Học sinh làm bài sai "bét nhè", cô giáo không mắng mỏ, chỉ làm 1 hành động mà lập tức gây sốt

Hiểu Đan,
Chia sẻ

Thực tế có rất nhiều giáo viên cực xì tin và gần gũi với học trò.

Hình ảnh những giáo viên nghiêm khắc, chỉn chủ, trên tay lăm lăm cây thước hay sổ ghi đầu bài đã in dấu sâu đậm trong ký ức nhiều thế hệ học trò. Tuy nhiên, ngày nay khi các quan điểm xã hội thay đổi thì thầy cô cũng dần thay đổi theo. Không còn quá khó tính, "thét ra lửa", nhiều giáo viên giờ cực xì tin và gần gũi học trò.

Mới đây, một bài kiểm tra ở Trung Quốc đã nhận về hàng ngàn lượt like trên mạng xã hội nhờ lời phê đáng yêu của cô giáo. Khi học sinh làm bài sai quá nhiều, thay vì chê trách, cô giáo đã viết lời phê bằng hình ảnh "khuôn mặt khóc lóc" kèm những dòng chữ đầy "tâm trạng": "Nếu em làm các câu hỏi cẩn thận hơn, cô giáo sẽ không buồn như vậy".

Học sinh làm bài sai "bét nhè", cô giáo không mắng mỏ, chỉ làm 1 hành động mà lập tức gây sốt - Ảnh 1.


Nhiều người nhận xét, sai lầm là chuyện bình thường khi học sinh làm bài kiểm tra, cha mẹ có thể mất kiên nhẫn khi thấy con làm bài cẩu thả, nhưng giáo viên thì khác. Là giáo viên, kiên nhẫn và biết cách động viên khích lệ học sinh là kỹ năng cần thiết để giúp các em tự tin, từ từ cải thiện trình độ. Lời nhận xét của nữ giáo viên sở dĩ được chia sẻ chóng mặt bởi quá gần gũi dễ thương, khiến học sinh nhớ lâu và có thể cẩn thận hơn sau này.

Nếu học sinh bước vào lớp mỗi ngày và trải qua những giờ học khuôn mẫu mà không có bất kỳ ý tưởng mới nào, các em sẽ dễ dàng mất hứng thú học tập. Giáo viên có thể học hỏi sáng tạo từ cách bố trí lớp học, chế độ khen thưởng, cách chấm bài… đó là điều tốt cho sự phát triển của các em. Đồng thời, khi giáo viên không "keo kiệt" lời khen ngợi, học sinh cũng sẽ cảm nhận được sự quan tâm của thầy cô.

Thầy cô của ngày hôm nay thực sự đã khác xưa rất nhiều, vui tính hơn, hài hước hơn và gần gũi với học sinh hơn. Khác hẳn với các tiết học truyền thống, các giáo viên hiện nay luôn luôn sáng tạo ra các cách truyền đạt khác nhau phù hợp với từng môn dạy của mình. Và không thể phủ nhận, chính những lần bắt "trend", những hành động giản dị gần gũi đời thường như thế đã khiến lũ học sinh, sinh viên có động lực học tập và thích đến trường hơn hẳn, đồng thời kéo gần khoảng cách giữa thầy và trò.

Chia sẻ