Hết Tết, con đi học, chồng đi làm, chị em nội trợ khóc dở mếu dở vì ô sin một đi không trở lại, nhắn tin gọi điện năn nỉ các kiểu cuối cùng cũng lòi ra lý do thực sự
Chẳng nói gì trước Tết, sau Tết, nhiều gia đình phát cáu, tá hỏa khi ô sin liên tục cáo lỗi: "Sau Tết bị ốm", "Nhà có việc phát sinh" rồi thì "ăn Rằm nốt mới lên"... khiến gia chủ cực ức chế. Có lẽ ô sin thời nay biết "giá" của mình nên rất kiêu, vào đúng mùa nên các "ngài" càng chảnh!
"Nếu ai hỏi chuyện gì khiến gia đình tôi đau đầu nhất trong những ngày năm hết Tết đến hay những ngày đầu năm như bây giờ thì tôi có thể trả lời ngay tắp lự, không mất một giây suy nghĩ: Chuyện ô sin"!
Về sớm, lên muộn, trốn luôn việc...
Gia đình tôi có thâm niên thuê giúp việc vì công việc của vợ chồng tôi đều phải đi nhiều, bận cả tuần. Ông bà ngoại thì xa xôi, ông bà nội thì tuổi cao, lại thêm cụ nằm liệt nhiều năm nên việc qua chăm nom, phụ giúp con cháu là điều không thể. Cả gia đình tôi luôn coi giúp việc như một cứu cánh, một thành tố không thể thiếu của đời sống gia đình.
Biết vậy, nên khi thuê được người giúp việc nào, chúng tôi cũng đối đãi tử tế, tôn trọng, từ chế độ lương thưởng đến cách ứng xử, đối đáp hàng ngày. Thế mà, chả hiểu vì sao, nhà tôi vẫn chưa có duyên gặp được một giúp việc chung thuỷ như mong muốn!
Còn nhớ, ngay trước Tết, để níu chân ô sin, tôi đã chuẩn bị quà cáp đầy đủ và còn thưởng thêm một tháng lương kèm theo 1 triệu đồng gọi là tiền quà bánh, tàu xe. Vậy mà, trái với lời hứa "chắc như đinh đóng cột" là mùng 5 Tết sẽ lên làm việc, chỉ ngay sau khi về quê, người giúp việc nhà tôi đã thông báo không tiếp tục lên làm việc nữa vì một lý do không biết có nên tin như "chồng ốm nặng, đau chân lắm phải nhập viện"...
Vẫn kiên nhẫn, tôi nài nỉ cô cố chăm chồng thêm rồi tuần sau tôi điện lại thì nhận được thông tin: "Chắc cô không lên làm được đâu cháu ạ. Lương thấp lại phải xa nhà. Bà Hà làm cạnh nhà cô, gia chủ trả 7 triệu, thưởng hơn một tháng lương chưa kể tháng nào cũng quần áo mới, thẻ điện thoại mà bà ấy còn không muốn đi làm đấy cháu ạ. Bảo lên Hà Nội làm oisn người ta cười. Thôi, cô với chú ở nhà, rau cháo nuôi nhau cho gia đình đoàn tụ. Ông cũng ốm, người yếu lắm".
Chẳng riêng gì gia đình tôi, tình cảnh "khát" ô sin đầu năm cũng khiến nhiều gia đình lo sốt vó. Mặc dù luôn tự hào vì có được người giúp việc tháo vát, tốt tính, đã gắn bó với gia đình tới 4 năm, nhưng tới mùng 7 âm vẫn chưa thấy ô sin trở lại, chị Xuân (phố Hai Bà Trưng, Hà Nội, hàng xóm nhà tôi) cũng như đứng trên đống lửa.
Chị cho biết, gia đình chị rất quý bác ô sin quê Thái Bình này nên trước khi bác về Tết đã thưởng hẳn 10 triệu, lại mua mấy bộ quần áo mới, một túi quà to, cộng tiền xe đi lại. Trong Tết chị còn gọi điện thoại hỏi thăm, chúc mừng và chờ người làm sẽ quay lại vào mùng 6 như đã hẹn. Nhưng Tết đã qua vài ngày, chị gọi điện thì chỉ nhận được lời hứa mập mờ, thậm chí bảo chờ cho bác "ăn rằm xong" và đến hôm qua thì bác giúp việc tuyên bố nghỉ hẳn.
"May mà còn nhờ được bà ngoại ở quê lên trông con để đi làm. Nhưng bà cũng không thể ở lâu được. 3 hôm nay chị gọi điện khắp nơi nhờ tìm người mà vẫn chưa được, sốt ruột quá. Mẹ đơn thân lại nuôi 2 con nhỏ đứa lớn 5 tuổi, đứa nhỏ 2 tuổi nghịch ngợm lắm, mấy hôm nay nhà như bãi chiến trường. Chưa kể còn một đàn chó con cần chăm nữa, chị phải thu xếp bán nó đi rồi nghĩ cách dần em ạ", chị Xuân ngán ngẩm nói.
Cũng vì ô sin về quê nghỉ Tết không trở lại, chị Thu (Hoàng Mai, Hà Nội) đang phải tạm nghỉ việc để ở nhà trông con.
"Chán lắm em ạ, từ trước Tết đã lao đao, bây giờ sau Tết còn khổ hơn. Thôi thì nịnh nọt, hứa hót đủ điều, nhưng có người nào "biết điều" nhất thì cũng chỉ ở được đến 25, ai cũng lý do cả năm đi làm, cho về sớm mấy ngày lo Tết", chị Thu thở dài.
Thế là cứ một tuần trước Tết, năm nào cũng như năm nào, nhà chị loạn lên chuyện con cái, hôm nào còn đi học thì gửi cô giáo, đến lúc con cũng nghỉ Tết thì vợ chồng chia nhau mỗi người mang một đứa lên cơ quan. Vào đúng đợt dịch thì bố mẹ thay nhau nghỉ việc để trông. Đến ngày cả 2 bố mẹ cũng được nghỉ Tết thì è lưng ra dọn nhà chuẩn bị đón Tết, mệt phờ lại thường phải giải quyết các mâu thuẫn của bọn nhóc kia, thế nên năm nào vợ chồng chị cũng đón Tết với cảm giác mỏi rã rời, bực mình, ức chế, phí công mang tiếng có ô sin...
Đến giờ Tết xong lại lý do chưa lên được: "Đấy, vừa rồi chị có thưởng Tết cho bà ấy cộng với tiền lương ứng trước một tháng để về ăn Tết cho đầy đủ, bà ấy hứa lên hẹn xuống, thề non hẹn biển là sáng sớm mùng 6 lên. Thế mà tối mùng 5 nhắn 1 cái tin gọn lỏn: "Cô phải 2 tuần nữa mới lên được".
Chị gọi lại thì tắt máy, quyết không chịu nghe. Thế có mệt không cơ chứ? Ức không chịu được nhưng không dám làm gì, vì sợ bà ta tự ái không lên thì còn khổ nữa".
Thực tế, đã xảy ra không ít trường hợp, ô sin về quê trong dịp nghỉ Tết hoặc với bất kỳ một lý do nào đó rồi không trở lại nữa. Với rất nhiều lý do, không hợp gia chủ, tâm lý nhớ nhà, "có mới nới cũ"...
Xin thưởng, đòi tăng lương, ép chế độ mới
Phần lớn ô sin đều xuất thân từ nông thôn và chỉ coi làm ô sin như một công việc tạm thời. Nhiều người sau Tết cũng có những kế hoạch khác hoặc tìm gia đình khác có lời hứa hẹn vì thu nhập cao hơn.
Họ thường không nghe máy, im thin thít và lặn mất tăm khiến cho gia chủ không thể liên lạc được. Hoặc, lịch sự hơn, họ gọi điện xin nghỉ việc. Cũng có người mặc cả, ăn tết qua Rằm tháng Giêng mới lên.
Đỏ mắt tìm người giúp việc sau mấy ngày Tết, nhiều gia đình như gia đình tôi cũng chẳng còn cách nào ngoài "buốt ruột" móc ví thuê người giá cao.
Hôm nay, nhà chị Quỳnh Anh (hàng xóm kế nhà tôi) đã phải đánh ô tô về tận Tuyên Quang để đón người giúp việc lên.
Chị kể: "Người giúp việc mà oai thế đấy em ạ. Cũng tại nhà mình cần người quá phải chịu. Con bé con nó lại quen với cô giúp việc này rồi, không chịu người khác. Ô sin hẹn nhà chị mùng 5 lên sớm mà rồi cứ kiếm cớ không bắt được xe, rồi hết tiền đi ô tô. Nhà chị kêu gọi taxi lên hai vợ chồng thanh toán cũng không đồng ý, bảo sợ dịch. Rồi lần lữa cuối cùng vừa phải đánh xe về đón, vừa phải... tăng lương.
Hôm nay anh xã chị phải về quê đón đấy. Tết năm nào cũng thế. Lại giải quyết khâu oai cho người giúp việc mà, còn mình thì vất vả quá cơ. Số chị chắc cung nô bộc nó kém".
Cũng chả khác chị Quỳnh Anh là bao, chị Nga (đồng nghiệp tôi) than thở bài toán hoãn binh để tăng lương của giúp việc sau Tết: "Bà giúp việc nhà chị bảo bận việc nên không lên được, chị gọi mấy lần thì lại diễn bằng bài ca 'sắp sang năm mới rồi, cháu xem tăng lương cho bác chứ nuôi em nó càng ngày càng tốn kém' khiến chị ngã ngửa.
Chị bảo, cháu tăng nữa thì thà nuôi hẳn hai giúp việc, mỗi người một nhiệm vụ còn đỡ hơn bác ạ. Thấy chị nói căng, bác lại xuống nước, thì thôi, cô tăng cho bác một tí, gọi là... cuối cùng, cực chẳng đã, lại nghĩ cảnh tìm giúp việc mới cũng oải, chị đành tăng. Chán lắm em ạ".
Theo anh Quân – chủ một trung tâm môi giới giới thiệu việc làm, do đầu năm mới việc tìm giúp việc cũng rất khó khăn, nên phí môi giới thành công mỗi vụ cũng được tăng lên 1000.000 - 1.500.000 đồng.
"Giá thuê người giúp việc bây giờ cũng rất cao, đa số 6-7 triệu đồng/tháng thậm chí 8 triệu đồng/tháng đối với gia đình có con nhỏ hoặc người già. Tết xong, giá giúp việc còn cao hơn nữa", anh Quân cho biết.
Cô Thắm (ở Đống Đa, Hà Nội) chia sẻ: "Người giúp việc thời nay khác xưa nhiều lắm. Họ biết tầm quan trọng của họ trong gia đình mình nên họ hay làm khó. Nếu mình mà không có những chính sách như tăng lương, thỉnh thoảng thưởng cho họ thì khó mà giữ họ ở lại với gia đình và tận tụy với công việc. Thôi thì tốn kém hơn một chút nhưng được việc thì mình chấp nhận thôi".
8 cái Tết đã qua, 7 đời giúp việc, năm nay nhà tôi xác định "mồ côi" luôn giúp việc fulltime. Thôi thì, đành thuê tạm người giúp việc theo giờ, đỡ mệt, vì ô sin của của các công ty này chuyên nghiệp hơn, ít "chảnh" hơn, mình trả nhiều tiền hơn một chút ngay từ đầu, nhưng khỏi phải ấm ức, khó chịu, khỏi bị rơi vào tình thế bất ngờ không xoay xở kịp, để Tết vui không thành Tết chán chỉ vì ba từ người-giúp-việc nữa!