôn cảm thấy mình thật có phúc và học thêm được nhiều điều về cuộc sống, về cách đối nhân xử thế với những người xung quanh. Thi thoảng vắng mẹ chồng trong nhà, chị lại cảm thấy thiếu vắng và nhớ. Mà cái kiểu chu đáo, tận tâm lại thấu hiểu con cái như của bà, thì làm sao mà không nhớ cho được. Như có lần bà đi du lịch, còn dặn dò con dâu: "Tiền mẹ để trong túi áo, con thiếu thì lấy ra mà dùng nhé!".
Vậy nên với chị Thanh, hai chữ gia đình trở nên thiêng liêng vô cùng, dù là nhà mẹ đẻ hay là nhà mẹ chồng. Nơi nào với chị cũng là bình yên, ấm áp và đều là những nơi mà chị muốn sống trọn từng khoảnh khắc trong cuộc đời mình.