Israel công bố đột phá chẩn đoán ung thư máu trong tình huống ‘nghẹt thở’

An Khê (Theo Ynet News, Times of Israel),
Chia sẻ

Israel đã phát hiện đột phá trong chẩn đoán ung thư máu chỉ vài giờ trước khi phòng thí nghiệm bị trúng tên lửa Iran.

(Ảnh minh họa: Freepik)

(Ảnh minh họa: Freepik)

Trong một diễn biến nghẹt thở như phim hành động, các nhà khoa học Israel đã kịp thời hoàn tất một phát minh y học mang tính cách mạng trước khi phòng thí nghiệm của họ bị phá hủy bởi tên lửa Iran. Phát minh này hứa hẹn thay thế hoàn toàn sinh thiết tủy xương trong việc phát hiện sớm bệnh bạch cầu và theo dõi quá trình lão hóa máu.

Vào ngày 15/6, chỉ vài giờ trước khi một quả tên lửa của Iran rơi trúng tòa nhà nghiên cứu tại Viện Khoa học Weizmann (Israel), hai nhà khoa học là Giáo sư Liran Shlush và Amos Tanay đã kịp thời công bố công trình nghiên cứu đột phá sau nhiều năm nỗ lực.

Công trình sau đó được đăng tải trên tạp chí Nature Medicine mới đây, giới thiệu một phương pháp xét nghiệm máu không xâm lấn, có khả năng phát hiện sớm các dấu hiệu tiền ung thư máu và theo dõi tốc độ lão hóa của hệ thống tạo máu - điều mà trước đây chỉ có thể làm thông qua sinh thiết tủy xương đầy đau đớn và tốn kém.

Israel công bố đột phá chẩn đoán ung thư máu trong tình huống ‘nghẹt thở’ - Ảnh 1.

(Ảnh minh họa: X)

Theo Giáo sư Shlush, khi con người già đi, các tế bào gốc tạo máu - vốn sinh ra toàn bộ các tế bào máu trong cơ thể - bắt đầu tích tụ đột biến gen và dần chiếm ưu thế trong tủy xương. Điều này dẫn đến sự ngưng trệ trong quá trình biệt hóa, khiến máu không còn sản xuất đủ tế bào khỏe mạnh, tạo điều kiện cho các bệnh lý nghiêm trọng như hội chứng rối loạn sinh tủy (MDS) và ung thư máu cấp tính (AML).

"Trước đây, để phát hiện những tế bào này, bác sĩ buộc phải khoan vào xương để lấy mẫu tủy - một thủ thuật không chỉ đau đớn mà còn phức tạp, đắt đỏ và đôi khi không cho kết quả rõ ràng", Shlush chia sẻ.

Trong nghiên cứu này, nhóm của ông đã phát hiện rằng một lượng rất nhỏ tế bào gốc có thể "di cư" từ tủy xương ra máu ngoại vi - khoảng một trên một triệu tế bào. Nhờ vào công nghệ phân tích dữ liệu tiên tiến và sự hợp tác với chuyên gia tin học sinh học hàng đầu là Giáo sư Tanay, họ đã giải mã được những đặc điểm phân tử cực kỳ tinh vi của các tế bào này.

Giải mã máu người và cơ chế lão hóa

Các nhà khoa học Israel đã thu thập mẫu máu từ người trẻ, người già, nam giới, nữ giới, thậm chí cả những người có chỉ số mỡ máu cao để xây dựng một bản đồ phân tử về máu khỏe mạnh và máu bệnh lý. Đặc biệt, nhóm nghiên cứu phát hiện tốc độ lão hóa máu ở nam giới nhanh hơn nữ - điều có thể giải thích vì sao đàn ông có nguy cơ mắc ung thư máu cao hơn.

"Chúng tôi không chỉ tìm ra cách nhận diện sớm tế bào bệnh mà còn khám phá ra cơ chế lão hóa của máu, thứ chưa từng được nhìn thấy ngay cả qua sinh thiết tủy", Tanay khẳng định.

Phát hiện của họ không chỉ áp dụng cho hội chứng rối loạn sinh tủy (MDS) mà còn có tiềm năng mở rộng sang nhiều bệnh huyết học khác. Các thử nghiệm lâm sàng hiện đang được triển khai tại nhiều trung tâm y tế lớn trên thế giới.

Israel công bố đột phá chẩn đoán ung thư máu trong tình huống ‘nghẹt thở’ - Ảnh 2.

Một tòa nhà của Viện Khoa học Weizmann ở Rehovot sau khi bị trúng tên lửa của Iran vào ngày 15/6/2025. (Ảnh do Giáo sư Eldad Tzahor cung cấp)

Tuy nhiên, kịch bản tưởng chừng hoàn hảo ấy suýt bị chôn vùi khi một tên lửa từ đợt tấn công của Iran rơi thẳng vào tòa nhà nơi đặt phòng thí nghiệm của nhóm nghiên cứu. Dù công trình đã được gửi đi công bố, nhưng hàng năm trời nghiên cứu, mẫu sinh học quý giá và dữ liệu chưa xử lý có nguy cơ bị mất trắng.

"Phòng thí nghiệm của tôi nằm đúng nơi bị trúng đạn", Giáo sư Shlush kể lại. "Nguồn điện bị ngắt, các tủ đông chứa mẫu sinh học bắt đầu nóng lên. Chúng tôi biết mình phải hành động ngay lập tức".

Không chờ đợi, ông cùng các học trò lao vào tòa nhà bị phá hủy, chạy từ tủ lạnh này sang tủ lạnh khác để cứu không chỉ mẫu của mình mà cả của các đồng nghiệp. "Chúng tôi không nghĩ đến bản thân. Chúng tôi chỉ biết rằng nếu không cứu kịp, nhiều năm nghiên cứu sẽ biến mất mãi mãi", ông nói trong xúc động.

Với công trình này, giới khoa học kỳ vọng có thể thay thế sinh thiết tủy xương - một thủ thuật được thực hiện gần 1 triệu lần mỗi năm chỉ riêng tại Mỹ. Nhờ xét nghiệm máu thông minh và chính xác, việc phát hiện và theo dõi các bệnh huyết học sẽ trở nên đơn giản, nhanh chóng và ít đau đớn hơn rất nhiều.

"Chúng tôi đã vượt qua sóng gió, từ thách thức y học đến hiểm họa chiến tranh. Nhưng chúng tôi không dừng lại. Đây chỉ là bước lùi tạm thời. Chúng tôi sẽ trở lại mạnh mẽ hơn", Giáo sư Shlush khẳng định.

Giữa đổ nát và tro tàn, một công trình khoa học vĩ đại vẫn sống sót và thắp lên hy vọng cho hàng triệu người trên khắp thế giới.

Chia sẻ