"Mẹ bế bé, bé xách hộ mẹ" là một điều đáng yêu, lém lỉnh của trẻ con mà!

Phong Linh,
Chia sẻ

Một bài đọc được cho là trích từ sách giáo khoa lớp 1 gây ra tranh cãi gay gắt từ phía các cư dân mạng. Không ít người cho rằng, tình huống đưa ra không phù hợp, không có tính giáo dục...

Thời gian vừa qua, ảnh chụp một trang sách được cho là sách giáo khoa Tiếng Việt lớp 1, trong đó, nội dung là câu chuyện “Bé xách đỡ mẹ” đã gây ra tranh cãi về nội dung, cách thức giáo dục cho trẻ. Nguyên văn bài đọc như sau:

Mẹ và bé đi chợ về. Bé đi nhanh, mẹ thì ì ạch, có vẻ vất vả lắm.

- Mẹ à, mẹ xách nặng quá hở mẹ?

- Bé có cách gì đỡ cho mẹ?

- Có cách, mẹ ạ!

- Cách gì đó bé?

- Mẹ bế bé, bé xách hộ mẹ
”.

Sau khi bức ảnh về bài đọc được chia sẻ, rất nhiều dân mạng lên án gay gắt, cho rằng, lớp 1 là nền tảng, các bài học nên được chọn lọc cũng như viết sao cho vừa trong sáng, dễ hiểu vừa mang tính giáo dục, còn nhân vật em bé trong câu chuyện trên thực ra là “khôn lỏi” vì chỉ muốn đạt mục đích của mình (được bế) mà không nghĩ đến sự vất vả của mẹ. Nhiều người cho rằng, dạy trẻ con như vậy chẳng khác nào nuôi dưỡng sự ích kỷ, vô tâm của con trẻ.

sách giáo khoa
Bài đọc trong sách giáo khoa gây tranh cãi.

Tuy nhiên, theo chiều ngược lại, không ít bà mẹ lại cho rằng, họ thấy em bé trong bài đọc đáng yêu, và “sáng kiến” của em bé khiến trái tim họ tan chảy. Nhiều bà mẹ đồng ý, đây là câu chuyện mang tính chất gây cười, thể hiện sự thông minh, lém lỉnh của em bé, dù có người cũng băn khoăn, bài đọc này để vào phần truyện cười thì phù hợp hơn một bài tiếng Việt nghiêm túc.

Chị Đỗ Quỳnh Lan, mẹ của hai em bé 5 tuổi và 2 tuổi phân tích: “Mình nghĩ câu chuyện này rất đúng với tâm lý của bé từ 3 - 4 tuổi, vì sự ngộ nghĩnh, ngây thơ của em bé. Khoảng tuổi đó, bé chưa nhận thức được nhiều, nhưng tình yêu và ý thức giúp đỡ mẹ đã rõ rồi. Con mình tầm tuổi đó cũng nói những câu tương tự. Tuy nhiên, có lẽ khi đưa vào sách giáo khoa để dạy trẻ lớp 1, câu chuyện này có thể sửa một chút, đó là bé sẽ nói: Mẹ đưa con xách giúp mẹ mớ rau hoặc để con xách cùng mẹ nhé, thì dạy thêm được rằng, bé giúp mẹ sẽ làm mẹ đỡ mệt và vui”.

Chị Nguyễn Thị Trang, mẹ của một em bé 7 tuổi thích thú chia sẻ: “Mình thích suy nghĩ này của bé. Em bé trong bài thơ rất lém lỉnh. Em bé nào cũng thích được mẹ bế, được mẹ quan tâm. Bé đề nghị như vậy cũng không có gì là “khôn lỏi” cả, mà phù hợp với suy nghĩ, tâm lý của bé. Mẹ bế bé thì mẹ với bé sẽ đi cùng nhau, mà bé xách giúp mẹ thì mẹ sẽ không phải xách nặng, đơn giản vậy thôi, chứ chưa nghĩ được rằng mẹ bế bé như vậy thì sẽ càng nặng thêm cho mẹ. Thế mới biết người lớn mình phức tạp quá!”.

Những người đồng quan điểm với chị Trang và chị Lan cho rằng, chính việc áp đặt cách nghĩ phức tạp, theo logic của người lớn trong việc phân tích một bài đọc của trẻ con mới nảy ra tranh cãi. “Đây là sách giáo khoa lớp 1 chứ có phải lớp 10 đâu mà đặt nặng vấn đề đạo đức” – một người mẹ bày tỏ quan điểm.

sách giáo khoa
Bìa cuốn sách Tiếng Việt lớp 1 theo công nghệ giáo dục.

Từ khía cạnh của các nhà giáo dục, nhiều cô giáo tiểu học cũng lên tiếng cho rằng, không có “vấn đề” gì nghiêm trọng trong nội dung bài đọc như một số người lo ngại. Chị Đỗ Mỹ Ninh, giáo viên tiểu học nêu ý kiến: “Nội dung bài này không có vấn đề gì. Mục đích chính của bài là dạy các bé về vần “anh”, “ách”... nên có rất nhiều các từ mang vần này như “nhanh”, “ì ạch”, “xách”, “cách”... Còn tình huống được đề cập đến trong bài thơ chỉ là một tình huống ngộ nghĩnh thường gặp của trẻ. Khi dạy, giáo viên không dạy học sinh bàn về nội dung và tập trung vào mục đích để bé phát âm chuẩn vần và từ, biết tìm ra những từ có vần “anh”, “ách”. Theo tôi, vì thế sách giáo khoa không có vấn đề gì và có mục đích khá rõ ràng”.

Là một người trực tiếp dạy các bé lớp 1 và có tiếp xúc với bài đọc gây tranh cãi này, cô giáo tiểu học Vũ Như Quỳnh (Phú Thọ) cũng chia sẻ: “Khi dạy bài này, mình và học sinh đã cười rất vui. Ở tập sách này, giáo viên chỉ cho học sinh đọc thôi, chủ yếu là để các bé làm quen và nhớ các vần, chứ không đặt nặng vấn đề ý nghĩa bài học. Vì thế, khi dạy, giáo viên cũng không giải thích gì thêm. Mặt khác, các học sinh lớp 1 mới 6 tuổi nhưng cũng đã hiểu rằng, nếu mẹ vừa bế bé vừa xách đồ sẽ rất nặng, và các em cười bởi sự ngây ngô, dễ thương của nhân vật chứ cũng không ngây thơ đến mức bắt chước nhân vật trong câu chuyện”.

Theo chị Quỳnh, bài đọc trên là trích từ tập 1, sách Tiếng Việt 1 công nghệ giáo dục (bộ sách giáo khoa được biên soạn riêng theo công nghệ giáo dục của GS. Hồ Ngọc Đại). Sách này do nhà xuất bản giáo dục Việt Nam phát hành vào năm 2014. Được biết, không chỉ riêng bài đọc “Bé xách đỡ mẹ” mà nhiều bài đọc khác trong các cuốn sách tiếng Việt Công nghệ giáo dục của GS. Hồ Ngọc Đại đã châm ngòi nhiều cuộc tranh cãi trên mạng xã hội, do sự khác lạ về ngôn ngữ cũng như cách tiếp cận tình huống trong sách. Bộ sách theo công nghệ giáo dục này đang được áp dụng dạy thí điểm tại một số trường học chứ không phải tất cả trường học trên toàn quốc.
 
sách giáo khoa
Một bài đọc khác cũng từng gây tranh cãi là "phi logic, không phù hợp thực tế".

Chia sẻ