Lục đục vì chuyện cơm nước
Cứ khi nào cô lười, không chịu nấu cơm là anh chồng lại lườm nguýt.
Cả tuần nay, Kim nghén nên sợ mùi cơm. Sáng, ăn phở, trưa ăn bún, tối về, cô lại kéo chồng đi ăn mấy món khác. Chồng cô kêu ca phàn nàn suốt vì anh không thích ăn hàng. Kim sụt sùi vì nghĩ chồng không thương và thông cảm cho vợ. Hai vợ chồng cãi vã, lục đục cũng vì chuyện này.
“Cuối tuần, mình thấy khỏe hơn nên đã gắng nấu cho chồng một bữa cơm. Còn mình thì húp cháo. Hôm ấy, thấy chồng vui vẻ ăn uống ngon lành mà mình cũng thoải mái hẳn. Thế mới biết với các ông chồng thì cơm nhà quan trọng đến thế nào” – Kim tâm sự.
Chồng cô suốt ngày chỉ biết vùi đầu vào công việc nên hầu như chẳng bao giờ mó máy việc nhà, trừ những việc to to như thay cái điều hòa, lắp bộ lọc nước hay đánh ôtô ra hàng rửa... Còn lại, cơm nước đều do cô đảm trách. Chẳng bao giờ trách chồng lười vì cô biết, chồng mình rất stress, áp lực vì công việc.
Luyện cho chồng biết nấu nướng là một biện pháp nhiều chị em áp dụng (Ảnh minh họa)
Cũng có chồng “mù tịt” về cơm nước, mỗi lúc bận việc, mệt, ốm hoặc bỗng dưng chán vào bếp, Xuân lại rủ chồng rồng rắn đi ăn hàng. Thỉnh thoảng đôi ba bữa ăn hàng thì còn hào hứng, chứ thời gian này, công việc quá nhiều khiến cô mệt, về tới nhà chỉ muốn ngủ, chẳng muốn ăn gì chứ đừng nói tới bày vẽ món nọ - món kia.
Chồng cô cũng khó chịu: "Ăn hàng nhiều vừa tốn tiền, vừa không đảm bảo vệ sinh, em lười quá, nấu một tý là xong chứ bao nhiêu"...
Sẵn cơn mệt, Xuân cãi cọ với chồng. Vợ chồng lại giận dỗi nhau.
Giải pháp cho những lúc vợ không nấu được cơm nhà
Thứ nhất là luyện cho chồng biết nấu nướng. Khi vợ ốm, mệt, bận thì chồng có thể đảm trách một bữa cơm đơn giản. Nếu “vớ” được anh chồng đã khéo nấu nướng từ trước thì nên động viên thường xuyên để anh ấy phát huy sở trường.
Thứ hai, nếu có người giúp việc thì vợ chồng sẽ tránh được cảnh lục đục vì phải ăn cơm hàng. Tuy nhiên, cần đảm bảo người giúp việc nấu nướng phù hợp với khẩu vị của gia đình.