Làm sao để biết bạn đã nhiễm virus Zika hay chưa?

Luna,
Chia sẻ

Do phần lớn trường hợp nhiễm virus Zika không có dấu hiệu rõ ràng, rất nhiều phụ nữ mang thai đang hoang mang không biết liệu mình đã nhiễm hay chưa.

Bệnh do virus Zika gây ra nguy hiểm nhất với đối tượng là phụ nữ mang thai vì gây nguy cơ sinh con bị dị tật đầu nhỏ. Với các đối tượng khác, tuy bệnh không dẫn đến tử vong và có thể tự hết sau một thời gian, nhưng trong thời gian đó có thể gây triệu chứng khó chịu.

Bệnh do virus Zika gây ra, trong đến 80% trường hợp là không có những biểu hiện lâm sàng rõ rệt ra bên ngoài, nhưng trong khoảng 20% trường hợp còn lại, các chuyên gia đã xác định được một số triệu chứng điển hình của bệnh bao gồm:

- Sốt nhẹ, đau đầu, nổi ban ngứa, đau mắt đỏ, uống thuốc hạ sốt nhưng vẫn không đỡ (đây là những dấu hiệu khởi phát của bệnh nhân tại TP.Nha Trang, Khánh Hòa);

- Phát ban, viêm kết mạc, mệt mỏi (đây là những dấu hiệu khởi phát của bệnh nhân tại TP.HCM);

- Đau đầu, đau cơ, đau khớp, đau hố mắt, đau bụng, buồn nôn, tiêu chảy…

Tuy đã xác định 2 trường hợp bệnh do virus Zika tại Việt Nam nhưng hiện tại, Bộ Y tế khuyến cáo người dân không nên quá hoang mang và tràn đến các bệnh viện, cơ sở y tế để yêu cầu xét nghiệm, gây nên những áp lực không cần thiết và có thể khiến tình hình phức tạp thêm. 

Đối tượng đặc biệt cần lưu ý nhiều hơn trước nguy cơ dịch bệnh do virus Zika là phụ nữ mang thai cũng chỉ nên thực hiện xét nghiệm khi có những dấu hiệu bệnh trong 3 tháng đầu thai kỳ (sốt phát ban, mỏi cơ khớp, viêm kết mạc…), đang sinh sống hoặc vừa qua lại những địa phương đã xuất hiện bệnh, có quan hệ tình dục với người bị xét nghiệm dương tính với virus Zika.

Nếu thuộc trường hợp được nhắc đến ở trên, bạn có thể đến các địa điểm có khả năng xét nghiệm chẩn đoán virus Zika:

xét nghiệm zika
(Ảnh: Internet)

- Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung Ương - số 1 Yecxanh, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội - 04.39716356

- Viện Pasteur TP.HCM - 167 Pasteur, phường 8, quận 3, TP.HCM - 08.38230352

- Bạn cũng có thể đến các cơ sở y tế địa phương để tiến hành khám và được hỗ trợ, hoặc liên hệ số điện thoại đường dây nóng của Bộ Y tế: 0989.671.115 nếu nghi ngờ đã nhiễm bệnh

Trong trường hợp kết quả xét nghiệm và siêu âm nghi ngờ thai nhi bị đầu nhỏ, Bộ Y tế yêu cầu các bệnh viện cung cấp đầy đủ thông tin và những tư vấn cần thiết để gia đình quyết định có giữ lại thai hay không.

Tổng hợp
Chia sẻ