Luật sư: Chủ của đàn chó cắn tử vong bé trai 7 tuổi có thể đối mặt mức án 3 năm tù
Theo luật sư, chủ đàn chó có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về "Tội vi phạm quy định về an toàn lao động, vệ sinh lao động, về an toàn ở nơi đông người. Hình phạt đối với hành vi này là phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù.
Liên quan đến vụ việc đàn chó cắn tử vong bé trai 7 tuổi, ngày 4/4 trao đổi với chúng tôi, luật sư Đặng Văn Cường – Trưởng Văn phòng luật sư Chính Pháp cho biết, việc chó chạy rông không có người đi kèm, không rọ mõm tại nơi công cộng tạo ra những nguy hiểm tiềm tàng, được coi là nguồn nguy hiểm cao độ cho những người khác.
Nơi cháu bé bị đàn chó cắn tử vong.
Trên thực tế, có nhiều trường hợp người dân bị chó cắn thiệt hại đến sức khỏe, tiền bạc và không ít trường hợp còn nguy hiểm đến cả tính mạng. Bên cạnh đó, thả rông chó cũng gây mất vệ sinh công cộng do chó phóng uế bừa bãi nhưng chủ nuôi chó không dọn dẹp.
Pháp luật đã có quy định cụ thể rõ ràng về việc chó phải rọ mõm và có người dắt khi đi ở nơi đông người. Thế nhưng tình trạng vi phạm quy định này vẫn diễn ra rất phổ biến, có trường hợp đã gây ảnh hưởng đến sức khỏe tính mạng của người dân vô tội, dấy lên làn sóng bức xúc và hoang mang dư luận.
Đàn chó cắn tử vong bé trai.
Đối với chế tài xử phạt trong trường hợp vật nuôi làm thiệt hại tính mạng người khác, cụ thể là trong sự việc đàn chó thả rông cắn chết cháu bé 7 tuổi nêu trên thì theo quy định pháp luật, chủ nuôi có thể bị xử phạt hành chính theo quy định tại Nghị định 90/2017/NĐ-CP ngày 31/7/2017 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thú y.
Cụ thể tại điều 7 Nghị định này quy định đối với hành vi không tiêm phòng dại cho chó, mèo và để chó, mèo cắn người thì người chủ nuôi sẽ bị phạt từ 1,2 -1,6 triệu đồng.
Một bé trai may mắn thoát chết khi bị đàn chó nói trên cắn.
Đây là mức phạt chung cho 2 hành vi: không đeo rọ mõm cho chó khi ra đường (phạt tiền từ 600.000 - 800.000 đồng) và không tiêm phòng vắc xin phòng bệnh dại cho động vật bắt buộc phải tiêm phòng (mức phạt tiền từ 600.000 - 800.000 đồng).
Ngoài ra, theo quy định này, chủ nuôi chó còn phải bồi thường cho người bị hại cả vật chất lẫn tinh thần như thanh toán chi phí tiêm phòng dại và các chi phí khác phát sinh.
Luật sư Cường cho biết thêm, trong trường hợp này chủ đàn chó có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về "Tội vi phạm quy định về an toàn lao động, vệ sinh lao động, về an toàn ở nơi đông người" quy định tại điều 295 BLHS 2015, sửa đổi bổ sung 2017.
An toàn nơi đông người được hiểu là giải pháp phòng, chống tác động của các yếu tố nguy hiểm nhằm bảo đảm không xảy ra thương tật, tử vong đối với người ở những nơi sinh hoạt nơi đông người.
Công an tập trung bắt giữ đàn chó cắn cháu bé.
Việc thả rông đàn chó cắn chết cháu bé tại sân vận động có dấu hiệu tội phạm quy định tại điểm a khoản 1 điều 295 vi phạm quy định về an toàn nơi đông người làm chết người.
Mức hình phạt đối với hành vi này là phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 1 năm đến 3 năm.
Thời gian gần đây rất nhiều trường hợp nuôi chó cảnh không tuân thủ quy định về nguyên tắc an toàn, để chó cắn gây thương tích cho người khác, tình trạng chó thả rông nơi công cộng khiến nhiều người lo sợ, mất an toàn công cộng mà chưa bị xử lý nghiêm minh, kịp thời.
Trong vụ việc này, pháp luật quy định bắt buộc là nuôi chó thì phải xích, nhốt, phải quản lý ở trong khu vực của chủ nhà. Trường hợp cho chó tự nơi công cộng thì phải rọ mõm để đảm bảo an toàn cho người khác.
Đàn chó này là nỗi khiếp sợ của người dân địa phương.
Tuy nhiên, chủ nhà người nuôi chó đã không tuân thủ các nguyên tắc này, gây mất an toàn cho công cộng nên có dấu hiệu vi phạm các quy định về an toàn nơi đông người theo quy định tại điều 295 bộ luật hình sự 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017.
Trường hợp này không thể xử lý về tội vô ý làm chết người bởi rất khó để chứng minh được người chủ nuôi chó bắt buộc phải biết là chó sẽ cắn người. Giữa hành vi thả chó ra nơi công cộng và hậu quả chó cắn chết người không có mối quan hệ nhân quả tất yếu.
Bởi vậy, trong vụ việc này có thể cơ quan tiến hành tố tụng không khởi tố về tội vô ý làm chết người nhưng vẫn có thể xem xét xử lý hình sự về tội vi phạm các quy định về toàn nơi đông người theo quy định tại điều 295 Bộ luật hình sự.
Để xử lý về tội danh này, cơ quan điều tra cần làm rõ yếu tố về mặt chủ thể, yếu tố lỗi và các tình tiết khác có liên quan đến việc xác định đúng dấu hiệu cấu thành của tội danh này.
Ngoài ra, việc chủ đàn chó không quản lý chó nuôi cẩn thận, thả rông chó, khiến chó tấn công cắn cháu bé đã xâm phạm đến tính mạng cháu bé.
Trước đó, khoảng 18h tối 3/4, một bé trai 7 tuổi cùng bố mẹ đi qua khu vực sân vận động Kim Động cũ (thị trấn Lương Bằng, huyện Kim Động, tỉnh Hưng Yên ), bất ngờ bị một đàn chó tấn công.
Theo một nhân chứng có mặt tại hiện trường, thời điểm trên có khoảng 10 con chó lao vào cắn em bé cùng một lúc khiến em mất nhiều máu.
Phát hiện sự việc, người dân cùng bố mẹ chạy đến giải cứu cháu bé và đưa đi cấp cứu trong tình trạng nguy kịch. Tuy nhiên, 1 giờ sau khi nhập viện, cháu bé đã qua đời.
Nạn nhân được xác định là cháu Đào Đức Nguyên, Nguyên bị đàn chó thuộc gia đình bà Lê Thị An cắn tử vong.