Lời đề nghị nghiêm túc của chồng tương lai "vàng gửi đầy ngân hàng" trước ngày cưới khiến cô gái "chạy mất dép"
Từ lúc đi làm tới giờ chồng tương lai của cô tiết kiệm được không ít. Anh chi tiêu rất có kế hoạch, nói đúng hơn là tiết kiệm, mỗi tháng nộp cho mẹ một khoản gọi là góp tiền ăn, còn lại toàn bộ mua vàng gửi ngân hàng hết.
Yêu nhau hơn 1 năm, Xuân và Tính quyết định đi đến hôn nhân. Xuân đặc biệt hài lòng về chồng tương lai. Tính có công việc tốt, kiếm ra tiền, gia đình tử tế, đời tư lành mạnh, lại đối xử với cô khá tốt.
Sau đám hỏi thuận lợi, Xuân và Tính bắt đầu lên kế hoạch chụp ảnh cưới, đặt cỗ nhà hàng, phát thiếp mời cho bạn bè, mua nhẫn, chuẩn bị phòng tân hôn..., nói chung là sẵn sàng mọi thứ cho ngày trọng đại hơn 1 tháng sau. Đáng nhẽ đây sẽ là khoảng thời gian hạnh phúc nhất, vừa vui mừng vừa hồi hộp, thêm chút lo lắng, thấp thỏm của một cô dâu sắp về nhà chồng. Song Xuân đâu ngờ được, sau đám hỏi, Tính bắt đầu bộc lộ bản tính keo kiệt, chi li, ích kỉ rõ mồn một. Trước nay cô không hề phát hiện, lẽ nào hiện tại Tính yên tâm Xuân khó bề chia tay anh, nên anh mới không ngần ngại bộc lộ bản chất thật của mình?
Một hôm, Tính hẹn Xuân ra quán café để bàn chuyện nghiêm túc. Xuân lơ mơ ra quán café, không hiểu chuyện nghiêm túc mà chồng tương lai nói là chuyện gì. Tính nhấp một ngụm café rồi chậm rãi nói: “Trước đây khi yêu nhau, vì anh là đàn ông, anh cưới em về nhà để em chăm lo mọi việc trong nhà, nên anh là người chi trả tình phí phấn lớn là đúng. Anh chẳng phản đối gì, cả kinh phí đám hỏi anh cũng lo, coi như quà anh tặng em nhân việc vui của chúng mình.
Ảnh minh họa
Nhưng bây giờ chúng ta đã xác định kết hôn, đám cưới là của chung 2 người, vì thế anh đề nghị chúng ta cùng chung tay lo chi phí đám cưới. Tất nhiên, tài chính em lấy tiền túi hay bố mẹ em cho là quyền của em, anh chỉ cần biết em hoàn thành nghĩa vụ của mình là được. Mọi chi phí sẽ cộng lại, sau đó chia đều. Em với anh đều đi làm có lương cả rồi, xã hội hiện nay lại bình đẳng, em không có ý kiến gì chứ?”.
Gia đình Xuân và Tính điều kiện đều bình thường, cả 2 đều đi làm mấy năm có tiền tiết kiệm, Xuân đã dự định bản thân tự lo liệu lễ cưới, không cần bố mẹ phiền lòng. Nhưng nghe Tính nói rành mạch, rạch ròi như vậy, Xuân đâm không vui. Lại còn chuyện, lúc yêu nhau anh trả tình phí coi như trả công trước để sau này cho Xuân về cơm nước, dọn dẹp vậy. Qua giai đoạn tán tỉnh rồi, giờ tới lúc công bằng mà tính toán, phân chia nhiệm vụ?
Tính tiếp theo tuyên bố, tài chính gia đình sau này cũng sẽ phân bổ đồng đều tới từng người kiểu cưa đều như vậy. “Ai cũng đi làm, ai cũng kiếm ra tiền, đều độc lập, tự chủ cả, hà cớ gì lại bắt đàn ông bọn anh phải nuôi vợ, nuôi con?”, Tính bày tỏ quan điểm. “Phấn son, quần áo, mỹ phẩm của em thì em sự sắm, không được cho vào quỹ chung của gia đình đâu đấy”, Tính dặn dò trước Xuân, khiến cô há hốc miệng chẳng biết đáp lại thế nào.
Xuân chưa bao giờ nghĩ sẽ để chồng phải nuôi mình, hay lấy tiền của Tính tiêu xài. Cô có công việc ổn định, có thu nhập, đã sống độc lập nhiều năm nay, song cô khó có thể chấp nhận cuộc sống vợ chồng của mình chẳng khác gì góp tiền sống chung như thế. Lẽ nào cô ốm, thì cô phải đưa tiền Tính mới đi mua thuốc hộ? Hay anh mua xong sẽ bảo cô trả tiền? Cuộc sống như thế liệu có hạnh phúc?
“Vậy lúc em sinh con thì sao? Công em mang nặng đẻ đau, chăm sóc con? Anh tính rạch ròi thế nào, hay em đẻ một đứa, anh đẻ một đứa, vậy mới công bằng”, Xuân thực sự giận, nói ra lời không kiêng nể gì nữa. Tính vẫn thản nhiên như không: “Nếu đẻ được thì anh cũng đẻ luôn, ngại gì chứ. Đó là thiên chức của phụ nữ bọn em, trời sinh vốn vậy, trách ai bây giờ? Em nghỉ đẻ nhưng vẫn có chế độ thai sản, đâu phải không có thu nhập, lúc em đi làm lại thì chúng ta thuê người giúp việc, chi phí đó sẽ chia đôi”.
Ờ, Tính suy nghĩ cặn kẽ hết cả rồi đấy. Lại còn trời sinh phụ nữ vốn vậy nên phải chấp nhận chứ? Xuân tức không có chỗ phát tiết, hậm hực hỏi Tính: “Anh tính toán chi li như thế làm gì, tiền anh có phải thiếu thốn quá đâu, em biết anh gửi vàng ở ngân hàng chẳng ít đấy”. Từ lúc đi làm tới giờ Tính tiết kiệm được không ít. Anh chi tiêu rất có kế hoạch, nói đúng hơn là tiết kiệm, mỗi tháng nộp cho mẹ một khoản gọi là góp tiền ăn, còn lại toàn bộ mua vàng gửi ngân hàng hết.
Ảnh minh họa
“Anh gửi đó là để sau này dưỡng già, về già ai biết vợ con có còn ở với mình, lại sức yếu không làm gì được, chẳng lẽ chịu chết đói. Anh chỉ phải có trách nhiệm với bố mẹ anh và con anh thôi, bố mẹ sinh ra anh, nuôi anh lớn, còn con cái lại do anh sinh ra, con cái anh cũng chỉ lo cho đến năm 18 tuổi, sau đó phải tự lực cánh sinh. Còn vợ hay người nhà anh thích thì anh giúp, anh không giúp cũng là chuyện bình thường, anh chẳng nợ gì họ. Ai cũng nên tự lo cho bản thân mình, đừng trông chờ vào người khác”, Tính nhún vai bình tĩnh đáp. Thì ra đây mới là suy nghĩ thật trong lòng anh. Vậy mà Xuân cứ nghĩ Tính tích góp để sau này mua nhà, mua xe hoặc lo cho con cái cơ đấy. Còn chuyện anh em, người nhà, bạn bè hỏi vay tiền anh đều từ chối, khi trước Xuân hỏi thì Tính bảo toàn mấy kẻ nợ dai, muốn vay không muốn trả.
Xuân chẳng còn gì để nói với chồng tương lai. Cô chỉ có một cảm giác tuyệt vọng ở cuộc hôn nhân trước mắt. Tính dường như chẳng có chút tình cảm nào, tất cả đều được anh tính toán đâu ra đấy, quy hoạch chu đáo, không chút nhân nhượng, nể tình. Thời gian 2 người yêu nhau, liệu Tính có tí tình cảm nào với cô, hay cũng chỉ là để phục vụ mục đích cưới vợ. Có khi mỗi lần hẹn hò anh còn giới hạn trong khoảng bao nhiêu tiền, khi mua quà tặng cô liền nghĩ sau này cô sẽ nội trợ, làm việc nhà bù lại để đỡ xót ruột ấy chứ!
Thiệp cưới đã in, tiệc cưới đã đặt, mọi thứ gần như đã hoàn tất chỉ để chờ đến ngày cưới, Xuân phải làm thế nào đây? Hủy hôn lúc này cô khác gì đã một đời chồng, chưa nói còn khiến bố mẹ, gia đình xấu mặt. Nhưng gắng gượng để rồi mọi thứ sẽ đi về đâu, đến lúc ấy ly hôn mới thật rắc rối, lằng nhằng, tổn thương càng thêm sâu đậm. Chi bằng “xách dép” chạy trước cho nhanh?