Hồ lớn nhất cạn nước khiến vựa lúa của Trung Quốc bị ảnh hưởng
Giống như nhiều thế hệ trước, Zhang Yue và chồng cô dựa vào nguồn nước từ hồ Bà Dương - hồ lớn nhất Trung Quốc để mưu sinh.
Hồ lớn nhất Trung Quốc cạn nước
Theo tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP - Hồng Kông), cặp vợ chồng này thường kiếm được khoảng 60.000 nhân dân tệ (8.700 USD) mỗi năm từ trồng lúa, ngô và vừng ở ven hồ Bà Dương nhưng năm nay, thu nhập của họ có thể sẽ bị cắt giảm một nửa do đợt nắng nóng kỷ lục vào mùa hè và hạn hán đã khiến hơn 20 tỉnh trên cả nước ảnh hưởng.
Hồ Bà Dương và các vùng đất ngập nước xung quanh là nguồn tưới tiêu quan trọng cho tỉnh Giang Tây, một trong những vựa lúa lớn của Trung Quốc.
Mặc dù diện tích của hồ dao động hàng năm giữa mùa mưa và mùa khô nhưng nhìn chung lòng hồ đang thu hẹp lại do tình trạng thiếu mưa trên khắp miền nam Trung Quốc kể từ tháng 7 đã khiến mực nước giảm với tốc độ nhanh kỷ lục, đạt mức thấp nhất là 8m vào đầu tháng 9.
Vào cuối tháng 6, diện tích nước trong hồ là 3.331m2 nhưng nó đã giảm xuống chỉ còn 727m2 vào tuần trước.
Zhang nói: "Tôi chưa bao giờ chứng kiến hạn hán như thế này. Các ao và hồ chứa gần đó đã khô cạn".
Vườn trồng nhà Zhang bị thiếu nước. Ảnh: SCMP
Thời tiết khắc nghiệt, mà các nhà khoa học dự đoán sẽ trở nên phổ biến hơn cùng với biến đổi khí hậu, đã khiến nông dân nhiều nơi phải đối mặt với tình thế khó khăn .
Vụ thu chiếm 3/4 sản lượng ngũ cốc của Trung Quốc. Mặc dù vụ đầu tiên trong 3 vụ lúa của Trung Quốc được thu hoạch trong điều kiện bình thường, nhưng vụ lúa thứ hai đã bước vào giai đoạn trổ bông, còn vụ muộn đang trong giai đoạn sinh trưởng.
Zhang, người có đất canh tác nằm trong số những mảnh đất cằn cỗi nhất trong làng, đang ngày càng lo lắng về vụ hè và vụ thu.
Ở làng cô, ruộng lúa, nương ngô, ruộng tôm cá đều thiếu nước. Cái nóng gay gắt của mùa hè cũng đã gây ra sự xâm nhập của sâu bệnh hiếm gặp.
"Không có một giọt mưa nào kể từ tháng 7, và chúng tôi chỉ có thể trông chờ vào một chút sương vào buổi sáng", Zhang nói. "Nhiệt độ quá cao nên thuốc trừ sâu không có tác dụng khiến vấn đề sâu bệnh trở nên đặc biệt nghiêm trọng".
Hạn hán có thể kéo dài
Cơ quan thời tiết Trung Quốc cho biết, mặc dù đợt nắng nóng đã giảm bớt phần nào, nhưng hạn hán vẫn chưa thuyên giảm và có thể kéo dài sang mùa thu.
Sản lượng ngũ cốc ở Giang Tây, cùng với các tỉnh khác ở trung và hạ lưu lưu vực sông Dương Tử như Hồ Nam và An Huy, có nguy cơ cao nhất. Nhưng các tỉnh khác cũng bị ảnh hưởng, bao gồm Tứ Xuyên, Hồ Bắc, Hà Nam và Quý Châu.
Li Ge, một nông dân ở Giang Tây, cho biết hạn hán chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến sản lượng gạo, nhưng mức độ đầy đủ sẽ rõ ràng nhất cho đến cuối tháng 9.
"Chúng tôi phải chi thêm rất nhiều tiền để chống lại hạn hán", ông Li nói. "Giá phân bón đã tăng lên 200 nhân dân tệ trong năm nay so với mức 115 nhân dân tệ của năm ngoái".
Trong những năm trước, Li kiếm được khoảng 400-500 nhân dân tệ mỗi mẫu nhưng năm nay ông cho biết con số này có thể giảm xuống mức 200 nhân dân tệ.
Mặc dù có những dấu hiệu đáng lo ngại, nhưng vẫn còn quá sớm để ước tính sản lượng lúa cho vụ thu hoạch tới. Một quan chức nông nghiệp tỉnh Giang Tây cho biết, nếu trời không mưa, mực nước của các sông và hồ chứa gần đó sẽ tiếp tục xuống và vụ thu hoạch của địa phương sẽ ảnh hưởng.
Hồ Bà Dương đang thiếu nước trầm trọng. Ảnh: Caixin
Khu vực này đã đầu tư số tiền khổng lồ để bơm nước từ sông vào các cánh đồng và đang theo dõi tình hình tưới tiêu 24/7.
Trung Quốc đã có một số biện pháp giải quyết
Fitch Ratings, tổ chức xếp hạng tín dụng quốc tế Mỹ, cho biết sản lượng gạo của Trung Quốc trong năm nay có khả năng giảm do thời tiết bất lợi ở khu vực sông Dương Tử không có nguy cơ gây ra biến động lớn đối với giá gạo toàn cầu.
Li Guoxiang, một nhà nghiên cứu tại Viện phát triển nông thôn thuộc Học viện Khoa học Xã hội Trung Quốc, cho biết ngay cả với thời tiết khắc nghiệt năm nay, Trung Quốc vẫn có đủ khả năng để bảo vệ sản lượng lương thực và ổn định giá cả.
Trong những năm gần đây, Trung Quốc đã mở rộng đất canh tác để sản xuất ngũ cốc, do đó sản lượng gạo trong nước đã tăng lên và hiện đã có thặng dư.
Ông nói, Trung Quốc đã biến khoảng 900 triệu mẫu - khoảng một nửa tổng diện tích đất canh tác của cả nước - thành đất canh tác "tiêu chuẩn cao".
Công nghệ canh tác công nghiệp và tưới tiêu hiệu quả đang được sử dụng trên đất nông nghiệp này đã được nâng cấp để chống chọi tốt hơn với tình hình thời tiết khắc nghiệt để tiết kiệm nước và tăng năng suất cây trồng.