"Luôn kiên định, nhưng sẵn sàng buông bỏ": Nghe thì mâu thuẫn nhưng là nghệ thuật sống của người thấu hiểu chính mình
Người sống trọn vẹn nhất, thường là người biết khi nào cần giữ, và khi nào nên buông.
Một ngày nọ, tôi vô tình đọc được một câu nói tưởng chừng đơn giản nhưng lại khiến mình bừng tỉnh:
"Hãy học cách sống: Luôn kiên định, nhưng sẵn sàng buông bỏ".
Câu nói ấy nghe qua tưởng như mâu thuẫn. Nhưng càng suy ngẫm, tôi càng nhận ra đó là một chân lý đơn giản mà thấu đáo – một thái độ sống mà bất kỳ ai đang đi qua những biến động của tuổi trưởng thành đều cần.
"Luôn kiên định" là giữ lấy những điều cốt lõi.
"Luôn sẵn sàng buông bỏ" là giữ lấy sự tự do trong tâm trí.
Chính hai điều tưởng chừng trái ngược đó lại là hai mặt không thể thiếu của một cuộc sống trưởng thành. Một mặt giúp ta không dễ bị cuốn trôi bởi sóng gió cuộc đời, mặt kia giúp ta không bị bóp nghẹt trong chính sự cố chấp của mình.
Và người sống trọn vẹn nhất, thường là người biết khi nào cần giữ, và khi nào nên buông.

Giữ lại những gì làm mình sống sâu sắc, buông bỏ những gì đang làm mình cạn kiệt
Kiên định là khi bạn biết rõ điều gì thật sự quan trọng với mình – như sức khỏe, sự bình an, phẩm giá – và không dễ bị lung lay bởi những tiếng ồn bên ngoài. Bạn không vì ai đó cười chê mà từ bỏ thói quen dậy sớm, không vì guồng quay xã hội mà đánh đổi giấc ngủ ngon hay bữa cơm lành.
Bạn hiểu rõ, có những điều không cần phải giải thích với ai, chỉ cần mình thấy đúng – là đủ.
Còn buông bỏ – là khi bạn biết tự hỏi:
"Liệu điều này còn phù hợp với mình không?"
"Liệu sự kiên trì này có đang làm mình tổn thương?"
Khi bạn ở trong một mối quan hệ khiến bạn phải gồng lên để vừa lòng người khác, hoặc trong một công việc khiến bạn luôn kiệt sức và nghi ngờ chính mình – đó có thể là lúc bạn cần buông, không phải vì bạn yếu đuối, mà vì bạn xứng đáng với điều tốt đẹp hơn.
Không phải cứ đi đến cùng là bản lĩnh. Có khi dừng lại đúng lúc mới là dũng khí
Tôi có một người bạn tên Linh, cô ấy từng rất tin rằng: "Chỉ cần mình kiên trì, mọi chuyện rồi sẽ ổn".
Sau cú sốc bị người yêu phản bội và trượt mất cơ hội thăng tiến, Linh quyết định nghỉ việc, bán nhà, chuyển đến Đà Lạt để mở homestay. Đó là giấc mơ từ lâu cô ấp ủ – một cuộc sống bình yên, thoát khỏi thành phố chật chội.
Bất chấp lời khuyên của gia đình, Linh vẫn một mình bước đi, mang theo niềm tin rằng chỉ cần đủ quyết tâm, mọi chuyện rồi sẽ ổn.
Nhưng đời không luôn như phim. Cô chọn nhầm địa điểm, không hiểu khí hậu địa phương, không có kinh nghiệm làm du lịch, lại không biết cách truyền thông. Chưa đầy một năm, homestay ế khách, chi phí đội lên, cô cạn vốn, mắc nợ, và chứng lo âu ngày càng trầm trọng.

Tôi từng hỏi Linh:
"Tại sao cậu không dừng lại khi mọi thứ bắt đầu đổ vỡ?".
Cô ấy trả lời:
"Vì mình nghĩ đã bắt đầu rồi thì không được bỏ cuộc. Mình cứ tưởng nếu cố thêm chút nữa, mọi chuyện sẽ khác".
Câu nói ấy làm tôi lặng đi rất lâu. Bởi tôi biết, có rất nhiều người ngoài kia cũng đang sống như thế – cố chấp không phải vì còn hi vọng, mà chỉ vì không muốn thừa nhận rằng: mình đã chọn sai.
Khi "kiên trì" trở thành cái bẫy tâm lý
Có một sự thật ít người để ý: não bộ con người rất sợ sự mơ hồ. Chúng ta luôn muốn mọi chuyện rõ ràng – trắng hoặc đen, đúng hoặc sai, thành công hoặc thất bại.
Vì thế, một khi đã bắt đầu điều gì đó, ta sẽ có xu hướng bám chặt lấy nó, ngay cả khi nó không còn phù hợp – chỉ để tránh cảm giác thất bại.
Điều đó tạo nên hai phản ứng cực đoan:
- Một là cố chấp: nghĩ rằng cứ cố gắng mãi thì rồi cũng sẽ được đền đáp.
- Hai là bỏ cuộc sớm: nghĩ rằng mình không đủ giỏi nên tốt nhất là dừng lại ngay.
Cả hai thái cực ấy đều bắt nguồn từ cùng một nỗi sợ: sợ mình không đủ giá trị.
Vì vậy, muốn thoát khỏi những cái bẫy này, ta cần một cách nhìn khác:
Hãy thôi hỏi "mình có đang cố đủ chưa?", mà bắt đầu hỏi "việc này có còn đáng để mình tiếp tục không?"

Làm sao để biết nên giữ điều gì, và buông điều gì?
Muốn vậy, ta phải học cách nhìn rõ giới hạn của bản thân – điều gì nằm trong vùng mình có thể kiểm soát, điều gì không.
Theo Stephen Covey – tác giả cuốn 7 thói quen hiệu quả – mỗi người đều có hai vòng tròn:
- Vòng quan tâm: gồm tất cả những điều ta để tâm – từ sức khỏe, công việc, tình cảm đến những chuyện xã hội, thế giới.
- Vòng ảnh hưởng: là phần nhỏ hơn bên trong – gồm những điều ta thật sự có thể tác động.
Khi ta dành quá nhiều năng lượng vào vòng quan tâm nhưng lại không làm gì được – ta sẽ rơi vào lo âu, kiệt sức. Nhưng nếu ta biết quay về với vòng ảnh hưởng, làm tốt những gì mình thật sự có thể thay đổi, ta sẽ dần lấy lại cảm giác chủ động trong đời mình.
Hãy thử chia các vấn đề bạn đang đối mặt thành ba nhóm:
- Những việc bạn có thể kiểm soát trực tiếp – như rèn luyện sức khỏe, học kỹ năng, nuôi dưỡng thói quen tốt. Hãy kiên định.
- Những việc bạn chỉ có thể ảnh hưởng gián tiếp – như cảm xúc của người khác, mối quan hệ, môi trường làm việc. Hãy linh hoạt, và buông bỏ khi không còn hiệu quả.
- Những việc hoàn toàn ngoài tầm kiểm soát – như quá khứ, thời tiết, suy nghĩ của người khác. → Hãy chấp nhận và để nó trôi qua.
Khi bạn nhìn rõ giới hạn của mình, bạn sẽ biết lúc nào cần dấn bước, và lúc nào nên dừng lại.
Và khi đó, buông bỏ không còn là thất bại – mà là một lựa chọn sáng suốt.