Kẻ lạ mặt nói "Anh trai cháu bị tai nạn, chú chở cháu đến bệnh viện", cô bé 11 tuổi nhanh trí hỏi lại 1 câu khiến tên bắt cóc bị vạch trần
Nhờ ứng xử nhanh trí, cô bé đã đối phó được thủ đoạn của bọn buôn người.
Những vụ việc trẻ em bị bắt cóc đã không còn là hiếm. Các đối tượng thường tập trung vào những đứa trẻ chưa đủ kỹ năng bảo vệ bản thân, lợi dụng lúc trẻ thiếu sự giám sát của cha mẹ rồi dùng nhiều thủ đoạn để dụ dỗ, bắt cóc. Đã có những trường hợp may mắn được người dân và các cơ quan chức năng phát hiện, giải cứu kịp thời nhưng cũng có không ít vụ việc khiến cha mẹ phải xa lìa con cái, hậu quả thật xót xa.
Tuy nhiên, một bé gái 11 tuổi ở hạt Pinal, bang Arizona, Mỹ đã lật tẩy được chiêu bắt cóc của kẻ lạ mặt nhờ một kỹ năng mẹ dạy. Khi cô bé đang đi dạo cùng bạn gần một công viên chiều thì một người đàn ông lái chiếc SUV màu trắng áp sát. Người đàn ông khoảng 40 tuổi, râu ngắn, khẳng định các anh trai của bé bị tai nạn nghiêm trọng và yêu cầu bé đi cùng.
Bé gái yêu cầu người lạ đọc "mật mã" nhưng hắn không biết câu trả lời và nhanh chóng lủi mất. "Chúng tôi đã đưa ra một mật mã với con và lần này nó đã cứu con bé", Brenda James, mẹ của bé gái cho biết. Theo James, cô chưa bao giờ nghĩ con gái mình sẽ phải dùng tới mẹo "mật mã". "Tôi không bao giờ nghĩ sẽ phải dùng đến nhưng tôi tự hào vì con gái tôi đã nhớ và biết cách sử dụng".
Bố mẹ phải lưu ý và dạy con ngay các nguyên tắc an toàn để tránh bị bắt cóc sau đây:
1. Hét to lên: "Cháu không biết chú ta/cô ta". Nói với trẻ rằng khi một người lạ bắt được con, ngay lập tức con hãy cắn, đá, cào, cấu và cố gắng thu hút sự chú ý bằng mọi giá, ngay cả khi tình huống đó vô cùng đáng sợ.
2. Ngắt cuộc trò chuyện và giữ khoảng cách với người lạ. Trẻ nên biết rằng mình không được phép trò chuyện với người lạ. Nếu có, cuộc trò chuyện nhất thiết kéo dài không quá 5-7 giây. Tốt nhất nên rời đi chỗ khác và tìm tới một nơi an toàn.
Khi cuộc trò chuyện diễn ra, trẻ nên đứng cách người lạ một khoảng 2m. Nếu người lạ cố gắng tiến lại gần, trẻ phải lùi lại một bước. Thực hành tình huống này với con, cho con thấy khoảng cách tầm hơn 2m là như thế nào và nhấn mạnh rằng, phải duy trì khoảng cách đó bất chấp chuyện gì xảy ra.
3. Dạy trẻ tránh đi chung thang máy với người lạ. Dạy trẻ chờ thang máy ở tư thế quay lưng lại tường để con có thể quan sát thấy bất cứ ai đang tiến lại gần.
4. Không để người lạ biết bố mẹ đang đi vắng, cho dù người lạ kia khẳng định mình là bạn với bố mẹ hoặc nói rằng, anh ta/cô ta là thợ sửa chữa. Nếu một người lạ tỏ ra kiên trì và cố gắng đột nhập vào nhà, trẻ phải gọi ngay cho cha mẹ hoặc hàng xóm.
5. Lập mật mã gia đình. Nếu ai đó nói với trẻ: "Đi theo cô/chú. Cô/chú sẽ dẫn cháu đến chỗ bố mẹ", điều đầu tiên mà trẻ nên làm là hỏi lại người lạ: "Tên bố mẹ cháu là gì? Mật khẩu gia đình cháu là gì?".
Dưới đây là những kỹ năng giúp trẻ thoát thân khi bị bắt cóc bố mẹ cần trang bị cho trẻ:
1. Kỹ năng cởi trói
Phần lớn, có khả năng rất lớn là trẻ sẽ bị trói khi bị bắt cóc. Hành động này khiến cho trẻ không thể hành động được gì. Chính vì vậy, kỹ năng đầu tiên mà cha mẹ cần dạy cho trẻ chính là kỹ năng cởi trói.
2. Kỹ năng tự vệ
Khi bị kẻ xấu tiếp cận, hãy dạy trẻ học cách la lớn đồng thời giãy giụa khi bị kẻ bắt cóc lôi đi. Sau đó dùng tay, dùng chân tấn công lại kẻ bắt cóc mọi lúc có thể. Các vị trí tấn công có thể là ở đầu gối, chân và vùng nhạy cảm của hắn. Cắn cũng là cách để trẻ tấn công kẻ bắt cóc. Đây là cách khiến cho kẻ bắt cóc đau và lơ đi trẻ, trẻ có thể lợi dụng để chạy trốn.
3. Kỹ năng đối phó kẻ xấu trong thang máy
Hãy dặn trẻ chú ý đến hành vi của người lạ khi ở một mình trong thang máy. Nếu có gì kỳ lạ thì cách thông minh nhất là bấm dừng lại ở tất cả các tầng và kêu cứu. Chắc chắn sẽ không ai dám tấn công trẻ khi mà cửa mang máy cứ liên tục mở.