Hồi ức người phụ nữ "gánh" cả gia đình qua 2 trận chiến: Lòng mẹ thinh lặng, nặng nghĩa tình!

VV,
Chia sẻ

Tôi muốn kể 1 câu chuyện về người phụ nữ “gánh” cả gia đình đi qua 2 cuộc chiến…

Bài viết là câu chuyện của bạn Nguyễn Công Thức (Vĩnh Phúc) kể về người bà của mình.

Là 1 trong những người trẻ thuộc thế hệ biết ơn – một thế hệ được sống hạnh phúc dưới bầu trời hòa bình tươi đẹp, nhân Ngày quốc tế gia đình tôi muốn kể 1 câu chuyện về người phụ nữ “gánh” cả gia đình đi qua 2 cuộc chiến…

Những bước chân trên đường mòn thời chiến

Tôi vẫn nhớ như in ánh mắt của bà ngoại mỗi khi nhắc lại thời mưa bom lửa đạn. Giọng bà chậm rãi, đôi lúc lặng đi, rồi lại sáng bừng như có một đốm lửa cũ dội lên.

“Ngày ấy bà là dân công hỏa tuyến, gùi gạo, tiếp đạn cho bộ đội từ sáng sớm đến khuya. Có lần, bà được gặp bác Giáp ở Điện Biên Phủ. Bác động viên, bà nhớ mãi...”.

Hồi ức người phụ nữ

Bà tôi (Hoàng Thị Lợi, sinh năm 1928) là con gái quê lụa Hà Đông. Lúc trẻ, bà có làn da trắng, mái tóc dài tới gót chân, giọng nói nhẹ như lụa mỏng. Ông tôi (Nguyễn Quốc Tuyên, sinh năm 1927) là bộ đội thời chống Pháp, kể rằng: “Ngày đó gặp nhiều cô nhưng lần đầu thấy bà là ông bị hút luôn. Mũi dọc dừa, nói năng nhỏ nhẹ, đúng người con gái quê, dễ mến, dễ yêu!”. Họ gặp nhau giữa những ngày đất nước đang rực lửa. Trong hoàn cảnh sinh tử, tình yêu nảy mầm – giản dị mà bền chặt như cái cách cả hai chọn 1 mục tiêu, 1 con đường duy nhất, sống hết lòng vì Tổ quốc.

Họ yêu nhau giữa tiếng bom, cưới nhau khi đất nước vẫn chưa ngơi tiếng súng. Chẳng có nhẫn cưới, không váy áo lộng lẫy, chỉ có lời hứa giản đơn: Cùng nhau đi qua chiến tranh, nếu còn sống sẽ về quê dựng nhà, sinh con đẻ cái, sống đời an yên.

Cưới nhau không lâu, ông trở lại mặt trận, còn bà gánh vác gia đình. Một mình bà nuôi con giữa những năm tháng thiếu thốn, bà chưa 1 lần than thở hay gục ngã. Hình ảnh bà bên gánh nước, nắm cơm bọc lá chuối, vừa ru con vừa gói quà gửi ra chiến trường là điều tôi từng nghe mẹ kể đi kể lại. Thẳm sâu trong mắt mẹ là sự tự hào, lòng biết ơn vô bờ bến. Ngày ấy, bà là chỗ dựa, là điểm tựa hậu phương, người giữ lửa cho chồng con vững bước giữa gió bụi chiến tranh.

Bấy giờ ông bà đều có điểm chung: Tình yêu của họ là tình yêu lặng thầm, âm ỷ, là gác lại những cảm xúc cá nhân để hướng về ngày hòa bình không xa của đất nước.

Bà cụ Hoàng Thị Lợi rất minh mẫn ở tuổi gần 100

Nỗi đau khóc không thành tiếng và những hy sinh không gọi thành tên

Người ta thường nghĩ chiến tranh là tiếng bom rơi, đạn nổ, là mất mát, đau thương của những năm tháng chiến đấu không ngừng nghỉ. Nhưng với bà tôi, đó còn là tiếng thở dài giữa đêm khuya, là những đêm trăng vằng vặc soi sáng xuống xóm làng, nơi có những kỉ niệm gia đình sum vầy trong chốc lát. Chồng đi bộ đội, khi hai con trai trưởng thành cũng đều theo chân bố, theo lý tưởng cách mạng. Bác Nguyễn Ngọc Hải và Nguyễn Xuân Hồng đều lần lượt ra trận. Mỗi lần con nhập ngũ là một lần bà tự dặn mình: “Đặt con vào đất nước. Còn nước là còn nhà”. Với bà là: Em yêu anh, mẹ yêu các con và gia đình ta cùng yêu đất nước.

Hồi ức người phụ nữ

Bác cả là sĩ quan quân đội, từng chiến đấu ở chốt 1509 Hà Giang, bị thương rất nặng. Bác hai lái xe vận tải, từng bị pháo giội nhiều lần, trên người không biết bao nhiêu vết sẹo. Bà kể, một chiều đang cắt cỏ cho bò, thấy một người thương binh đi qua, bà giật mình tưởng là con, tim thắt lại. Người ta từng báo con bà đã chết vì đạn vào đầu, hy sinh trên trận địa pháo… Biết bao lần như thế, bà đau đến không thốt lên thành tiếng, nước mắt chảy ngược vào trong. Mẹ tôi bảo, con ngõ ấy in sâu vết chân bà khi ngày nào bà cũng đi ra đi vào chờ 1 tiếng gọi “Mẹ, con về rồi đây”. Hy vọng rồi tuyệt vọng, bà dần quen với những tin xấu liên tục ập đến, bà vẫn an ủi mẹ tôi: “Anh con sẽ về, dù nó có thương tật ngồi xe lăn cả đời thì mẹ vẫn chăm lo cho nó”.

Hồi ức người phụ nữ

Bác cả chăm sóc mẹ khi tuổi già sức yếu

Bảy năm không tin tức, bảy năm dài đằng đẵng đối với người làm mẹ, bà sống trong lo lắng, chờ đợi. Dù có 1 tia hy vọng, 1 mảnh tin tức bà vẫn bấu víu để gắng gượng vượt qua cơn đau. Cho đến một ngày sau hoà bình, bác trở về mang thương tích đầy người, với những mảnh đạn còn găm trong sọ, trong chân. Vết thương ấy không phẫu thuật được vì rủi ro tử vong. Bác tôi giờ trí nhớ chập chờn, có lúc quên, lúc nhớ, mỗi cơn đau đầu là một lần ký ức chiến tranh hiện về. Người đàn ông rắn rỏi, vững tay súng ngày nào cuối cùng trở về trong vòng tay mẹ già, được mẹ xoa dầu, nấu cháo, giặt áo, lau mặt... Thằng con trai như tôi cũng phải bao lần rơi nước mắt, đúng là anh dũng đến đâu thì về nhà vẫn nhỏ bé trong yêu thương bao la, vô bờ bến của mẹ.

Tôi từng hỏi: “Bà có hối hận khi để các con đi bộ đội không?”. Bà mỉm cười, đôi mắt trũng sâu những nếp thời gian – nếp nhăn hiện cả 1 câu chuyện lịch sử, ký ức vang dội: “Có chứ. Nhưng nếu được chọn lại, bà vẫn làm thế. Vì lúc đó không ai nghĩ cho riêng mình”.

Hồi ức người phụ nữ

Tình yêu sống tiếp qua ba thế hệ

Khi đất nước hòa bình, ông bà tôi trở về làng Cổ Tiết, huyện Tam Nông, Phú Thọ. Hôn nhân của họ được tô vẽ bằng cây bưởi sau vườn kết trái, tiếng chim hót trong trẻo bên luống rau xanh, tiếng trẻ con vang lên giữa sân gạch đỏ. Nhưng đâu đó vẫn văng vẳng tiếng rít của đạn bom trong trí nhớ ông – người lính từng bị bom napan làm hỏng phổi. Có những lúc, nghe tiếng thở khò khè của ông bà nhẹ nhàng vuốt ngực, tiếng thở nặng trĩu, thổn thức khiến đứa cháu đang hưởng nền hòa bình như tôi phải đau nhói.

Hồi ức người phụ nữ

Cả thanh xuân dành hết sức trẻ cho đất nước, về già ông bà mới chụp vội cùng nhau bức ảnh chung

Yêu nhau giữa thời chiến, hẹn ước trong khói lửa, xây dựng gia đình khi cuộc sống còn thiếu thốn nhưng qua bao thập niên tôi chưa bao giờ nghe ông bà cãi nhau, phàn nàn hay nói nặng với nhau 1 lời. Họ không lãng mạn ngọt ngào, họ yêu nhau và “bận” yêu nước, nhưng tình yêu cứ nhẹ nhàng lan tỏa, trường tồn vĩnh cửu. Ông thường ngồi quạt cho bà những trưa hè. Bà thì cặm cụi nấu món canh rau ngót ông thích. Tôi từng nghĩ: Có phải yêu nhau lâu là thế, không cần nói, chỉ cần ở bên nhau và cùng giữ chắc bình yên này là đủ?

Sau này, mẹ tôi – con út của bà cũng tình nguyện viết đơn nhập ngũ, trực thuộc binh chủng Tăng – Thiết giáp. Mẹ nên duyên với bố cũng là bộ đội. Gia đình tôi, hình như dòng máu yêu nước cứ thế chảy nối tiếp.

Hồi ức người phụ nữ

Bố Thức là Đại tá Nguyễn Công Chiến - Binh chủng Tăng - Thiết giáp

Những năm mẹ công tác, bà ngoại 80 tuổi vẫn xuống chăm tôi – đứa cháu ngoại nhỏ nhất. Tôi nghịch, bà không la mắng. Tôi đòi nuôi vịt, bà đi chợ mua. Tôi ăn kẹo, bà không cấm. Với chúng tôi, bà là “đồng minh” số một. Bà không phải người nghiêm khắc. Bà là người lặng lẽ đứng sau, chống đỡ cả gia đình bằng sự nhẫn nại, yêu thương và hy sinh không lời.

Giờ đây, bà đã gần 100 tuổi, trí nhớ không còn tốt, mắt đôi lúc mờ đi nhưng mỗi khi nghe bài hát “Màu hoa đỏ”, bà lại rưng rưng. Tôi không bao giờ quên lời bà từng thì thầm khi ôm tôi ngủ: “Cháu lớn lên nhớ sống tử tế. Đừng để Tổ quốc buồn…”.

Tôi là Gen Z – một thế hệ sinh ra trong hòa bình, lớn lên trong công nghệ nhưng mỗi lần nhìn vào tấm ảnh ông bà thời trẻ, bà tóc dài đen nhánh chấm gót, ông mặc áo lính đứng bên tôi thấy lòng mình lặng lại, tự hào và yêu thương. Bởi đằng sau những phồn hoa hôm nay là biết bao mất mát. Và đằng sau ánh hào quang của một đất nước độc lập là những người vợ, người mẹ như bà tôi, âm thầm, tảo tần, không tên tuổi nhưng mãi mãi không thể thay thế.

Hồi ức người phụ nữ

Thức thường xuyên đưa mẹ và các bác đi du lịch

Tôi muốn kể câu chuyện này để chính thế hệ những người như tôi – thế hệ biết ơn sẽ không quên giá trị của hòa bình hôm nay ta đứng. Mẹ tôi đã bước tiếp con đường của bà. Còn tôi, tôi sẽ giữ gìn ký ức, giữ lấy yêu thương và biết ơn như giữ một ngọn lửa truyền đời.

Như nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm từng viết:

“Đất nước là nơi anh đến trường

Nước là nơi em tắm

Đất nước là nơi ta hò hẹn

Đất là nơi em đánh rơi chiếc khăn trong nỗi nhớ thầm…”.

Bà tôi là một phần của đất nước ấy, là người mẹ, người vợ, người bà… đã giữ lửa qua bao mùa giông gió.

Chia sẻ