Hot girl "Về nhà đi con" suýt tự tử vì bị phát tán clip sex lại bị chửi bới thậm tệ trên MXH: Bạn chắc trong điện thoại của mình không có gì đó "nóng" chứ?
Thật nực cười khi nạn nhân lại là người bị lên án chứ không phải kẻ xấu.
Ngày 27/5, đoạn clip nhạy cảm của hotgirl V.T được lan truyền "chóng mặt" trên mạng. Nữ chính từng đóng một phân cảnh trong phim Về Nhà Đi Con và đã tham gia một cuộc thi nhan sắc vào năm 2020.
Chiều 28/5 V.T đã ở trạng thái kích động, vừa khóc vừa sốc chia sẻ cuộc sống bị đảo lộn và có ý nghĩ tự tử. Cô hiện đang được chăm sóc tại bệnh viện, đồng thời gia đình đã gửi đơn tới cơ quan công an đề nghị làm rõ vụ việc, điều tra người phát tán clip nhạy cảm.
Khi "búa rìu dư luận" chĩa lệch hướng, nạn nhân lại là người bị lên án chứ không phải kẻ xấu
Ở thời điểm chưa đầy 24h kể từ thời điểm clip nóng của hotgirl này bị lộ, đã có hơn 200.000 lượt tìm kiếm trên Google. Sức nóng của những clip sex chưa bao giờ bị nguội đi, số đông vẫn tò mò muốn biết người ta đang bàn tán điều gì và chuyện gì đang xảy ra và không ai muốn mình trở thành... "người tối cổ".
Nhưng điều đáng ngạc nhiên hơn là sau chia sẻ đầy tâm trạng và suy sụp của nạn nhân, người được cho rằng bị phát tán clip ngoài mong muốn, thì cộng đồng mạng chẳng những không thương lại còn mắng: "Muốn người ta không phát tán thì đừng quay video", "lúc quay sao không nghĩ tới hậu quả", "giả nai"...
Búa rìu dư luận dường như lại tấn công vào cô gái đang hoảng loạn vì kẻ xấu làm cho cuộc sống của cô xáo trộn, thậm chí đã nghĩ tới chuyện tự tử để kết thúc tất cả.
Lý giải cho điều này 1 số người giải thích là do họ thấy V.T chủ động cho việc ghi hình, không phải cô bị quay lén. Tuy nhiên, tất cả những điều này đang được cho là 1 góc nhìn đầy cảm tính của dư luận. Nhiều người dường như đang dùng cái nhìn khá độc đoán và vô tình tiếp tay cho tội ác là những kẻ "truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy".
Pháp luật đã nêu rõ theo Khoản 1, Điều 326 Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017, người phát tán clip đồi trụy có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội "Truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy" khi phổ biến cho từ 10-20 người. Trường hợp đoạn clip phổ biến cho người dưới 18 tuổi hoặc từ 20-100 người có thể bị phạt tới 10 năm tù. Nếu phổ biến cho trên 100 người thì hình phạt có thể lên đến 15 năm tù giam.
Như vậy, rõ ràng có thể hiểu như những gì V.T phân trần cô đang là nạn nhân và đã bị xâm phạm về đời tư, làm xáo trộn cuộc sống và đời sống tinh thần của chính cô. Thế nhưng, thay vì lên án kẻ vi phạm pháp luật, dư luận lại đổ lỗi cho nạn nhân và có thái độ không thương xót.
Bạn chắc trong điện thoại của mình không có gì đó "nóng" chứ?
Nếu như những ngày qua, Google tại Việt Nam từ khóa hot là nữ doanh nhân Nguyễn Phương Hằng, bà chủ Đại Nam, vợ ông Huỳnh Uy Dũng và những lùm xùm xung quanh Hoài Linh, Vy Oanh, MC Kỳ Duyên, ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng... Đến ngày 27 – 28/5, nữ diễn viên 23 tuổi chuyện clip của cái tên V.T đã đứng đầu xu hướng tìm kiếm trên tất cả các nền tảng từ Facebook, đến Google, hay cả Youtube.
Trong thời đại số, bất cứ ai trong chúng ta 1 ngày đều cũng có thể là nạn nhân. Bạn có đủ tự tin để cho rằng chiếc điện thoại của mình không có gì "nóng"? Đừng nghĩ đơn thuần "nóng" là sex, nó có thể là một nội dung nào đó chỉ của riêng bạn và bạn không có ý định chia sẻ nó với mọi người. Chính bạn sẽ như thế nào nếu những hình ảnh có tính riêng tư được phơi bày ra trước công chúng? Hãy thử 1 lần đặt vị trí mình vào vị trí của V.T bạn sẽ hiểu.
Cuộc sống sau đó thì thế nào? Khi bạn đi chợ, đi dạo phố hay làm bất cứ điều gì cũng có thể bị bàn tán, chỉ trỏ với những đôi mắt như muốn... lột truồng bạn.
Pháp luật không cấm việc các đôi yêu nhau được quay cảnh riêng tư giữ làm kỷ niệm, nhưng hành vi phát tán trái phép nó thì đã cấu thành tội phạm. Điều đó tương đối rõ ràng. Người cần lên án là kẻ phát tán clip có tính riêng tư, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống cá nhân 1 con người, nhưng cuối cùng "búa rìu dư luận" dường như lại đi lệch hướng mà công kích chính nạn nhân.
Những câu công kích kiểu "chiêu trò PR rẻ tiền", "mình tự quay chứ ai nữa mà hoảng với chả loạn", "người đoàng hoàng thì không bao giờ quay clip sex", "có chơi có chịu"... Tất cả những lời phán xét như thể bạn là người biết tường tận sự việc được đưa ra. Vâng, đó chính xác là sự vô tâm, vô tâm tới tàn nhẫn!
Khoan hãy nói thực sự đây là chiêu trò PR hay không, cô gái này có tư cách đạo đức như thế nào vì cơ quan công an điều tra chưa có kết luận và bạn càng không phải là người trong cuộc. Nhưng như những gì nhân vật chia sẻ cô ấy đã nói và đã làm đơn gửi cơ quan công an để điều tra tìm ra người phát tán clip thì có thể cho thấy cô ấy là nạn nhân.
Trên thực tế thì cộng đồng mạng TỪ-CHỐI-HIỂU. Rất nhiều người sử dụng tư duy đầy cảm tính và thành kiến của mình để phán xét nạn nhân. Trong khi điều đáng lẽ cần làm là lên án đối tượng phát tán đoạn clip. Đó mới là tội phạm.
Chúng ta rất khó để có thể cấm sự hiếu kỳ của dư luận, nhưng điều bạn cần làm là có thái độ nhìn nhận đúng về vấn đề khi nó xảy ra.
Bất kỳ ai dùng smart phone cũng có thể là nạn nhân, xin đừng vô cảm
Theo Luật sư Trần Xuân Tiền, Trưởng văn phòng luật sư Đồng Đội, Đoàn luật sư thành phố Hà Nội, thì việc phát tán clip đồi trụy là hành vi rất nguy hiểm, ảnh hưởng xấu đến sự lành mạnh của văn hóa xã hội, đồng thời xâm phạm nghiêm trọng đến danh dự, nhân phẩm của nạn nhân.
Luật sư Tiền cũng cho rằng cơ quan chức năng cần siết chặt công tác quản lý không gian mạng để gia tăng trách nhiệm của các chủ tài khoản trong việc sử dụng, cung cấp thông tin cũng như kịp thời xử lý những hành vi trái pháp luật xảy ra như trên.
Trong 1 bài phỏng vấn gần đây, Bà Khuất Thu Hồng, chuyên gia xã hội học cũng nói: "Trong thời đại công nghệ số, bất kỳ người dùng mạng nào cũng có thể là nạn nhân bởi tin tặc hay vô tình bị rò rỉ dữ liệu đời tư cá nhân. Việc đón nhận những thông tin phản cảm hay lên án người khác cũng cần phải thận trọng. Trong không gian mạng này còn có vô vàn danh sách bạn bè là người thân, con em, con cái của bạn bè chúng ta, nên việc ứng xử trên mạng cần văn minh”.
Chia sẻ về xu hướng quay lại clip quan hệ tình dục của những cặp đôi hiện nay, bà Khuất Thu Hồng, chuyên gia xã hội học cũng nói thêm: “Việc nam nữ quay clip, cuộc sống riêng tư của họ tôi không bình luận, trừ hành động quay clip phản cảm của trẻ em dưới 16 tuổi; người có gia đình quan hệ bất chính với người khác rồi quay clip sex là hành động vi phạm luật. Việc tung clip nhạy cảm, dù có sự đồng thuận của chủ nhân trong clip hay bị người thứ 3 phát tán cũng đều là vi phạm và gây phản cảm”.
Tốc độ lan truyền của clip sex và những bình luận có tính ác ý vô cảm từ cộng đồng mạng có thể giết chết 1 con người. Đã không ít trường hợp đã từng xảy ra như thế, nhiều cái chết oan nghiệt xảy đến với những nạn nhân mà lỗi thực sự không thuộc về họ.
Bạn không thể dám chắc chắn chiếc điện thoại của mình, của con em mình toàn những thứ trong sạch và càng không thể khẳng định rằng những hình ảnh riêng tư của mình không bao giờ bị phát tán trên mạng.
Chính vì thế, trước tiên hãy xây dựng 1 ý thức văn minh trên mạng. Không truyền bá clip sex, lên án đúng người, đúng tội và có cái nhìn cảm thông với nạn nhân.
Bạn không ở trong nhà họ để biết chắc chắn sự thật là gì, vì thế dù không yêu cũng đừng buông lời đắng cay.