Hơn 50 tấn nội tạng lậu, hàng trăm ngàn sản phẩm vi phạm bị thu giữ ở TPHCM
Hàng tấn nội tạng, khô bò, bia nhập lậu không rõ nguồn gốc bị thu giữ. Nhiều điểm bán trên mạng xã hội, website thương mại điện tử rao hàng "xịn", nhưng thực chất là hàng lậu, hàng giả. TPHCM đang mở đợt cao điểm truy quét, siết chặt kiểm tra thực phẩm và hàng hóa gian lận thương mại.
Chiều 15/5, tại buổi họp báo định kỳ về tình hình kinh tế - xã hội, ông Nguyễn Quang Huy – Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường TPHCM, nhận định tình trạng thực phẩm kém chất lượng , không rõ nguồn gốc vẫn đang diễn biến phức tạp, các hình thức vi phạm xuất hiện cả ở chợ truyền thống lẫn các sàn thương mại điện tử.
Theo ông Huy, các mặt hàng vi phạm rất đa dạng, từ thực phẩm tươi sống, thực phẩm chế biến sẵn đến các loại đường, yến sào, thực phẩm chức năng. Hành vi phổ biến là kinh doanh hàng hóa không rõ xuất xứ, sử dụng nguyên liệu hết hạn, vi phạm quy định về ghi nhãn, điều kiện vệ sinh trong sản xuất, chế biến.

Ông Nguyễn Quang Huy – Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường TPHCM, trả lời tại họp báo. Ảnh: Anh Nhàn
Thời gian qua, lực lượng Quản lý thị trường TPHCM đã phát hiện và xử lý hàng loạt vụ việc đáng chú ý. Trong đó, có vụ tạm giữ 50 tấn nội tạng động vật đông lạnh không rõ nguồn gốc tại TP Thủ Đức, với tổng giá trị gần 4,5 tỷ đồng, đi kèm mức xử phạt 315 triệu đồng và tiêu hủy toàn bộ lô hàng.
Ngoài ra, gần 7 tấn đường tinh luyện nhập lậu được phát hiện tại huyện Củ Chi và 18.200 chai bia nhập lậu bị thu giữ ở quận 12. Một tấn khô bò không rõ nguồn gốc được rao bán trên mạng xã hội cũng đã bị xử phạt 100 triệu đồng. Đặc biệt, chỉ trong ngày 14/5, lực lượng chức năng kiểm tra hai điểm kinh doanh tại chợ Bình Tây và quận 8, thu giữ nhiều hộp yến sào và hơn 100 gói bột thực phẩm không rõ xuất xứ, một phần được bán qua website thương mại điện tử.
Trước thực trạng trên, Sở Công Thương TPHCM đang triển khai nhiều biện pháp đồng bộ nhằm kiểm soát thực phẩm không rõ nguồn gốc, từ tăng cường kiểm tra đột xuất tại các chợ đầu mối, siêu thị, trung tâm thương mại, kho chứa… đến phối hợp liên ngành với Công an, Sở Y tế, Ban An toàn thực phẩm. TPHCM cũng tiếp tục thực hiện kế hoạch hậu kiểm an toàn thực phẩm năm 2025, đẩy mạnh tuyên truyền, ký cam kết với các cơ sở kinh doanh không vận chuyển, sản xuất, buôn bán hàng giả, nhập lậu, không rõ nguồn gốc. Đường dây nóng của lực lượng Quản lý thị trường được duy trì để người dân có thể phản ánh kịp thời các dấu hiệu vi phạm.
Đáng chú ý, TPHCM đang đẩy mạnh chương trình “Tick xanh trách nhiệm” – một sáng kiến khuyến khích nhà sản xuất, nhà cung cấp, hệ thống bán lẻ tham gia kiểm soát chất lượng hàng hóa và dán nhãn Tick xanh truy xuất nguồn gốc. Đây được xem là công cụ giúp người tiêu dùng dễ dàng nhận diện và chọn mua sản phẩm an toàn.
Trong lĩnh vực thương mại điện tử, công tác quản lý chất lượng hàng hóa đang đối mặt với nhiều thách thức như tính ẩn danh, xuyên biên giới và sự phát triển nhanh của công nghệ. Tuy vậy, từ năm 2024 đến nay, lực lượng Quản lý thị trường TPHCM đã kiểm tra và xử lý 393 vụ vi phạm thương mại điện tử, tạm giữ gần 129.000 sản phẩm như vàng trang sức, mỹ phẩm, thực phẩm, quần áo… với tổng trị giá hơn 8,8 tỷ đồng và số tiền xử phạt hơn 8 tỷ đồng.
Ông Huy thừa nhận, việc giám sát hàng hóa trên không gian mạng vẫn còn gặp khó khăn do nhiều đối tượng kinh doanh không công khai danh tính, không đăng ký kinh doanh, hoặc sử dụng mạng xã hội để rao bán hàng. Không ít sản phẩm quảng cáo sai sự thật, thiếu hóa đơn chứng từ và không có nguồn gốc rõ ràng. Một số hành vi vi phạm chưa có quy định xử lý cụ thể, dẫn đến việc tái phạm vẫn diễn ra.
Để khắc phục, Sở Công Thương đề xuất tăng nặng chế tài xử phạt, đặc biệt với các hành vi có tổ chức, tái phạm nhiều lần hoặc cố tình thu lợi bất chính. Các trường hợp nghiêm trọng gây hại sức khỏe cộng đồng có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Ngoài ra, TPHCM đang nghiên cứu xây dựng cơ sở dữ liệu vi phạm liên ngành, công khai thông tin các cơ sở vi phạm trên phương tiện truyền thông để tăng tính răn đe.
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, từ ngày 15/5 đến 15/6, TPHCM sẽ mở đợt cao điểm kiểm tra, truy quét hàng lậu, hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ, đặc biệt trên môi trường thương mại điện tử.