Khi con đến tuổi vị thành niên, có 3 đặc điểm cha mẹ phải để ý, 4 điều nên làm: Con trưởng thành hạnh phúc, biết ơn vô cùng
Những đứa trẻ lớn lên được nuông chiều tất yếu thiếu tinh thần chịu khó, thiếu ý chí phấn đấu kiên cường, dũng khí vượt khó, hiện tượng lệch lạc tâm lý ngày càng phổ biến.
Trẻ vị thành niên là một nhóm đặc biệt. Chúng tò mò, hay bắt chước và dễ xúc động, lời nói và việc làm dễ bị cảm xúc chi phối. Đánh giá cá nhân dễ bị ảnh hưởng bởi nhận định của người khác. Tuy nhiên, phần lớn cha mẹ thiếu phương pháp giáo dục hiệu quả, áp dụng lối giáo dục hà khắc hoặc bao bọc con cái, tức là con chỉ học, còn mọi việc khác đều do cha mẹ "khoán".
Những đứa trẻ lớn lên được nuông chiều tất yếu thiếu tinh thần chịu khó, thiếu ý chí phấn đấu kiên cường, dũng khí vượt khó. Ngược lại, hiện tượng lệch lạc tâm lý ngày càng phổ biến. Có trường hợp nghiêm trọng, khi đi sai đường, các em sẽ suy sụp tâm lý, thậm chí có hành vi cực đoan, gây hậu quả khó lường.
Mới đây, kết quả khảo sát thực trạng hành vi tự hủy hoại bản thân của 3.400 trẻ vị thành niên ở các đô thị phía Nam Việt Nam cho thấy có khoảng 37% trẻ có nguy cơ tự hủy hoại bản thân. Trong đó, 6,1% (213 trẻ) cố ý tự thực hiện hành vi gây hại, gây tổn thương, thương tích chính mình (1 đến 4 lần/năm)…
Nuôi dạy trẻ vị thành niên, vì thế, cha mẹ cần nắm bắt quy tắc 3-4 này để con đường trưởng thành của con bớt chông gai, tránh hối tiếc:
3 đặc điểm tâm lý tuổi vị thành niên
(1). Lo lắng và mặc cảm. Bài vở ở trường nặng nề, cạnh tranh gay gắt, kỳ vọng quá cao của cha mẹ khiến nhiều học sinh cảm thấy tự ti, lo lắng, cáu gắt. Do đó, mối quan hệ giữa hai thế hệ dường như căng thẳng hơn, xa cách hơn và thiếu đi sự giao tiếp, tin tưởng, bao dung, thấu hiểu cần thiết.
(2). Ích kỷ và ỷ lại. Hầu hết các gia đình hiện đại đều là con một, cha mẹ chiều con, khiến nhiều đứa trẻ hình thành thói quen ỷ lại, thậm chí có một số học sinh thích cuộc sống "há miệng chờ sung", không thích nghi được với môi trường học đường.
Các em đã quen được nuông chiều lâu ngày nên hình thành tính cách ngang ngược, ích kỷ, kiêu ngạo, khả năng sống độc lập kém, quan hệ giữa các cá nhân căng thẳng. Họ không biết cách quan tâm và bao dung hay cách cư xử, làm việc và hòa đồng với người khác.
(3). Chán học, tâm lý nổi loạn. Nhiều phụ huynh thường xuyên mắng nhiếc, so sánh khiến trẻ tự ti, buông thả bản thân, nảy sinh những cảm xúc mâu thuẫn, dẫn đến rối loạn nhân cách chống đối xã hội, có khuynh hướng phát sinh hành vi xấu như cố tình vi phạm kỷ luật, nội quy nhà trường...
Chán học là một vấn đề nổi cộm, không chỉ học sinh học lực yếu mà cả một số học sinh khá giỏi. Từ chán ghét học tập dẫn đến trốn học, bỏ học để tìm kiếm sự kích thích không phù hợp, từ đó hình thành hàng loạt vấn đề tâm lý, thậm chí gây ra một số hậu quả xấu.
4 điều cha mẹ nên làm
Nguyên nhân của các vấn đề tâm lý này rất phức tạp, bao gồm cả nguyên nhân xã hội, nhà trường, gia đình cũng như bản thân mỗi học sinh, là kết quả tác động qua lại của nhiều yếu tố. Vậy, cha mẹ nên ngăn ngừa và giải quyết những vấn đề tâm lý này như thế nào?
(1). Trước hết, tạo cho con một môi trường gia đình hòa thuận. Gia đình là trường học đầu tiên của đời người, cha mẹ là người thầy đầu tiên của con cái. Một gia đình dân chủ, hòa thuận và tốt đẹp mang lại cho trẻ em một nơi trú ẩn ấm áp, trong khi trong một gia đình độc đoán, cha mẹ và con cái không thể giao tiếp bình thường, dẫn đến tính cách tự ti, khép kín của đứa trẻ.
Tất cả các vết sẹo tinh thần trong gia đình sẽ gây ra các mức độ tổn thương tâm lý khác nhau cho trẻ. Vì vậy, cha mẹ phải đáp ứng những nhu cầu chính đáng và hợp lý của con cái. Thường xuyên giao tiếp với trẻ và xây dựng một bầu không khí gia đình hòa thuận.
(2). Tôn trọng trẻ về mặt tình cảm và tâm lý. Cha mẹ phải hiểu rằng giáo dục con cái vừa là khoa học vừa là nghệ thuật. Con cái là niềm hy vọng của cha mẹ, nên tôn trọng con, không coi con như "tài sản" riêng. Không được cho mình quyền được la mắng, đánh đòn con. Thay vào đó, nên học cách thấu hiểu, khuyến khích con trao đổi ý kiến với mình. Trẻ sẽ lớn lên trong môi trường được yêu thương, tôn trọng cũng sẽ đối xử với người khác tương tự.
(3). Nâng cao phẩm chất của bản thân và làm gương cho con cháu. Quan niệm giáo dục của cha mẹ, phong cách nuôi dạy con cái, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe tinh thần của trẻ và ảnh hưởng đến việc hình thành nhân cách lành mạnh.
Một số cha mẹ vì mải mê vui chơi hoặc quá dành tâm sức cho công việc, buông lỏng việc giáo dục khiến con cái sa ngã. Phụ huynh hiện đại cần hiểu về tâm lý học và các kiến thức khác liên quan đến giáo dục con người, nâng cao phẩm chất của bản thân, không ngừng sửa mình để con cái tiếp nhận hình ảnh tích cực tốt đẹp.
(4). Thường xuyên liên hệ với giáo viên. Thay vì phó mặc cho giáo viên, cha mẹ nên tích cực tham gia các hoạt động của nhà trường như các cuộc họp phụ huynh, hội nghị chuyên đề, v.v., để hiểu về tình hình của con và phương pháp dạy con.
Những ý kiến phản ánh của giáo viên nhà trường phải được tiếp thu và xử lý đúng mực, không bênh con mù quáng, không xử phạt bằng đòn roi. Đối với những vấn đề tâm lý của trẻ, cha mẹ nên phân tích, hướng dẫn và giải quyết kịp thời, tránh để lâu ngày cộng dồn gây ra tác hại nghiêm trọng.