"Hội chứng quá nhiều ý tưởng" là gì và tại sao nó có thể vắt kiệt cả thể xác lẫn tinh thần của chị em
Có quá nhiều ý tưởng đến mức không biết phải làm gì, đôi khi còn nguy hiểm hơn việc cạn kiệt ý tưởng.
Hội chứng quá nhiều ý tưởng
Theo The Mind, có đến 9/10 người làm trong lĩnh vực sáng tạo như viết lách, marketing... bị "chết chìm giữa mớ ý tưởng trong đầu họ."
Chuyện nghĩ ra lắm thứ quá rồi chẳng biết bắt đầu từ đâu không hề hiếm gặp, thậm chí nó đã được các nhà nghiên cứu gọi là "Hội chứng quá nhiều ý tưởng" (Too Many Ideas Syndrome - TMIS).
Chắc hẳn, bạn đang tự hỏi có nhiều ý tưởng không phải là điều tốt sao? Có lẽ, chị em chưa nghe nhiều về TMIS, vì phàn nàn về việc "quá sáng tạo, quá nhiều ý tưởng" giống như kêu ca "tại sao tôi liên tục được tăng lương?"
Không hề tốt đâu nhé.
TMIS khiến người mắc không thể tập trung, gây ra suy nhược tinh thần thông qua một số biểu hiện như: Nhìn chằm chằm vào khoảng không; liên tục do dự, trì hoãn, lo âu và thậm chí là mất ngủ.
Hãy đặt bản thân vào tình huống dưới đây:
Đồng hồ vừa điểm 12h30 - đã đến giờ nghỉ trưa ở công ty. Bạn phải rất vất vả để vượt qua dòng người chen lấn, rau mùi và vô duyên trong thang máy để kiếm thứ gì đó bỏ vào bụng.
Để xem nào, trước mặt bạn là khu phố với đủ kiểu hàng quán dịch vụ, lúc này ta phải đối diện với hàng tá lựa chọn khác nhau: Nóng thế này ăn bún chả nhỉ? Nhưng hàng cơm ở góc kia có anh phục vụ xinh trai lắm, không đói cũng muốn vào! Bún đậu mắm tôm cũng rất OK, nghĩ đến là thèm...
Đắn đo và bàn tán mãi thì chợt nhận ra sự thật phũ phàng: Chỉ còn hơn 15 phút nữa là vào ca chiều! Thế là thôi, bạn ngậm ngùi mua tạm cái bánh bao 2 trứng cút không thể ôi hơn, nhai trệu trạo rồi lại vào xô đẩy trong thang máy.
Đây là ví dụ khá đơn giản cho TMIS, chỉ là, tất cả những thứ đó diễn ra trong tâm trí.
Vậy, phải làm gì để TMIS không vắt kiệt cả thể xác lẫn tinh thần của bạn? Mời chị em tham khảo 6 cách dưới đây:
1. Giả thuyết về chiếc váy đỏ
Giả thuyết này cho hay: Trong bất cứ bữa tiệc sang trọng nào, sẽ luôn có nhiều cô gái mặc váy đen hơn váy đỏ (trừ khi có dress-code). Rất đơn giản, các anh trai sẽ đổ dồn sự chú ý vào những cô mặc váy đỏ vì nó nổi bật và gây thu hút hơn.
Như vậy, khi phải đối mặt với hàng núi ý tưởng mông lung trong đầu - hãy đánh giá chúng thật kỹ và chọn ra ý tưởng mang lại nhiều lợi ích, giành được nhiều sự chú ý nhất từ bạn -giống như chiếc váy đỏ trong biển người mặc đồ đen. Khi đó, ta sẽ biết chính xác mình cần nắm bắt thứ gì và bắt đầu thực hiện nó.
2. Tập trung vào ý tưởng có vẻ ngớ ngẩn
Tim Bate, tác giả của cuốn sách siêu dị nhưng siêu thành công "Nuôi con kiểu cướp biển - Lý do vì sao bạn nên dạy con làm cướp biển và 101 mẹo nuôi con," rất thích thú với việc theo đuổi những ý tưởng mà bản thân ông cho là ngu ngốc.
Tim cho hay: "Không có ý tưởng nào là ngớ ngẩn, chỉ là bạn có biết cách phát triển nó hay không. Chỉ cần có thời gian chắt lọc, mọi ý tưởng ngớ ngẩn đều có thể tiến hóa, mọc ra chân tay và thậm chí có cánh - biến thành thứ gì đó đẹp đẽ hơn bạn tưởng nhiều."
3. Chọn ra ý tưởng đáng giá nhất nhờ chạy trốn những ý tưởng khác
Thêm một cách để đối phó với TMIS, là dắt bạn hoặc chó đi dạo, ra công viên chạy vài vòng... Mục đích chính là để tạm tránh xa mớ giấy tờ đồ đạc chất đống chờ bạn giải quyết.
Khi mọi thứ trở nên rõ ràng hơn, hãy ghi chép hoặc note lại những gì hiện ra trong đầu bạn khi cảm thấy bình tâm. Thứ gì khiến bạn kích thích nhất, chính là ý tưởng mà bạn nên theo đuổi.
4. Tự tạo ra áp lực cho bản thân
Dù không có deadline nào trước mắt, hãy giữ thói quen tạo deadline riêng cho bản thân.
Quá nhiều thời gian rảnh rỗi sẽ làm trầm trọng thêm sự lưỡng lự, thiếu quyết đoán và từ đó mắc sai lầm. Lấy ví dụ, học sinh trung học ở Mỹ thường được giao những bài kiểm tra viết nhanh trong 5 phút, giúp khả năng sáng tạo và tư duy nhanh của các em tăng lên đáng kể.
Nên nhớ, luôn cố gắng giảm thời gian để làm một công việc nhất định, nó giúp bạn tránh được xao nhãng bởi những quyết định hay ý tưởng thiếu hiệu quả.
5. Dùng trí tưởng tượng để kiểm soát TMIS
Theo Mind Insight, rất nhiều người làm việc trong lĩnh vực sáng tạo hoặc kinh doanh đã dùng trí tưởng tượng để chế ngự TMIS.
Hãy tưởng tượng tâm trí của bạn là nhà bếp và bạn là đầu bếp, ý tưởng là thứ đang nấu trong nồi. Nên thường xuyên "hé vung để kiểm tra thức ăn," sẽ luôn có nồi chín nhanh hơn số còn lại - đó là ý tưởng đầu tiên bạn nên làm. So sánh ưu điểm và tính khả thi của mỗi ý tưởng cũng là cách thoát ra khỏi sự mông lung.
6. Hệ thống hóa toàn bộ ý tưởng trong đầu bằng giấy nhớ
Cách này được các tiểu thuyết gia áp dụng khá triệt để: Hãy ghi chép toàn bộ ý tưởng trong đầu bạn ra giấy nhớ rồi ghim lên bảng. Nên phân loại các ý tưởng theo màu sắc để dễ phân biệt.
Trong các ý tưởng cùng loại, chọn ra phương án tốt tối ưu nhất. Tiếp theo, xem xét và tự hỏi nếu các ý tưởng này liên quan đến nhau như thế nào, liệu thứ tự thực hiện có giúp phát triển ý tưởng nhanh hơn không? Đến đây, bạn sẽ biết mình nên làm gì.
Tham khảo F.C