Mất nửa mặt vì tai nạn, giờ đây cô đã có một lý do tuyệt vời để tự tin tháo chiếc mặt nạ đã gắn liền hơn 11 năm trời
Khi tổ chức bữa tiệc tại nhà vào năm 1999, cô gái trẻ chưa từng nghĩ rằng cuối ngày hôm ấy, cô sẽ không bao giờ còn được thấy ánh mặt trời, cũng không một ai còn được nhìn thấy khuôn mặt của cô nữa.
“Đó là kỳ nghỉ xuân tháng 3 năm 1999”, Chrissy Steltz, người phụ nữ sống tại Portland, Oregon, nhớ lại. “Chúng tôi đều làm chuyện mà tất cả thanh niên vào thời ấy đều làm - bạn biết đó - chúng tôi tiệc tùng và uống rượu rất nhiều. Rồi tôi đi về cuối phòng để rót thêm nước cam cho mọi người, tôi đã nhìn thấy một trong những người bạn mình cầm trong tay một khẩu súng. Tôi nói với người ấy hãy bỏ ngay súng xuống vì có thể anh ta sẽ giết chết ai đó, nhưng anh ấy trả lời tôi rằng trong khẩu súng không hề có đạn”.
Vừa dứt lời chẳng được vài giây sau, khẩu súng cướp cò và bắn thẳng vào mặt cô thiếu nữ 16 tuổi ở cự ly vô cùng gần. Đó cũng là phút giây thay đổi hoàn toàn cuộc đời cô.
Bạn trai của Chrissy lúc bấy giờ, anh Will O’Brien, đã chạy đến hiện trường đẫm máu vài phút sau đó. “Tôi nhìn thấy một cảnh tượng kinh hoàng mà đáng ra sẽ không một ai có thể sống sót, trừ khi người đó phải vô cùng mạnh mẽ. Và tôi nhìn thấy cô ấy đang cố gắng để đứng dậy”, Will kể.
Chrissy nhanh chóng được đưa đến bệnh viện gần đó để cấp cứu. Các bác sĩ đã làm hết sức, tuy có thể giữ lại mạng sống cho cô nhưng sức tàn phá quá mạnh mẽ của cú bắn đã hủy hoại ¾ gương mặt của Chrissy, họ không thể giữ lại mũi và hai mắt cho cô. Cuộc phẫu thuật đầu tiên cũng chỉ là một trong rất nhiều các cuộc phẫu thuật mà Chrissy buộc phải tiến hành để định hình lại phần còn sót lại trên khuôn mặt của cô.
Các bác sĩ lúc ấy buộc phải đưa Chrissy vào trạng thái hôn mê để bắt đầu chữa trị. Não của cô cũng bị tổn thương phần nào nhưng họ không biết được Chrissy đã bị ảnh hưởng đến mức nào cho đến khi cô tỉnh dậy.
Bác sĩ Eric Dierks, một trong những người trực tiếp phẫu thuật cho Chrissy, chia sẻ với ABC News: “Tôi chưa từng chứng kiến trường hợp nào nghiêm trọng đến thế mà bệnh nhân vẫn còn sống sót”.
Đáng mừng thay, sau 6 tuần mê man, Chrissy dã dần hồi tỉnh và bước vào con đường phục hồi chông gai vô cùng dài trước mắt. Điều mà cô phải vượt qua đầu tiên chính là cú sốc tinh thần to lớn khi nhận ra bản thân không còn khuôn mặt nữa.
“Tôi vẫn còn nhớ khi vừa tỉnh lại, tôi hỏi mọi người rằng mình đã đến nơi chưa”, Chrissy kể. “Trong đầu tôi cứ nghĩ cả nhà đang đi trên xe đi đến bãi biển chơi. Tôi nghĩ mình đã ngủ quên trên đường”.
Và Chrissy đã được bạn trai kể lại toàn bộ câu chuyện, anh nói cho cô nghe sự thật đau lòng rằng cô sẽ không bao giờ có thể nhìn thấy hay ngửi thấy bất cứ thứ gì nữa. Chrissy đã rất kinh hoàng nhưng rồi cô đã đối mặt với thực tế một cách mạnh mẽ hơn mọi người tưởng tượng.
“Khi tôi biết được chuyện gì đã xảy ra, và rằng tôi đã mất đi đôi mắt, tình trạng không thể cứu vãn được nữa”, Chrissy nói. “Tôi biết điều mình có thể làm hoặc là chui vào góc đau đớn khóc lóc và than vãn hoặc là phải đối mặt với nó và suy nghĩ xem tiếp theo mình sẽ phải sống như thế nào. Tôi đã chọn cách thứ hai”.
Sau khi được xuất viện, Chrissy đã nhanh chóng học cách sống như một người mù, bao gồm việc học chữ Braille và di chuyển với gậy dẫn đường. Chrissy không muốn đánh mất đi cuộc đời mình, cô quay trở lại trường học, cô tham dự lễ hội như bao bạn học khác, và cô cũng đã tối nghiệp với bảng thành tích xuất sắc đáng ngưỡng mộ.
Chrissy vẫn sống cùng với hàng chục mảnh đạn nhỏ còn nằm sâu trong hộp sọ của cô không thể lấy ra được và buộc phải dùng chiếc mặt nạ ngủ để che đi phần gương mặt đã bị hủy hoại một cách đáng sợ.
Tình cảm của Chrissy và Will không kéo dài được bao lâu, tuy nhiên khi tham dự lớp học cho người mù, cô đã gặp một được Geoffrey Dilger - một người đàn ông bị mất đi thị giác vì bệnh tật từ năm 16 tuổi. Từ sự đồng cảm sâu sắc dẫn đến tình yêu nảy nở, Chrissy và Geoffrey từ đó đến nay vẫn luôn ở bên cạnh nhau không hề tách rời. Họ cùng nắm tay nhau đi khám phá những miền đất lạ, tình cảm của họ ngày càng trở nên mạnh mẽ hơn, và kết tinh tình yêu của họ chính là cậu con trai kháu khỉnh và đáng yêu cũng được đặt tên là Geoffrey.
Vượt qua rất nhiều thử thách khó khăn, Chrissy vẫn luôn giữ một tinh thần tích cực nhất khi đối diện với cuộc sống và cũng chính nhờ vậy mà cô đã tìm thấy được nhiều niềm vui trọn vẹn trong suốt hơn một thập kỷ qua. Tuy vậy, có một điều mà Chrissy vẫn luôn mong mỏi day dứt đó là cô muốn có được một khuôn mặt để con trai mình có thể “nhìn thấy mẹ như một con người bình thường chứ không phải là một người đeo mặt nạ ngủ”.
Đến năm 2010, sau 11 năm sống cùng với chiếc mặt nạ thường trực trên mặt, một nhóm bác sĩ đã giúp cho Chrissy làm một chiếc mặt giả để lắp vô chỗ mặt bị hư. Họ đã lấy bức hình năm Chrissy 16 tuổi và dùng máy tính để làm cho già đi cho phù hợp với số tuổi hiện tại sau đó tạo ra một chiếc mặt nạ bằng silicon dựa trên tỉ lệ gương mặt thật của Chrissy. Với chiếc mặt nạ giống như thật này, Chrissy đã có thể tự tin với ngoại hình của mình, không còn phải giấu giếm khuôn mặt sau chiếc mặt nạ ngủ và hạnh phúc hơn nữa chính là con trai cô sẽ có thể lần đầu tiên nhìn thấy mặt mẹ.
Chi phí cho chiếc mặt nạ mất đến hơn 80.000 USD và công ty bảo hiểm đã không chấp nhận chi trả cho Chrissy nên các bác sĩ và y tá ở bệnh viện đã chung tay quyên góp, giúp cho cô đạt được ước nguyện của mình.
“Tôi đeo khuôn mặt này đến siêu thị, tôi có thể cảm nhận được mọi người đang nhìn về phía mình. Nhưng không sao, ít ra tôi cũng biết họ nhìn tôi, soi mói với gương mặt thật của mình tôi chứ không phải nhìn vào chiếc mặt nạ ngủ màu đen”.
Đối với thái độ cảm thông và chia sẻ của mọi người sau khi nghe câu chuyện của cô, Chrissy cho biết đừng ai cảm thấy đau lòng bởi: “Tôi vẫn còn sống mà. Đừng thấy tiếc cho tôi, hãy thấy vui dùm tôi và hãy thấy tự hào vì tôi đã vượt qua được những điều kinh khủng ấy trong cuộc đời mình”.
(Tổng hợp)