Hiến Từ Hoàng hậu: Mẫu nghi thiên hạ cả đời hiền lương, cuối cùng lại bị người mình yêu thương hết mực giết chết

Lou,
Chia sẻ

Xuất thân khuê các Hoàng tộc nhà Trần, gia thế hiển hách, sau trở thành Hoàng hậu rồi Thái hậu quyền uy ngợp trời, tuy nhiên, chỉ vì đặt niềm tin và tình thương sai chỗ mà Hiến Từ Thái hậu chuốc lấy họa sát thân đồng thời khiến một trong những triều đại thịnh vượng bậc nhất trong lịch sử Việt Nam lao đao.

Xuất thân hiển hách, bảo tọa mẫu nghi định sẵn

Hiến Từ Tuyên Thánh Hoàng hậu hay còn được biết đến với tên gọi Hiến Từ Hoàng Thái hậu Trần Thị là ái nữ của Huệ Vũ Đại vương Trần Quốc Chẩn, ông là người con thứ hai của Trần Nhân Tông, em trai của Trần Anh Tông. Theo vai vế, Hiến Từ Tuyên Thánh Hoàng hậu gọi Nhân Tông hoàng đế là ông nội, Trần Anh Tông là bác, Trần Minh Tông là anh họ. Xuất thân cao quý và thập phần hiển hách, từ nhỏ, bà đã được thụ phong là Huy Thánh Công chúa.

Khoảng năm Hưng Long thứ 9 (1301), cháu nội Thượng tướng Chiêu Minh Đại vương Trần Quang Khải là Uy Túc công Trần Văn Bích lấy Thiên Trân công chúa, con gái Trần Nhân Tông làm phu nhân. Khoảng 8 năm sau, Thiên Trân công chúa qua đời, Uy Túc lại lấy Huy Thánh công chúa. Tuy nhiên, cuộc hôn nhân này cũng không kéo dài được lâu, sử sách không ghi chép lại rõ lý do nhưng có thể là bà ly hôn hoặc bị buộc phải bỏ Uy Túc công rồi trở về nhà cha là Huệ Vũ vương, được sắp đặt làm Hoàng hậu cho Minh Tông.

Hiến Từ Hoàng hậu: Nữ trung Nghiêu Thuấn cả đời hiền lương, cuối cùng lại bị chính người mình yêu thương giết chết - Ảnh 1.

(Tranh ảnh minh họa)

Đến năm Đại Khánh thứ 10 (1323), Huy Thánh Công chúa thành hôn với Trần Minh Tông lúc đó 23 tuổi, trở thành chính thất của Hoàng đế, phong hiệu Lệ Thánh Hoàng hậu. Tuy nhiên, khi đã ngồi lên bảo tọa mẫu nghi thiên hạ thì những tranh đoạt, hoàng quyền, vinh quang gia tộc đã khiến cuộc sống của Lệ Thánh Hoàng hậu trong Hậu cung không hề dễ dàng.

Nước mắt u uất nơi tranh đấu hậu cung

Thời điểm đó, Anh Tư phu nhân Lê Thị đã sinh ra Hoàng trưởng tử Trần Vượng cũng đang rất được Minh Tông vô cùng sủng ái. Vốn được sinh ra trong một gia đình có gia thế hiển hách, là khuê nữ được dạy dỗ nghiêm ngặt, nên khi ngồi ở vị trí trung cung, Lệ Thánh Hoàng hậu cũng thể hiện bản thân mình là một bậc mẫu nghi thiên hạ hiền lương, thục đức. Đáng buồn thay, sau 5 năm kể từ ngày ngồi lên bảo tọa, Lệ Thánh Hoàng hậu vẫn chưa thể sinh nở.

Lúc này, Trần Minh Tông đã có con thừa tự. Có lẽ do tác động của Anh Tư phu nhân và Cương Đông Văn Hiến Hầu mà ông nhất quyết muốn lập Trần Vượng làm Hoàng Thái tử. Điều này đã đi ngược lại pháp lệ bấy lâu của nhà Trần là chọn Hoàng đích trưởng tử (vừa là con trai trưởng, vừa là con của chính thất) làm Tự quân. Người đứng đầu phản đối không ai khác là cha của Hoàng hậu, Huệ Vũ vương Quốc Chẩn – người đàn ông vô cùng quyền lực và có tiếng nói trong triều đình nhà Trần thời điểm đó.

Hiến Từ Hoàng hậu: Nữ trung Nghiêu Thuấn cả đời hiền lương, cuối cùng lại bị chính người mình yêu thương giết chết - Ảnh 2.

(Tranh ảnh minh họa)

Bằng thủ đoạn, Cương Đông Văn Hiến Hầu vu cáo Huệ Vũ vương có ý đồ mưu phản khiến Minh Tông cả tin bắt giam và bỏ đói đến chết. Đại Việt Sử ký Toàn thư ghi lại, trước khi Huệ Vũ vương chết thảm, Hiến Từ Hoàng hậu thường lén vào thăm cha mình. Bà lấy áo tẩm nước cho cha uống, hết sức khốn khổ, nhưng vẫn không cứu được cha. 

Chính vì sự việc phụ thân của mình bị chính hoàng đế bức tử mà Lệ Thánh Hoàng hậu mãi ôm trong mình một nỗi u uất. Cũng trong năm đó, Minh Tông lập Hoàng tử Trần Vượng làm Thái tử và đến năm 1392 thì nhường ngôi. Thái Tử Trần Vượng lên ngôi Hoàng đế (sử gọi là Trần Hiến Tông) suy tôn Lệ Thánh Hoàng hậu lên thành Lệ Thánh Thái Thượng Hoàng hậu.

Trong những năm sau đó, bà sinh hạ 3 người con: Hoàng đích tử Cung Túc Vương Trần Nguyên Dục, Hoàng đích nữ Thiên Ninh công chúa Ngọc Tha và Hoàng lục tử Trần Hạo – Trần Dụ Tông sau này, cả 3 người con về sau đều có ảnh hưởng đến vận mệnh nhà Trần. Nguyên Dục tuy là phận con trưởng nhưng tư chất tầm thường, ham chơi từ nhỏ đã thành tính. Còn Hoàng tử Hạo là người thông minh ham học nên được Thượng hoàng Minh Tông rất thương yêu. Nhưng Lệ Thánh lúc đó có phần thiên về Nguyên Dục hơn. Ở đây, ngoài tình thương còn có nỗi lo lắng và trách nhiệm của người mẹ đối với đứa con không có gì nổi bật của mình.

Hiến Từ Hoàng hậu: Nữ trung Nghiêu Thuấn cả đời hiền lương, cuối cùng lại bị chính người mình yêu thương giết chết - Ảnh 3.

(Ảnh minh họa)

Đặt niềm tin sai chỗ, đẩy phận nước vào cảnh rối ren

Trần Hiến Tông làm vua được 13 năm thì băng hà nhưng chưa có con cái. Khả dĩ, một hoàng tử khác sẽ được chọn để kế vị. Và người kế vị chỉ có thể là Nguyên Dục hoặc Trần Hạo. Minh Tông quyết định chọn Trần Hạo, dù lúc ấy chỉ mới 5 tuổi, chứ không lập Nguyên Dục bởi Nguyên Dục "là người phóng đãng quá" (Đại Việt Sử ký Toàn thư). Bản thân Nguyên Dục cũng an phận, bằng lòng với tước phong Cung Túc Vương đến hết cuộc đời. Điều này càng khiến Thái Hậu Hiến Từ thương yêu Nguyên Dục hơn. Nguyên Dục mất khi mới ngoài 30 tuổi để lại một đứa con là Nhật Lễ nên Hiến Từ đã chuyển hết tình thương yêu sang cho Nhật Lễ.

Sau khi Trần Hạo lên ngôi, sử gọi là Dụ Tông, đã suy tôn mẹ đẻ lên làm Tuyên Thánh Hoàng Thái hậu. Dù Dụ Tông đã thân chính và nhà Trần không có lệ cho Thái hậu nghe chính sự, nhưng Hoàng Thái hậu vẫn có sự ảnh hưởng khá lớn trong triều. Chính bà là người đã kiềm chế thói xa hoa hưởng lạc của Dụ Tông trong suốt thời gian ông trị vì. Có người đã xàm tấu với ông rằng Thái úy Cung Tĩnh Đại vương Trần Nguyên Trác đã yểm bùa hại ông. Dụ Tông chút nữa là sát hại Nguyên Trác, nhưng Thái hậu đã can ngăn.

Sau 28 năm trị vì, Trần Dụ Tông qua đời khi không có con nối dõi. Nhận thấy được tình cảm mà Thái Hậu dành cho cha con Cung Túc Vương, nên ông đã xuống chiếu, để lại ngai vàng cho Nhật Lễ. Tuy nhiên, các triều thần ít nhiều đều nghe lời đồn đại rằng Nhật Lễ vốn là con kép hát họ Dương, không phải huyết thống họ Trần nhưng không có chứng cứ để xác nhận hay bác bỏ nên chưa biết cách xử trí. Trong số họ, lại có những người muốn tôn lập Cung Định Vương Trần Phủ (con thứ ba của Trần Minh Tông, anh trai Trần Dụ Tông) nhưng họ cũng băn khoăn vì trái với di chiếu. Việc lên ngôi của Nhật Lễ do đó cũng gặp nhiều khó khăn.

Hiến Từ Hoàng hậu: Nữ trung Nghiêu Thuấn cả đời hiền lương, cuối cùng lại bị chính người mình yêu thương giết chết - Ảnh 4.

(Tranh ảnh minh họa của Nam Thanh Phan)

Thời điểm lúc bấy giờ, người có tiếng nói cao nhất trong triều đình và hoàng tộc là Thái Hậu Hiến Từ. Bà đứng ra chủ trì đại cuộc và với tình thương của mình dành cho con cháu, bà quyết định đưa Nhật Lễ lên ngôi. Nhật Lễ với danh nghĩa được truyền ngôi cử hành đại lễ đăng cơ tôn Hoàng thái hậu làm Tuyên Thánh Thái hoàng Thái hậu.

Ngày 14 tháng 12, Tuyên Thánh Thái Hoàng Thái hậu đột ngột băng hà. Nhưng các sử gia cho rằng, sau khi lên ngôi Nhật Lễ phát hiện mình không phải người họ Trần. Thất vọng trước thân thế, Nhật Lễ rượu chè hoang dâm, hàng ngày chỉ vui chơi, muốn đổi lại họ là Dương. Hiến Từ Thái Hậu biết được, tìm mọi cách sửa chữa lỗi lầm năm xưa. Tuy nhiên, Nhật Lễ biết được nên đã hạ độc giết bà rồi phao tin lên rằng bà qua đời vì bạo bệnh. Bậc "nữ trung Nghiêu Thuấn" của triều Trần không thể ngờ cuộc đời mình lại kết thúc tức tưởi như vậy.

Sau khi bà qua đời ít lâu, nhà Trần chính thức đi vào con đường suy vong, nhường lại trang sử hoàng hoa lại cho nhà Hồ. Sử sách ngày nay đều cho rằng, với việc đưa Nhật Lễ lên ngôi, Tuyên Thánh Thái Hoàng Thái hậu đã vô tình đẩy nhà Trần từ thịnh vượng bậc nhất đến bến bờ sụp đổ.

(Nguồn: Đại Việt sử ký toàn thư)

Chia sẻ