Làm việc này trong lúc mổ lấy thai, bác sĩ đã cứu 2 mẹ con thoát chết và người mẹ cũng không mất đi khả năng sinh sản

Hoàng Lê,
Chia sẻ

Trước tình thế cấp bách, các bác sĩ đã quyết định thực hiện ca mổ "2 trong 1" và thu về kết quả ngọt ngào.

Ngày 9/8, Bệnh viện (BV) Phụ sản thành phố Cần Thơ cho biết, nơi đây vừa thực hiện phẫu thuật thành công, cứu hai mẹ con sản phụ Nguyễn Thị M. (33 tuổi, ngụ tại quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ) thoát khỏi nguy hiểm.

Trước đó sản phụ M. nhập viện khi chuyển dạ với chẩn đoán con lần 2, thai 39 tuần, đa nhân xơ, có vết mổ cũ. Xác định đây là trường hợp có nhiều yếu tố nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe của mẹ và bé, các bác sĩ đã nhanh chóng tiến hành hội chẩn để đề ra biện pháp xử trí phù hợp.

Làm việc này trong lúc mổ lấy thai, bác sĩ đã cứu 2 mẹ con thoát chết và người mẹ cũng không mất đi khả năng sinh sản - Ảnh 1.

Bé gái con sản phụ chào đời an toàn sau cuộc phẫu thuật.

Sau khi hội chẩn, ekip điều trị quyết định sẽ phẫu thuật kết hợp, vừa lấy thai vừa bóc đa nhân xơ tử cung với hy vọng bảo tồn khả năng sinh sản cho bệnh nhân.

Cuộc phẫu thuật được tiến hành nhanh chóng với sự phối hợp sẵn sàng của các bác sĩ chuyên khoa Sản, Gây mê hồi sức, Sơ sinh cùng các điều dưỡng, hộ sinh nhiều kinh nghiệm. Kíp mổ đề ra kế hoạch can thiệp một cách nhanh chóng, tích cực với đầy đủ phương tiện hồi sức mẹ, hồi sức sơ sinh và ngân hàng máu.

Bác sĩ Huỳnh Thanh Liêm, Trưởng khoa Sanh đồng thời là phẫu thuật viên chính cho hai mẹ con thai phụ chia sẻ, đây là một trường hợp phẫu thuật phức tạp do bệnh nhân có vết mổ cũ dính nhiều. Toàn bộ tử cung bị chiếm bởi nhiều nhân xơ chi chít, đặc biệt là nhân xơ tử cung mặt trước của đoạn dưới cản trở quá trình phẫu thuật lấy thai.

Ekip phẫu thuật đã cố gắng bóc nhân xơ để tiếp cận buồng tử cung nội, xoay thai và bắt ra bé gái nặng 2.800 gram. Lấy thai xong, các bác sĩ tiếp tục tiến hành bóc thêm nhân xơ tử cung kết hợp thuốc tăng co cầm máu, truyền máu kiểm soát tổng trạng. Kết quả là bệnh nhân được khâu phục hồi bảo tồn hoàn toàn tử cung.

Làm việc này trong lúc mổ lấy thai, bác sĩ đã cứu 2 mẹ con thoát chết và người mẹ cũng không mất đi khả năng sinh sản - Ảnh 2.

Sản phụ sẽ sớm được xuất viện trong ít ngày tới.

Với sự phối hợp nhịp nhàng giữa các chuyên khoa, chị M. đã có cuộc "vượt cạn" an toàn, mẹ tròn con vuông sau 1 giờ tập trung phẫu thuật. Hiện tại bệnh nhân có các chỉ số sinh hiệu tốt, bé gái da hồng hào, khóc to, thở đều tự nhiên không cần hỗ trợ, phản xạ bú tốt. Bé đang được chăm sóc tại khoa Nhi - Sơ sinh.

Theo BS Huỳnh Thanh Liêm, tỉ lệ bà bầu bị u xơ tử cung trong thai kỳ dao động 1,6%-2,7%. U xơ tử cung có thể chèn ép gây ngôi thai bất thường, dễ gây sinh non, gây rối loạn cơn co lúc chuyển dạ, gây băng huyết sau sinh.

Do đó, bác sĩ khuyên trong quá trình mang thai, thai phụ bị u xơ tử cung cần đến cơ sở y tế chuyên khoa để được tư vấn, hướng dẫn cụ thể giúp hạn chế ảnh hưởng của u xơ đến thai nhi. Bên cạnh đó, việc chẩn đoán và xử trí cần phải rất thận trọng, việc bóc tách khối u xơ tử cung khi phẫu thuật lấy thai chỉ nên thực hiện ở các BV có đủ điều kiện, cùng với sự phối hợp của nhiều chuyên khoa.

6 triệu chứng phổ biến của u xơ tử cung

Kinh nguyệt ra nhiều

Triệu chứng phổ biến nhất của u xơ tử cung là chảy máu kinh nguyệt nặng, người phụ nữ có thể cần dùng nhiều băng vệ sinh hơn bình thường. Hoặc là kinh nguyệt có thể kéo dài suốt cả tháng. Chảy máu kinh nguyệt nặng hơn bình thường có thể là do "thay đổi cấu trúc tử cung" bởi các khối u xơ gây ra. Tuy nhiên, kích thước không phải là yếu tố lớn nhất, vị trí của khối u mới quan trọng hơn. Khối u bị đẩy vào "khoang nội mạc tử cung" có thể gây chảy máu nhiều nhất.

Kinh nguyệt thất thường

Triệu chứng của u xơ tử cung không phải chỉ là kinh nguyệt ra nhiều mà có khi sự thất thường của chu kì kinh nguyệt phản ánh căn bệnh này. Theo bác sĩ Bradley, những thay đổi liên quan đến xơ vữa đến cấu trúc của tử cung có thể dẫn đến việc chảy máu không đều trong các kì kinh nguyệt, chảy máu ngoài kì kinh...

Bạn cảm thấy có áp lực và không thoải mái ở "vùng kín"

Đau, áp lực, và khó chịu là tất cả các triệu chứng liên quan đến u xơ tử cung. Cơn đau này có thể xuất hiện trong suốt quá trình giao hợp hay có kinh nguyệt. Tùy theo kích thước và vị trí của khối u mà một số phụ nữ có thể gặp khó khăn khi ở tư thế nằm úp mặt xuống dưới (nằm sấp) hoặc một số tư thế nhất định. Một số phụ nữ đôi khi cũng cảm thấy có một cảm giác khó chịu do áp lực mỗi khi ngồi hoặc nằm ở một tư thế nào đó.

Đau lưng và đầu gối

Phụ thuộc vào kích cỡ và vị trí của khối u mà chúng có thể bám vào dây thần kinh, chạy đến phần dưới của cơ thể hoặc phần xương sống. Trong những trường hợp này, người phụ nữ có thể cảm thấy đau hoặc khó chịu ở chân hay lưng.

Khó mang thai

Trong một số trường hợp, u xơ có thể ảnh hưởng đến khả năng thụ thai hoặc ảnh hưởng đến thai kì của người phụ nữ. Điều này chắc chắn không phải lúc nào cũng đúng nhưng nếu một phụ nữ có tiền sử sẩy thai thì cần kiểm tra xem liệu có nguyên nhân liên quan đến u xơ tử cung hay không.

Khó đi tiểu, đại tiện

Cũng giống như chúng có thể gây áp lực lên dây thần kinh, u xơ có thể gây áp lực lên bàng quang hoặc đường tiết niệu. Điều này có thể gây ra những chuyển động căng thẳng hoặc khó khăn trong hệ bài tiết. Đó chính là lý do tại sao có những phụ nữ bị u xơ tử cung lại đi vệ sinh thường xuyên hơn, hoặc gặp khó khăn trong chuyện bài tiết. Táo bón cũng là một triệu chứng cần chú ý.

Chia sẻ