Hứng trọn ca axit của hàng xóm, cả gia đình bị biến dạng, con ghê sợ khi nhìn thấy mẹ
Đã hơn 4 năm trôi qua, nhưng nỗi đau của vụ tạt axit xảy ra tại gia đình anh Nguyễn Quốc Tuấn (41 tuổi, quận Gò Vấp, TP. HCM) vẫn dai dẳng còn đó.
LTS: Đã có rất nhiều vụ trả thù nhau bằng cách tạt axit. Đó là tội ác khiến nạn nhân đau đớn và gánh chịu hậu quả nặng nề đến hết cuộc đời. Vết thương không bao giờ lành, nỗi đau không bao giờ dứt, sự ám ảnh chẳng thể nào nguôi. Nạn nhân mới đây nhất, cô sinh viên xinh đẹp Thu Hương đang đi học ở Sài Gòn bị biến dạng cả khuôn mặt, nguy cơ mù mắt chỉ vì đi cùng với người bạn mà người ta nhắm để trả thù. Nhưng nạn nhân của tội ác mang tên axit đâu chỉ có Thu Hương, còn nhiều người khác và những câu chuyện khác đau đớn và nhức nhối...
Nỗi đau mang tên axit
Vết thương trên đầu
cháu Nguyễn Quốc Huy Bảo (8 tuổi, con trai anh Tuấn) và vợ chồng anh Tuấn (Gò Vấp, TP.HCM) đã
lành nhưng cuộc sống của gia đình họ đã vĩnh viễn không thể nào quay lại như
trước đây. Anh Tuấn bị mù cả hai mắt với tỷ lệ thương tật vĩnh viễn là 96%, vợ
con anh mỗi người thương tật từ 60% đến 67%. Cả cơ thể, khuôn mặt anh và vợ con
gần như bị biến dạng hoàn toàn. Những hình ảnh ấy, số liệu ấy hẳn làm nhói lòng
bất cứ ai…
Buổi
sáng ấy, khi chị Xuân đang gắng may xong những bộ đồ cuối năm cho khách, anh Tuấn
đang trông cửa hàng tạp hóa trước nhà thì người hàng xóm Lâm Tiến Dũng xuất hiện
với ca axit trên tay. Ca axit ấy được tạt thẳng vào người anh Dũng, chị Xuân và
bé Bảo. Hoảng hốt, anh chị dẫn con mở cửa sau tháo chạy. Quần áo họ cháy rơi từng
mảng, khi vào tới bệnh viện thì cả gia đình đã bị cháy đen, lịm đi vì kiệt sức
và sợ hãi...
Chỉ vì một
chút mâu thuẫn nhỏ khi sống cạnh nhà nhau mà người hàng xóm đã ra tay tàn độc với cả gia đình chị Xuân, anh Tuấn.
Cả gia đình anh Tuấn được cấp cứu ở Bệnh viện 175 rồi chuyển qua Bệnh viện Chợ Rẫy ở TP.HCM. Bé Bảo được điều trị ở Bệnh viện Nhi Đồng 2. “Đó là những ngày tháng khủng khiếp nhất trong cuộc đời mà tôi không bao giờ muốn nhớ”, giọng chị Xuân nấc nghẹn, nước mắt rơi ướt đẫm trên khuôn mặt bị biến dạng vì axit. “Nằm trong bệnh viện với cả cơ thể bị thương tích, tôi thấy bản thân mình sao mà lầy lội, sao mà ghê tởm đến như vầy. Đã muốn buông xuôi mấy lần rồi. Cứ vài ngày bác sỹ lại đẩy lên cắt bỏ da chết, cắt ghép da, rồi dịch vàng tươm ra. Mỗi ngày chích mười mấy ống thuốc, đau đớn tưởng xé da xé thịt….”.
Những
lúc ngỡ mình không còn sức để vượt qua, chị đòi bỏ viện về nhà. Anh đòi tự vẫn.
Bạn bè khuyên họ phải sống để dạy dỗ các con. Các bác sĩ phải mót từng miếng da
trên phần cơ thể còn lành lặn của anh chị để ghép vào vùng da bị thương tích.
Con không dám nhận mẹ
Sau 3
tháng nằm viện, chị được xuất viện về trước. Bé Bảo về sau. Ngày về nhà, Bảo đứng
sững ở cửa nhìn mẹ hoảng sợ. Bảo không dám lại gần mẹ mà ôm chặt tay bà ngoại.
Chị đau đớn chết lặng nhìn những vết thương rạch chằng chịt khắp khuôn mặt và
cánh tay con. Càng đau lòng hơn khi chị biết cơ thể mình bị biến dạng làm con
hoảng sợ.
Chị Xuân
và Bảo vẫn sống trong ngôi nhà nhỏ ở đường Nguyễn Văn Nghi, quận Gò Vấp. Khi chị
Xuân ra viện thì gia đình hàng xóm đã dọn đi đâu mất. Sau mấy tháng tạm giam,
Lâm Tiến Dũng được chuyển xuống một bệnh viện tâm thần ở Đồng Nai. Công an quận
Gò Vấp đã ra quyết định tạm đình chỉ điều tra vụ án hình sự vì kết quả giám định
cho thấy Dũng có dấu hiệu tâm thần phân liệt… Chỉ còn lại những cơn đau, sự ám ảnh
của mẹ con chị Xuân trong ngôi nhà cũ cứ dai dẳng.
Anh Tuấn về Long An với mẹ và hàng xóm vì không muốn mình là gánh nặng cho vợ con (ảnh A.N).
Số tiền
nhà hảo tâm giúp, anh Tuấn để lại cho vợ con điều trị. Biết mình trở thành gánh
nặng cho vợ con, anh nhất mực đòi về Long An ở với mẹ. 41 tuổi, anh trở thành
người tàn phế với đôi mắt bị mù và cả cơ thể biến dạng. Bà Phạm Thị Kiệu (70 tuổi,
mẹ anh Tuấn) vẫn nhặt nhạnh từng đồng để nuôi con. Những ngày mới trở về quê,
anh Tuấn hầu như không nói cười. Giây phút hiếm hoi người ta thấy anh rạng rỡ
là khi nghe giọng con qua điện thoại. Bây giờ, khi những vết thương đã lành, thỉnh
thoảng anh lên TP HCM thăm vợ con rồi lại trở về quê với mẹ. Xin việc làm thêm
không ai nhận, hằng ngày chị Xuân nhận mối may quần áo quanh khu phố và làm
thêm những việc lặt vặt khác để kiếm chút tiền nuôi con…
Bác sĩ
nói nếu có 600 triệu đồng qua Singapore chữa trị thì anh Tuấn sẽ sáng được một
con mắt. 600 triệu đồng, số tiền có nằm mơ cả đời bà Kiệu cũng không dám tin
mình sẽ có. Bà chỉ lo mình đã gần đất xa trời, khi bà ra đi không còn ai chăm
anh Tuấn nữa. “Người ta ác quá! Sao dùng axit mà hủy hoại cuộc đời con cháu tui
như vầy! Giờ có oán hận cũng không được gì. Chỉ mong mắt con tui sáng, dù chỉ một
bên thôi cũng được, để nó về với vợ con, nó đi bán vé số kiếm sống qua ngày…”.
Ước mơ nhỏ bé ấy của bà Kiệu đến bây giờ vẫn chưa thể thành sự thực…
Axit đã hủy hoại tàn nhẫn một gia đình hạnh phúc. Nỗi đau ấy không gì xóa được. Nó cứ dai dẳng đến suốt cuộc đời.