Loại cá giàu protein hơn cá hồi, người Nhật thích ăn: Biển Việt Nam có rất nhiều
Loại cá này có kích thước nhỏ nhưng lại nhiều protein hơn cá hồi. Loại cá này phân bố rộng rãi ở vùng ven biển của Việt Nam, ngư dân đánh bắt thường xuyên.
Loại cá nhiều protein hơn cá hồi
Cá là một trong những thực phẩm cung cấp nguồn protein lành mạnh cho cơ thể. Trong đó, cá hồi là một trong những loại cá giàu protein, được nhiều người ưa thích và sử dụng. Các chuyên trang của Mỹ như Healthline, WebMD, Medical News Today cũng đánh giá cá hồi là một nguồn cung cấp protein dồi dào. Tuy nhiên, thực tế có một loại cá kích thước nhỏ (chỉ từ 10-15cm) nhưng lại nhiều protein hơn cá hồi. Đó là cá trích.
Theo số liệu từ Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), trong 100g cá trích có chứa 23g protein. Trong khi đó, 100g cá hồi chỉ chứa 20g protein.

Cá trích chứa nhiều protein hơn cá hồi.
Bên cạnh hàm lượng protein phong phú, cá trích còn chứa thêm nhiều chất dinh dưỡng có lợi khác như: 143mg vitamin D; 0,7mg vitamin C; 0,3mg vitamin B6; 13,1mcg vitamin B12; 419mg kali; 74mg canxin; 41mg magie; 1,4mg sắt, selen; axit béo omega-3.
Lợi ích khi ăn cá trích
Theo trang WebMD, ăn cá trích đặc biệt có lợi cho sức khỏe tim mạch. Nguyên nhân là do loại cá này chứa nhiều axit béo omega-3 bao gồm EPA (axit eicosapentaenoic) và DHA (axit docosahexaenoic). Theo nghiên cứu, các axit béo này giúp giảm đáng kể các yếu tố nguy cơ gây bệnh tim như giảm triglyceride trong máu, tăng cholesterol “tốt” HDL và giảm nguy cơ mắc rối loạn nhịp tim, từ đó tăng cường sức khỏe tim mạch.
Omega 3 và vitamin B12 trong cá trích cũng có thể giúp tăng cường chức năng não bộ. Nghiên cứu chỉ ra rằng EPA và DHA trong cá trích có thể giảm nguy cơ mắc sa sút trí tuệ. Vitamin B12 có thể bảo vệ và duy trì hoạt động của tế bào thần kinh.

Cá trích chứa nhiều chất dinh dưỡng có lợi cho sức khỏe tim mạch và não bộ.
Vitamin B12 cũng hỗ trợ quá trình tạo ra các tế bào hồng cầu của cơ thể. Ngoài ra, trong cá trích còn có hàm lượng sắt cao, giúp cơ thể sản xuất hemoglobin - chất trong tế bào hồng cầu - giúp máu vận chuyển oxy đi khắp cơ thể và ngăn ngừa tình trạng thiếu máu, trang WebMD viết.
Người Nhật thích ăn cá trích
Cá trích có mặt trong nhiều món ăn truyền thống của người Nhật, được người Nhật ưa chuộng vì chứa nhiều dinh dưỡng và dễ chế biến.
Theo trang Kurashiru.com (trang web chuyên cung cấp các công thức nấu ăn cho người Nhật), người Nhật chế biến cá trích thành nhiều món ăn khác nhau, chẳng hạn như cá trích luộc, mì soba nấu với cá trích, cá trích chua ngọt, sushi/sashimi từ cá trích…

Món mì soba nấu với cá trích của người Nhật.
Việt Nam khai thác nhiều cá trích
Theo báo Nông nghiệp & Môi trường, cá trích phân bố khá rộng rãi trên các vùng ven biển Việt Nam, nơi có độ mặn thích hợp. Vụ đánh bắt cá trích thường bắt đầu từ tháng 9 năm trước đến tháng 4 năm sau, báo Dân tộc và Phát triển đưa tin.
Theo thông tin tổng hợp trên các báo Dân Việt, VTV, Báo Tin Tức, cá trích thường được đánh bắt ở các tỉnh như Nghệ An, Hà Tĩnh, Thanh Hóa, Quảng Bình,...
Trong những tháng đầu năm 2025, ngư dân ở nhiều địa phương đã “trúng” mùa cá trích.
Thông tin đăng tải trên Báo Tin Tức ngày 17/2/2025 cho biết ngư dân ở gần 20 làng biển thuộc 5 xã ven biển, bãi ngang huyện Diễn Châu (Nghệ An) đã đồng loạt ra biển khai thác cá trích bằng bè mảng. Mỗi chuyến đi, một bè mảng khai thác được từ hơn 1 tạ đến gần 3 tạ cá trích.
Ngày 4/3/2025, VTV cũng đưa tin ngư dân Thanh Hóa trúng đậm mùa cá trích. Theo đó, ông Lê Văn Bình, một ngư dân tại xã Quảng Hùng (TP. Sầm Sơn. Thanh Hóa) đã chia sẻ với VTV rằng: "Năm nay cá trích về sớm, sản lượng lớn nên ai cũng vui mừng. Chỉ sau một đêm ra khơi, chúng tôi có thể thu về vài tạ cá trích, trừ chi phí vẫn còn lãi kha khá".

Ngư dân Thanh Hóa trúng mùa cá trích. (Ảnh: VTV)
Ngày 25/3/2025, báo Dân Việt cũng đưa tin nhiều ngư dân tại Hà Tĩnh phấn khởi vì “trúng đậm” cá trích. Trong đó, thống kê từ UBND xã Thạch Trị (Hà Tĩnh) cho thấy chỉ trong vòng 10 ngày, tổng sản lượng cá trích mà ngư dân xã này khai thác được đã đạt gần 200 tấn.
(Theo WebMD, USDA, Kurashiru.com, báo Dân Việt, VTV, báo tin tức, báo Dân tộc và Phát triển, báo Nông nghiệp & Môi trường )