Học sinh liên tiếp hỗn chiến, sở GD-ĐT bảo là quy luật bình thường!
Trong 1 tuần, trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk xảy ra 3 vụ học sinh hẹn nhau hỗn chiến, đánh hội đồng bạn nhưng lãnh đạo Sở GD-ĐT tỉnh Đắk Lắk cho rằng mang tính quy luật bình thường, không phải báo động!
Ngày 13-3, Thượng tá Bùi Trọng Tuấn, Trưởng Công an TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk, cho biết hiện cơ quan công an đang tiếp tục mời các em học sinh lên để làm rõ 2 vụ việc đánh nhau khiến một số em bị thương nhẹ.
Đánh nhau loạn xạ trong đêm
Trước đó, tối 4-3, 2 nhóm học sinh của các trường THPT trên địa bàn TP Buôn Ma Thuột hẹn nhau ra quán nước trên đường Hồ Tùng Mậu để giải quyết mâu thuẫn. Tại đây, nhóm hơn 10 em học sinh cấp 3 Trường THPT Hồng Đức đang ngồi tại quán nước thì một nhóm học sinh khác gần 20 em lao vào dùng bàn ghế đánh loạn xạ. Sau khi có người hô lớn "công an, công an" thì nhóm đi xe máy nhanh chóng lên xe bỏ chạy nhưng vụ việc làm một số học sinh bị thương nhẹ. Hiện còn một số em học sinh trực tiếp tham gia đánh nhau đã bỏ trốn khỏi địa phương nên Công an TP Buôn Ma Thuột đang tiếp tục xác minh, đưa về xử lý.
Nhóm học sinh đánh nhau loạn xạ trong đêm
Gần đây, tối 9-3 do có mâu thuẫn với một thiếu niên, một nữ sinh Trường TPHPT Lê Duẩn (TP Buôn Ma Thuột) cùng nhóm thanh thiếu niên hẹn nhau tại khu vực hồ Ea Kao (TP Buôn Ma Thuột) để giải quyết mâu thuẫn. Khi gặp nhau, nhóm nữ sinh cầm dao rựa, gạch đá lao vào tấn công khiến 1 thiếu niên bị chém gây thương tích ở mặt.
Nhiều học sinh đánh hội đồng bạn ngay trong trường
Còn vào ngày 3-3, nhóm nhiều học sinh Trường THPT Ngô Gia Tự (huyện Ea Kar) đã ngang nhiên đánh hội đồng một bạn học ngay trong trường. Nam sinh lớp 10 đã bị nhóm bạn liên tiếp dùng chân, tay tấn công vào mặt, đạp vào đầu. Bị đánh, nam sinh chỉ biết ôm đầu chịu trận trong sự văng tục, cười hả hê của nhóm bạn.
Vụ việc thứ 4 xảy ra vào ngày 27-2 nhưng clip ghi lại cảnh các nữ sinh đánh bạn mới đăng tải trên mạng xã hội. Theo báo cáo của Trường THCS Lê Văn Tám (xã Bình Hòa, huyện Krông Ana), do mâu thuẫn cá nhân, 5 nữ sinh đã đánh nhau ngoài trường với tính chất tương đối nghiêm trọng, vi phạm nội quy, gây ảnh hưởng xấu đến nhà trường.
Nữ sinh cấp 2 đánh bạn tơi bời
Thực tế, trong 2 năm qua, trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk cũng liên tiếp xảy ra rất nhiều vụ việc học sinh hẹn nhau hỗn chiến, đua xe trái phép, nhưng cơ quan chức năng chưa có giải pháp ngăn chặn hiệu quả.
Trách nhiệm của nhà trường rất lớn
Trong khi đó, trao đổi với chúng tôi, Tiến sĩ Đỗ Tường Hiệp, Phó giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Đắk Lắk, cho rằng tình trạng các em học sinh đánh nhau thời gian vừa qua thường rơi vào các em học sinh cá biệt, đã bị nhà trường nhắc nhở nhiều lần. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng bạo lực học đường. Đặc biệt, trước thời đại 4.0, những tiêu cực, tệ nạn xã hội đã len lỏi vào nhà trường. Nếu học sinh bản lĩnh, gia đình giáo dục tốt thì không sao, nhưng một số học sinh bị cuốn vào lối sống tiêu cực. Sở cũng đã có nhiều văn bản chỉ đạo và thường xuyên kiểm tra việc thực hiện giáo dục tư tưởng, đạo đức cho các em học sinh.
"Ngành giáo dục Đắk Lắk trong những năm gần đây đã có bước tiến vượt bậc trong giáo dục đạo đức học sinh. Đối với những vụ việc vừa qua mang tính quy luật bình thường, không phải báo động đối với tỉnh Đắk Lắk. Phần lớn các vụ việc xảy ra ngoài nhà trường nhưng ngành giáo dục vẫn xác định trách nhiệm của nhà trường là rất lớn" - ông Hiệp khẳng định.
Cơ quan công an mời các em học sinh lên làm việc
Còn theo Thượng tá Bùi Trọng Tuấn, Trưởng Công an TP Buôn Ma Thuột, đang ra văn bản đề nghị tăng cường vai trò của nhà trường trong việc giáo dục, quản lý học sinh. Đặc biệt là các trường thường xuyên có học sinh quậy phá, đánh nhau, gây rối. Bên cạnh đó, cũng giao cho công an các phường, xã tuyên truyền, vận động gia đình tăng cường quản lý, giáo dục học sinh. "Có những trường hợp học sinh bỏ nhà đi 3 ngày, khi công an mời lên làm việc thì gia đình mới biết" - Thượng tá Tuấn nói.
Clip nhóm học sinh đánh nhau trong đêm
Cần quản lý việc sử dụng điện thoại
Đại úy Hoàng Văn Thiết, Phó đội trưởng đội Cảnh sát hình sự, Công an TP Buôn Ma Thuột, đề nghị phụ huynh thường xuyên nắm bắt tâm tư, những biểu hiện bất thường của con em để kịp thời ngăn chặn những sự việc đáng tiếc. "Cần quản lý chặt hơn việc các em sử dụng điện thoại, tham gia các trang, nhóm trên mạng xã hội để kịp thời chấn chỉnh" - đại úy Thiết khuyến cáo.