Khám phá cuộc sống trong những căn nhà siêu nhỏ giữa Sài Gòn
Nằm lọt thỏm giữa trung tâm thành phố, những ngôi nhà siêu nhỏ vẫn đang hàng ngày làm nhiệm vụ ôm ấp, bảo bọc bao gia đình. Ăn uống, sinh hoạt và ti tỉ những nhu cầu khác đều gói gọn trong không gian chật hẹp.
Loay hoay trong nhà siêu nhỏ
Không hiếm để tìm gặp những căn nhà siêu nhỏ trong các con hẻm ngoằn nghèo ở góc đường Trần Quang Khải, Quận 1, TP.HCM. Nổi tiếng là khu vực trung tâm của thành phố với nhiều tòa cao ốc hiện đại và các biệt thự hoành tráng, nhưng đi về phía cầu Hoàng Hoa Thám, nhiều người bất ngờ đến mức phải thốt lên: "Nhà ở đây sao nhỏ quá".
Một ngôi nhà siêu nhỏ trong hẻm.
Không gian sinh hoạt trong ngôi nhà nhỏ.
Phòng chật nên đồ đạc bề bộn.
Chủ nhà thường chọn những vật dụng nhỏ...
... để tiết kiệm diện tích
Căn nhà nhỏ xíu này có tới 20 người sinh sống.
Cả một khu hẻm đông đúc dân cư, gia đình nào cũng có từ 4 đến 20 người nhưng tất cả đều chen chúc nhau trong vài mét vuông bé xíu. Vậy nên đồ đạc chỉ vài ba thứ nhưng lại chất đầy lộn xộn vì thiếu không gian. Buôn bán, ăn uống, tắm rửa hay ngủ nghỉ đều phải loay hoay trong khoảng không gian chật hẹp. Một người dân ở con hẻm 68, Trần Quang Khải cho biết: "Trong khu này hiếm nhà lớn lắm, hầu hết toàn nhà siêu nhỏ như vậy".
Hỏi về khó khăn khi sống trong căn nhà, một người dân vui vẻ bảo: "Sống riết là quen cô ơi. Ai có bạn trai, bạn gái gì thì ngồi chơi xíu rồi dắt nhau ra đầu hẻm uống nước hay rủ nhau dạo phố chứ không ngồi lâu trong nhà được vì chỗ đâu mà... đặt mông? Còn chuyện sinh hoạt nhiều lúc cũng bí bách vì vợ chồng, cha mẹ, con cái chung nhau có mấy mét vuông nhỏ xíu. Nhưng cũng ráng căn ke mà sống chớ giờ biết làm sao".
Cuộc sống trong ngôi nhà rộng vỏn vẹn 2m2
Đó là căn nhà siêu nhỏ của cụ Nguyễn Thị Thưởng, ngụ tại địa chỉ 68/143 Trần Quang Khải, Quận 1. Cụ Thưởng sinh năm 1941, quê gốc ở Hải Phòng. Cụ vào Sài Gòn trước năm 1954. Đây là người phụ nữ đặc biệt nhất trong hành trình khám phá những căn nhà siêu nhỏ ở khu hẻm Trần Quang Khải này.
Cụ Thưởng - chủ nhân của ngôi nhà rộng 2 m2.
Vật dụng "nhồi nhét" khắp nơi trong ngôi nhà tí hon.
Chiếc tivi mini.
Chỗ ngủ của cụ Thưởng.
Cầu thang nhỏ leo lên gác đã cũ kỹ theo thời gian
Nhà vệ sinh...
...và chỗ tắm rửa không thể chật hơn.
Nhà nhỏ trong con hẻm nhỏ.
Căn nhà của cụ nhỏ như một hộp diêm vẻn vẹn 2m2 là nơi ăn uống, ngủ nghỉ của cụ Thương. Cụ kể, đây là căn nhà được mua với số tiền ít ỏi cụ dành dụm được từ việc bán lạc luộc cho dân nhậu và số tiền mẹ gửi cho từ quê. Trước năm 1954, ở ngoài Bắc nghèo khổ, thiếu thốn trăm bề, cụ cùng chồng con dắt díu nhau vào Sài Gòn lập nghiệp. Nhưng rồi cuộc sống đạm bạc không thể níu giữ bước chân người chồng, ông quyết định ra đi tìm hạnh phúc mới bên người phụ nữ khác. Lúc ấy, vì thương con và cháu trai nhỏ tuổi phải lang thang, mẹ của cụ đã gửi cho con gái số tiền gom góp bấy lâu để cụ mua ngồi nhà nhỏ này làm tránh mưa nắng.
Cụ gắn bó với ngôi nhà nhỏ này đã hơn nửa đời người, ngày ngày dắt con trai đi mưu sinh với nghề cũ là bán lạc luộc. Tuy thế, cụ cũng cố chắt chiu lo bữa cơm bữa cháo đủ đầy cho con trai học hết lớp 10. Giờ anh đang làm tài xế lái xe taxi.
Căn nhà của cụ Thưởng có diện tích nhỏ nhất trong con hẻm đầy nhà siêu nhỏ này. Trong nhà, đồ đạc của cụ cũng cũng gồm nhiều vật dụng tí hon như nồi cơm mini, bếp ga mini, tivi siêu nhỏ.... Phía trên nhà có 1 gác nhỏ nhưng chỉ dùng làm nơi để đồ vì đã quá cũ kỹ, mục nát. Nhất là sau lần té ngã cách đây 2 tháng, cụ Thương phải đã trải manh chiếu nhỏ xuống nền gạch để nằm vì không đủ sức leo lên, leo xuống nữa. Chỗ nằm ngủ của cụ cũng chật chội, chỉ trải được nửa chiếc chiếu con.
Những ngôi nhà siêu nhỏ nằm lọt thỏm giữa Sài Gòn hoa lệ.
Hẻm xéo với những căn nhà siêu nhỏ dường như là một "đặc sản" mới của Sài Gòn hoa lệ. Đó là nơi có những con người vui vẻ chấp nhận cuộc sống trong không gian chật chội. Nhưng bên cạnh đó cũng có những mảnh đời cô độc khiến chúng ta phải suy ngẫm. Bởi thế, nếu có thời gian rảnh đạp xe lang thang phố xá Sài Gòn và hỏi han những con người bình dị về cách họ xoay xở trong vài ba mét vuông nhỏ bé, chúng ta sẽ cảm thấy trân trọng hơn những gì mà mình đang có.