Lợi dụng Covid-19, nạn bạo hành bùng phát
Việc phong tỏa vì Covid-19 đang khiến các nạn nhân của bạo hành gia đình bị mắc kẹt. Tại Pháp, số trường hợp bạo hành gia đình đã gia tăng hơn 30% còn Tây Ban Nha chứng kiến vụ chết người đầu tiên do bạo hành gia đình.
Trước tình hình dịch bệnh Covid-19, người dân trên toàn thế giới từ Malaysia đến New Zealand đang phải tự cách ly để hạn chế lây lan. Tuy nhiên, đối với những người sống trong tình trạng không an toàn vì bạo hành gia đình thì việc cách ly có thể dẫn đến chết người.
Tại Anh, có 1,6 triệu phụ nữ bị bạo hành gia đình vào cuối tháng 3-2019. Phụ nữ cũng hầu như là nạn nhân của tình trạng bị ngược đãi kéo dài, 83% những người trải qua hơn 10 vụ ngược đãi là phụ nữ. Trong đó, ít nhất 114 phụ nữ bị giết hại bởi chồng hoặc người yêu.
Ở Trung Quốc, phụ nữ nhập cư bị tổn thương đặc biệt thậm chí trước khi bùng phát dịch bệnh Covid-19. Các báo cáo cho thấy tình trạng bạo hành gia đình tăng lên kể từ khi người dân bị hạn chế trong nhà. Tỉnh Hồ Bắc ghi nhận số cuộc gọi báo cảnh sát tăng gấp 3 lần so với cùng kỳ năm ngoái trong giai đoạn phong tỏa vào tháng 2.
Một khu dân cư ở Vũ Hán khi bị phong tỏa. Ảnh: Reuters
Tây Ban Nha là nơi có quy định phong tỏa cực kỳ nghiêm khắc và nhiều người nếu vi phạm luật sẽ bị xử phạt, chính quyền cho biết phụ nữ sẽ không bị phạt nếu họ rời khỏi nhà để báo về việc bị bạo hành.
Tuy nhiên, hôm 19-3, quốc gia này đã chứng kiến vụ chết người đầu tiên do bạo hành gia đình kể từ khi lệnh cách ly chỉ mới bắt đầu 5 ngày trước. Người phụ nữ đã bị chồng sát hại trước mặt các con của họ tại tỉnh Valencia.
Nếu người dân bị ép tự cách ly, họ có thể gặp nguy hiểm khi bị giam cầm trong tình trạng ngược đãi và cưỡng bức mà có ít cơ hội tiếp cận những dịch vụ cần thiết. Trẻ em cũng sẽ phải chịu đựng hoàn cảnh này, chứng kiến cảnh ngược đãi có thể khiến tỉ lệ bệnh tâm thần ở người trẻ cao bằng với tỉ lệ chính họ bị bạo hành.
"Tự cách ly là một bước quan trọng trong việc chống lại Covid-19… nhưng có thể nguy hiểm cho hàng ngàn trẻ em sống trong những gia đình bạo hành", bà Emily Hilton, nhân viên cấp cao về chính sách và nhiệm vụ công tại Hiệp hội quốc gia phòng chống tàn ác đối với trẻ em (NSPCC), nói.
Người biểu tình cầm hình ảnh của nạn nhận bị bạo hành gia đình ở thủ đô Bucharest – Romania hôm 4-3. Ảnh: DANIEL MIHAILESCU
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Pháp Christophe Castaner cho biết trường hợp bạo hành gia đình trên cả nước đã tăng lên hơn 30% kể từ khi quốc gia này thực hiện lệnh phong tỏa vào ngày 17-3.
Ông Christophe Castaner hôm 26-3 tiết lộ chỉ riêng ở Paris, số ca bạo hành đã tăng đến 36%.
Lệnh phong tỏa ở Pháp yêu cầu người dân ở nhà trong 11 ngày và sẽ kéo dài đến 15-4.
Pháp là một trong số các quốc gia có tỉ lệ bạo hành gia đình cao nhất châu Âu. Mỗi năm, ước tính có 219.000 phụ nữ từ 18-75 tuổi phải đối mặt với bạo lực thể xác và tình dục bởi chồng hoặc bạn trai nhưng chỉ có 20% là báo cáo sự việc.
Ông Castaner cho biết chính quyền sẽ đưa ra biện pháp mới cho phép những người đối mặt với bạo hành có thể yêu cầu hỗ trợ trong quá trình phong tỏa.
Nạn nhân có thể yêu cầu giúp đỡ tại các hiệu thuốc. Ông nói: "Một phụ nữ bị bạo hành gia đình khi đến hiệu thuốc mà không có chồng đi theo có thể gọi giúp đỡ" và cho biết thêm sẽ phát triển hệ thống mật mã cho các nạn nhân trong trường hợp chồng họ đi theo đến hiệu thuốc.
Tây Ban Nha cũng đã có hệ thống mật mã để báo cáo việc bị bạo hành.